pnvnonline@phunuvietnam.vn
Luôn học hỏi, nuôi dưỡng đam mê và dấn thân để thành công
Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc vận hành Microsoft Việt Nam, chia sẻ tại diễn đàn
Theo bà Phan Tú Quyên, một điều quan trọng nữa là sau khi học hỏi thì phải ứng dụng những thứ mình đã học được vào công việc, cuộc sống. "Có những người học rất nhiều nhưng vấn đề là có ứng dụng hay không. Mình phải xây dựng cách nhìn nhận vấn đề như vậy. Ban đầu không dễ, nhưng đến một ngày mình sẽ cảm thấy thích thú. Cứ ẩn mình đi, đến một lúc lượng đổi chất đổi thì sẽ phát triển", Giám đốc vận hành Microsoft Việt Nam chia sẻ.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Phúc Khang cho biết, đổi với bản thân bà, sự thành công và hạnh phúc không phải là mục tiêu mà là những trải nghiệm thăng trầm với công việc, cộng sự.
Theo bà Thanh Mẫu, tinh thần cầu thị và học tập chính là nền tảng của tư duy phát triển. Sự học tập sẽ giúp chúng ta khám phá những cái mới và thoát ra khỏi vùng an toàn của mình. "Nỗi sợ thì ai cũng có nhưng quan trọng là dũng cảm đối mặt với nó. Xuyên thủng nó bằng ý chí và sự cầu thị học tập của mình. Chúng ta hoàn toàn có khả năng biến những điều ít có thể thành rất có thể", bà Lưu Thị Thanh Mẫu nói.
Trong khi đó, nhắc lại những thay đổi, phát triển mạnh mẽ của Bệnh viện Hùng Vương trong thời gian qua, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc bệnh viện cho biết để có được điều này thì phải thay đổi tư duy. Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất thì các kỹ thuật mới được áp dụng, bệnh viện cũng có nhiều hoạt động hướng đến người bệnh.
Theo bác sĩ Diễm Tuyết, khi có đam mê trong công việc thì sẽ thành công. Bên cạnh đó, phải nhìn vào sự thật, chấp nhận đương đầu với khó khăn, thử thách để vươn lên.
Vượt khó nhờ tư duy phát triển
Bà Susan Mackie - Đồng sáng lập The Growth Mindset Institute (Úc) chia sẻ, một trong những điều đầu tiên cần biết là về bản chất chúng ta luôn có sự pha trộn giữa bảo thủ và cầu tiến. Với một tư duy bảo thủ, chúng ta cần tin rằng mình có thể học hỏi nhưng hệ thống niềm tin khẳng định rằng trí thông minh hoặc tài năng là có hạn, và tính cách không thể thay đổi. Từ đó chúng ta đã tự giới hạn mọi thứ.
"Thật ra tất cả những gì chúng ta cần là tìm ra những tình huống để kiểm chứng khả năng thực tế có nhiều hơn mình nghĩ. Đó chính là tư duy cầu tiến. Theo thiển ý của tôi, tính cách thông minh và tính dễ uốn nắn có thể thay đổi cách chúng ta phát triển thông qua việc đương đầu với những thử thách, sai lầm hoặc thông qua việc học hỏi. Nhờ đó chúng ta có thể thay đổi hệ thống niềm tin về bản thân là có thể phát triển và cải thiện liên tục. Nếu bạn có tư duy cầu tiến thì bạn sẽ vượt qua những khó khăn, vất vả", bà Susan Mackie nói.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HAWEE cho biết, chúng ta đều biết tư duy định hướng suy nghĩ, suy nghĩ quyết định hành động và hành động tạo ra kết quả. Tư duy phát triển chính là niềm tin vào tiềm lực không giới hạn và đội ngũ trong việc học hỏi và sáng tạo. Khi thiếu vắng niềm tin này, chúng ta sẽ bị đóng khung vào những lối mòn và thiếu tự tin để tiến vào lĩnh vực mới. Khi chúng ta nghĩ rằng năng lực và nguồn lực của mình bị giới hạn, chính chúng ta cản trở sự phát triển của mình.
"Tư duy phát triển là một chất dẫn quan trọng giúp chúng ta vượt qua chính mình. Đối với doanh nghiệp, văn hóa có hàm chứa tư duy phát triển sẽ giúp doanh nghiệp luôn bình tĩnh vượt qua trở ngại, không ngừng sáng tạo và vượt lên", Chủ tịch HAWEE nhấn mạnh.