Lý do bạn dễ bị đái tháo đường tấn công

07/08/2018 - 21:17
Đái tháo đường (ĐTĐ) được coi là kẻ giết người thầm lặng bởi bệnh không gây ra những cái chết nhanh chóng như các bệnh cấp tính khác nhưng nó âm thầm tiến triển và cuối cùng dẫn tới tử vong. Hiện Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc căn bệnh này.
Theo TS Nguyễn Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, BV Nội tiết TƯ, ĐTĐ làm tăng biến chứng bệnh tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cao gấp 2-4 lần so với người không mắc bệnh ĐTĐ và nhìn chung những người này sẽ có tuổi thọ giảm đi 6-10 năm so với người không mắc.
image001.jpg
Các bác sĩ BV Nội tiết TƯ thảo luận phương án điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường

 

Trong môi trường hiện đại, con người dần dần hình thành thói quen lười vận động, chủ yếu di chuyển bằng ô tô, xe máy. “Chính lối sống lười vận động, ăn uống mất kiểm soát, lạm dụng bia rượu, ăn nhiều chất béo... là nguyên chính gây nên tình trạng gia tăng người mắc ĐTĐ tuýp 2”, bác sĩ Toàn cho biết.
 
Cũng theo TS Nguyễn Quang Toàn, cách đây 20-30 năm, những ca bệnh ĐTĐ ở Việt Nam tương đối hiếm. Ngoài ra, những người mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 thường chỉ nằm ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. Giờ đây, sự trẻ hóa đã được ghi nhận trên thế giới và ở Việt Nam. Tình trạng người trẻ bị bệnh ĐTĐ không còn lạ, thậm chí người bệnh dưới 13 tuổi bị ĐTĐ là chuyện bình thường. Bên cạnh đó, một số trẻ nhỏ mắc bệnh này do có lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học khi hằng ngày dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, điện thoại, máy tính...
 
TS Nguyễn Quang Toàn khuyến cáo, để giảm nguy cơ biến chứng và ngăn đường tăng cao, người bệnh ngoài việc phải điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần tự trang bị cho mình lượng kiến thức tốt về ĐTĐ. Theo đó, cần tránh ăn nhiều thức ăn có tinh bột hay đồ ăn có lượng đường cao.
 
“Người bệnh mắc ĐTĐ cần tuân thủ lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để giữ lượng đường huyết ổn định, đặc biệt khi thấy đường huyết tăng cao cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra”, TS Nguyễn Quang Toàn khuyến cáo.
 
Để phòng ngừa mắc ĐTĐ, theo TS Toàn, mọi người cần khống chế trọng lượng cơ thể để tránh béo phì; ăn ít chất béo, bột, đường nhưng tăng cường chất xơ; hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá; tăng cường vận động thể lực phù hợp với sức khỏe và tuổi tác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm