Lý do con trai quyết đưa mẹ vào Nam sinh sống

18/02/2018 - 19:00
Dù đã cố gắng làm tất cả những gì có thể cho mẹ, cho quê hương nhưng Trung vẫn nhận phải “trái đắng” khi mẹ không may nằm viện ngày giáp Tết.

Ở xã miền biển của vùng quê nghèo này, Trung được xếp hạng là người thành đạt của địa phương. Bươn chải tận phương Nam xa xôi, phải mất gần 10 năm, Trung mới có được vị thế như ngày hôm nay.

Nhưng điều anh canh cánh nhất là việc không thể đón mẹ vào sinh sống với con cháu. Đơn giản chỉ vì bà không muốn rời xa quê hương, không muốn để bàn thờ chồng lạnh lẽo. “Với lại, đi đâu, làm gì cũng phải giữ nếp nhà để con cháu còn biết đâu là nguồn cội chứ”, mẹ anh từng tâm sự với anh như thế.

Ảnh minh họa
 

Không thể đưa mẹ vào hưởng cuộc sống sung túc với con cháu, anh cố xây cho mẹ một căn nhà khang trang. Đồng thời anh còn xây dựng nhiều công trình cho địa phương. Anh là người đóng góp chủ yếu để giúp xã xây dựng nông thôn mới, kêu gọi xây cầu, xây cổng làng cho quê hương của mình.

Tuy nhiên, anh cũng có một nỗi muộn phiền đó là người thân, họ hàng của anh không mấy người có tình cảm quý mến thật sự với gia đình. Nguồn gốc sâu xa cũng xuất phát từ bố. Ông từng là cán bộ ủy ban nhưng bất mãn với cách làm việc của cấp trên mà sinh ra chán chường, ông lao vào nhậu nhẹt. Nhiều lần quá chén, ông cũng gây sự với người thân, họ hàng. Thành ra, ký ức của anh cũng bị ám ảnh bởi sự ghẻ lạnh của không ít người thân.

Chính bởi vậy, dù thành đạt nhưng anh cũng không dành nhiều ưu ái cho họ. Đỉnh điểm của mối bất hòa đó là khi mẹ anh nằm viện ngày giáp Tết. Dù rất muốn về ngay với mẹ nhưng anh vẫn phải bàn giao công việc ở công ty cho cấp phó. Khi đến viện, anh bất ngờ khi đã có cô, chú, bác thay phiên nhau chăm sóc mẹ. Những tưởng đó là nghĩa tình cao đẹp của người thân. Nhưng đến khi mẹ anh khỏe lại thì một chuyện đau lòng khác lại tìm đến.

Khi mẹ anh vừa được đưa về nhà, những người từng tham gia chăm sóc mẹ anh kéo đến nhà. Sau vài lời thăm hỏi đãi bôi, họ đưa ra một tờ giấy. Anh không tin vào mắt mình khi đó là giấy liệt kê ngày công chăm sóc mẹ. “Thân thì thân thật, nhưng cô chú cũng phải bỏ làm để chăm sóc cho mẹ cháu, mỗi ngày công cũng mấy trăm nghìn, cháu lại là người có điều kiện tiếc gì mấy đồng này”, một người cô lên tiếng.

Số tiền đó không quá lớn với Trung, anh trả ngay cho tất cả mọi người ngày hôm ấy. Nhưng cũng ngay sau Tết, anh quyết tâm đưa mẹ vào Nam. “Sống giữa những người thân tham lam thế này, con không yên tâm được”, anh nói với mẹ khi trong lòng ngổn ngang, chát đắng bởi hai chữ "tình thân".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm