Lưu trữ và bảo quản thực phẩm trong bếp ăn gia đình

Bài, ảnh: An Khê
20/11/2024 - 09:32
Lưu trữ và bảo quản thực phẩm trong bếp ăn gia đình

Quy trình bảo quản thực phẩm cần được thực hiện nghiêm ngặt

Vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn đề rất quan trọng bởi có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Tư vấn về quy trình để đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn gia đình, Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải cho biết: Thứ nhất, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong gia đình cần làm theo những quy trình: Tổ chức bếp theo một chiều, nhận thực phẩm về, sơ chế, chế biến và bày ra bàn ăn. Khi mang đồ ăn về nhà sẽ phải sơ chế luôn, sau đó cắt, thái, chế biến. Đó là quy trình một chiều.

Lưu trữ và bảo quản thực phẩm trong bếp ăn gia đình- Ảnh 1.

Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải

"Khi mua thực phẩm về chưa chế biến ngay thì phải sơ chế, bảo quản. Bằng cách nào, bảo quản như thế nào, bằng phương tiện gì để thực phẩm còn tươi mới, không bị ôi thiu, mốc hỏng thì chúng ta cũng phải thực hiện quy trình đó", chuyên gia lưu ý.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, khi nấu xong nên ăn ngay, bát đĩa sạch sẽ là tốt nhất. Nếu chưa ăn ngay mà cần để phần, hoặc ăn sau thì cũng phải có quy trình bảo quản thực phẩm chín. Quy trình này tách biệt hẳn với thực phẩm sống ban đầu. Đây là quy trình cơ bản để đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn của gia đình.

Bên cạnh đó, trong bếp ăn gia đình, bảo quản thực phẩm, lưu trữ thực phẩm là việc hết sức cần thiết. Nên bảo quản từng loại nguyên liệu, những nguyên liệu sống sẽ bảo quản riêng, chín bảo quản riêng. Rau, củ, quả, thịt cá bảo quản riêng và các loại thực phẩm động vật cũng bảo quản riêng không để chung lẫn lộn.

Không nên tích trữ quá nhiều, nên mua vừa, ăn vừa đủ. "Tất cả thực phẩm giờ bày bán sẵn ở các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn. Không cần lưu trữ thực phẩm dài ngày vì sẽ biến đổi chất lượng", chuyên gia Nguyễn Phương Hải khuyên.

Tuy nhiên do nhiều người có thói quen mua để dự trữ thêm cho một vài ngày hoặc không có thói quen đi chợ hàng ngày thì khi mua rau, củ về cần bảo quản riêng. Ví dụ loại nào cho vào hộp, loại nào bọc giấy, loại nào để trong túi zip, đều cần phải làm đúng quy trình. Thịt, cá cũng vậy, khi bảo quản thịt cá cần để ở ngăn tủ đông, riêng biệt với các thực phẩm khác. Các hộp bảo quản nên là hộp kín, có tem mác rõ ràng để biết mua ngày nào phòng để quá hạn.

Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Phương Hải cũng cẩn thận lưu ý cách bảo quản để không bị mất chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Thực phẩm tươi mới sẽ ít nhiều hao hụt, mất chất dinh dưỡng trong quá trình bảo quản. Tuy nhiên, nếu có quá trình bảo quản nhất định như đối với thịt gia súc, gia cầm thì phải lựa chọn nhiệt độ thích hợp, tránh trường hợp bị ôi, thiu, mốc, hỏng. Thịt phải bảo quản ở ngăn cấp đông, nhiệt độ âm phù hợp. Đối với các loại thủy, hải sản cũng vậy và đặc biệt không để lẫn chung thịt gia cầm với các loại thủy hải sản. Tương tự với các loại rau, hạt, đồ khô cũng có những quy trình bảo quản riêng và lưu ý thời gian tối đa của mỗi loại rau là bao nhiêu.

"Đối với gia đình, thực phẩm không có quá nhiều như nhà hàng nên chúng ta có thể tham khảo cách bảo quản của từng loại rau, củ, quả trên các trang thông tin điện tử. Ví dụ như cà chua bảo quản từ 3 - 4 ngày, rau tươi thì 1 - 2 ngày. Rau thông thường có thể bảo quản trong nhiệt độ mát khoảng 8 - 10 độ C. Quy trình bảo quản như vậy thực phẩm sẽ không bị mất chất dinh dưỡng", chuyên gia Nguyễn Phương Hải cho biết.

Để có một sức khỏe tốt, chúng ta cần có chế độ ăn uống phù hợp về dinh dưỡng, đồng thời thức ăn và đồ uống phải bảo đảm vệ sinh và an toàn. WHO đã tiến hành nhiều nghiên cứu công phu và đi đến kết luận, thực phẩm không an toàn có thể gây ra những vấn đề rất lâu dài với sức khỏe của người dùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm