pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lùi lịch thi đến tháng 8/2020, thêm áp lực cho sĩ tử?
Tiếp tục lùi lịch thi THPT Quốc gia
Ngày 13/3, Bộ GD&ĐT gửi công văn hỏa tốc tới chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Theo đó, năm học này sẽ kết thúc trước ngày 15/7. Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến 11/8.
Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian trên, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động quyết định thời gian cho học sinh đi học trở lại, bảo đảm an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
Bên cạnh đó, trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường, bộ đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ đạo sở GD&ĐT tiếp tục rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của bộ, triển khai hình thức dạy học qua Internet, truyền hình, tổ chức ôn tập kiểm tra công nhận kết quả học tập khi học sinh đi học trở lại.
Việc điều chỉnh thời gian thi đã được Bộ GD&ĐT đưa ra một lần trước đó khi thời gian đi học trở lại đề xuất vào 2/3. Cụ thể, ngày 22/2, Bộ GD&ĐT ký công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Theo đó, năm học 2019-2020 kết thúc trước ngày 30/6/2020, Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 23 đến ngày 26/7.
Trước việc học sinh nhiều tỉnh thành được tiếp tục nghỉ học do dịch covid – 19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã chủ động lên kế hoạch để ôn tập cho thí sinh một cách có hệ thống, tránh tâm trạng lo lắng cho sĩ tử.
Mới đây nhất, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Đài PTTH Hà Nội tổ chức sản xuất và phát sóng Chương trình học trên truyền hình các môn học năm học 2019 – 2020 dành cho học sinh lớp 9 và 12 nhằm giúp học sinh trên địa bàn thành phố ôn luyện và học tập. Các bài giảng truyền hình do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy sẽ góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2019 – 2020.
Bài giảng thiết kế cho học sinh thi THPT Quốc gia với các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh. "Đây là các bài giảng mới, tiếp nối các bài học mà các em đã học trước khi nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19 chứ không phải ôn lại các bài đã học", ông Nguyễn Ngọc Quang - PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin.
Lo lắng vì tương tác thấp
Thực tế, trước thời điểm thiết kế các bài giảng trên truyền hình, nhiều trường học tại Hà Nội đã triển khai cách học trực tuyến, hoặc giáo viên quay clip bài giảng và phát lên youtube rồi gửi cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều sĩ tử cho rằng việc tiếp thu nội dung bài học online nhiều hạn chế.
Nguyễn Thu Hương (HS lớp 12 tại quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, các bài giảng online và bài tập online được giao trong thời gian một tháng qua tuy có nhiều nội dung hấp dẫn, cách ra đề lôi cuốn, song không thể khiến em nhớ lâu và tập trung được. "Tính tương tác giữa học sinh và giáo viên rất quan trọng, theo đó có phần nào không hiểu thì chúng em có thể hỏi luôn giáo viên, khi đó việc nhớ bài giảng sẽ sâu hơn. Việc phổ biến kiến thức mới qua bài giảng truyền hình sắp tới, em lo là sẽ không đạt được điều này" – Hương chia sẻ.
Có con gái năm nay thi THPT Quốc gia, chị Lưu Thiên Thanh (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tỏ ra sốt ruột khi thời gian vừa qua việc ôn tập của con dường như "giẫm chân tại chỗ", trong khi năm nay các con không có đề thi minh họa theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nữ phụ huynh cho rằng, càng lùi lịch thi, học sinh càng bị ảnh hưởng tâm lý và áp lực, chưa kể thời điểm ôn thi sẽ đúng mùa hè nóng bức. "Bộ GD&ĐT cần có những hướng dẫn thật cụ thể cho các trường về việc định hướng ôn tập, tránh dàn trải và lo lắng cho học sinh do tác động của dịch bệnh" – chị đề xuất.
Trước những lo lắng trên, ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) đưa ra lời khuyên rằng, thời điểm này các thí sinh nên tự rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình THPT, tập trung chủ yếu nội dung chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11.
"Giáo viên chủ động phân tích định dạng và cấu trúc đề thi chính thức và tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019 theo các nhóm cấp độ câu hỏi (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) và theo các chủ đề của nội dung kiến thức. Từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập với các chuỗi kiến thức được theo chủ đề hoặc theo nhóm các vấn đề, gắn với việc củng cố những nội dung kiến thức có tính kế thừa của lớp 10, 11" – ông Hồng nhấn mạnh.