Luxembourg là quốc gia có thu nhập GDP bình quân theo đầu người cao nhất thế giới và được mệnh danh là “trái tim xanh" của châu Âu.
Nằm gọn giữa các “đại gia” Pháp, Đức và Bỉ, Luxembourg chẳng những không bị thôn tính, đồng hóa, mà còn vươn lên tầm vóc thế giới - nước này là thành viên đồng sáng lập của nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương… Với hơn 80% dân số là người nhập cư, người dân ở đây ngoài tiếng Luxembourg, còn thông thạo các ngôn ngữ khác như Pháp, Đức, Anh… Tại các điểm tham quan ở Luxembourg, đều có thiết bị nghe dịch, du khách không cần hướng dẫn viên, chỉ cần bấm nút chọn ngôn ngữ.Là nước nhỏ, nhưng Luxembourg có Tập đoàn RTL với 34 đài truyền hình, 33 đài phát thanh phủ sóng khắp 12 quốc gia và tập đoàn thép Arcelormital lớn nhất châu Âu. Luxembourg là hội sở của hàng trăm ngân hàng các nước, trong đó có ngân hàng đầu tư và văn phòng kiểm toán châu Âu…Luxembourg chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc Pháp, nổi bật là tòa lâu đài Lucilinburhuc được xây dựng cách đây hơn 1000 năm, nhà thờ Đức bà Luxembourg, đại lộ chính của Luxembourg trông na ná như đại lộ Champs Elysées ở Paris.Cung điện Grand Dukes với kiến trúc độc đáo, được xây dựng vào năm 1574 - một trong những ví dụ hoàn hảo nhất của kiến trúc thời kỳ phục hưng với vẻ đẹp lộng lẫy, tinh tế.Nhà hát Luxembourg (tên đầy đủ là Grande-Duchesse Josephine-Charlotte Concert Hall) do kiến trúc sư Christian de Portzamparc thiết kế, là một trong những nhà hát nổi tiếng nhất châu Âu, hàng năm tổ chức đến 400 buổi hòa nhạc.Thánh đường Notre-Dame là nhà thờ Công giáo La Mã, được xây dựng vào năm 1870, mang đậm kiến trúc Gothic pha trộn nét nghệ thuật thời Phục hưng tuyệt mỹ.Tòa nhà của Ngân hàng Tiết kiệm quốc gia được xây vào những năm 1910 - 1913 theo phong cách Phục hưng Quảng trường William II - trái tim của thành phố Luxembourg, mang tên của vị hoàng đế lỗi lạc của cả Luxembourg và Hà Lan, từ xa xưa đã có một ý nghĩa đặc biệt đối với người dân và đất nước Luxembourg.Tượng Gëlle Fra tưởng niệm những người lính của Luxembourg chết trong Thế chiến thứ nhất tại Quảng trường Hiến pháp, được xây dựng năm 1923, bị quân Đức đánh sập năm 1940, trùng tu năm 1984 - biểu tượng của lòng yêu tự do và sự kiên cường của người Luxembourg.Luxembourg chịu ảnh hưởng từ hai nền văn hóa Roman và German nhưng đã được cách tân bởi các cửa hàng thời trang đa văn hóa bắt mắt, màn trình diễn của các nghệ sĩ đường phố đến từ Ả-Rập, món xúc xích Đức thơm lừng, kepap Thổ Nhĩ Kỳ hấp dẫn…và các hàng quán dập dìu du khách.Luxembourg có tới 110 cây cầu. Cầu Đại công tước Adolphe được xây dựng từ năm 1900 - 1903 bởi hai kiến trúc sư nổi tiếng với kiến trúc mái vòm bằng đá lớn nhất thế giới lúc bấy giờ - một biểu tượng minh chứng cho nền độc lập của quốc gia này.Cầu “Cũ” được xây dựng vào năm 1859 - 1861 qua thung lũng Pétrusse có các cột trụ cao 30 mét, với tổng chiều dài 290 m.Cầu “Đỏ” kết nối trung tâm thành phố với khu châu Âu, cao 74 m, dài 355 m, rộng 25 m và tổng trọng lượng 4.900 tấn.Được thiết kế bởi kiến trúc sư Catalan Ricardo Bofill vào năm 2004, Quảng trường châu Âu là nơi tọa lạc của các tòa nhà chính như Philharmonie, Alcide De Gasperi, Trung tâm hội nghị mới, Bảo tàng MUDAM Drai Eechelen... Điểm tham quan nổi tiếng nhất của Luxembourg là Chemin de la Corniche, vắt ngang qua thung lũng Alzrtte, do người Tây Ban Nha và Pháp xây dựng vào thế kỷ 17 - nơi bao quát cả Luxembourg, được mệnh danh là “Ban công đẹp nhất châu Âu”.Dưới Chemin de la Corniche là hệ thống pháo đài ngầm Bock Casemates dài 23 km, có chỗ sâu 40 m, do bá tước Sigfried xây dựng từ năm 963. Cả thị trấn phòng thủ rộng hơn 40000 m2, nằm trong lòng đất với những chân tường rất dày và lan can bằng sa thạch dựng theo những vách đá dốc đứng.Từ năm 1933, Casemates được chính quyền Luxembourg cho sửa chữa và mở cửa cho khách thăm quan. Hiện nay, trung bình hàng năm Bock Casemates đón hơn 100.000 lượt khách thăm quan.Sự lãng mạn và nét đẹp ẩn giấu của thành phố Luxembourg là nó nằm giữa lòng thung lũng. Thành phố Luxembourg được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1994 và được EU tặng danh hiệu “Thủ đô văn hóa châu Âu” vào năm 1995 và 2007.Luxembourg không có nhịp sống hối hả, không ồn ào xô bồ như nhiều thành phố du lịch khác ở châu Âu. Ngoài những chiếc xe hơi đời mới, Luxembourg không có các hoạt động ăn chơi kiểu khoe của. Nhịp sống ở đây vẫn thong thả, khoáng đạt; một màu xanh dịu mát, lắng đọng, hòa lẫn trời đất với con người.Luxembourg không bao giờ quên giữ gìn các giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc. Có lẽ, đó là lý do dù nhỏ bé, cả ngàn năm bị xâm lấn, Luxembourg vẫn giữ vững chủ quyền và vươn lên thành quốc gia giàu có, được bạn bè kính nể.