pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lý do đạo diễn chọn Hội An làm bối cảnh chính của phim "Bóng đè"
Các nhà cổ Hội An được kết hợp giữa lối kiến trúc đa văn hóa độc đáo, thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên
Bộ phim kinh dị “Bóng đè” của đạo diễn Lê Văn Kiệt xoay quanh gia đình người đàn ông góa vợ cùng hai cô con gái. Sau biến cố, 3 cha con chuyển từ thành phố về một ngôi nhà cổ vùng nông thôn và bắt đầu cuộc sống mới.
Bối cảnh phim tại Hội An, thành phố nổi tiếng với vẻ đẹp truyền thống, là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá, lịch sử Việt Nam. Các nhà cổ ở đây cũng được kết hợp giữa lối kiến trúc đa văn hóa độc đáo, thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, nhưng cũng có nét trầm mặc nhuốm màu thời gian với nhiều thăng trầm lịch sử đầy bí ẩn, phần nào thôi thúc Lê Văn Kiệt phải khám phá và trải nghiệm. Và rồi, vị đạo diễn gốc Việt đã lựa chọn đưa “viên ngọc của Quảng Nam” vào tác phẩm của mình dưới một góc nhìn khác biệt.
Qua những đoạn trailer của “Bóng đè” được tung ra, bao trùm lên bộ phim là không khí u ám cùng bối cảnh là một căn nhà cổ tại miền quê của Hội An càng kích thích sự tò mò và nỗi sợ tiềm ẩn trong mỗi khán giả.
Bên cạnh đó, ngôi nhà được thiết kế với khá nhiều cửa sổ đáng lẽ sẽ giúp cho ánh sáng và không khí được thông thoáng hơn, nhưng khi xem qua các phân cảnh trailer đã được tung ta trước đó, ngôi nhà cổ lại tạo cảm giác ngột ngạt, bí bách, cảm giác như có một thế lực vô hình đang ẩn nấp trong ngôi nhà.
Chia sẻ về lý do chọn Hội An làm bối cảnh cho phim “Bóng đè”, đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt cho hay: “Tôi là một người thích tò mò, thắc mắc, mê tìm hiểu về quê hương của mình. Tôi sinh ra ở Việt Nam nên tôi không thể nào bỏ qua sự kết nối giữa tôi và mảnh đất này. Nó giúp tôi rất nhiều khi làm phim và tôi sẽ cố gắng lồng ghép bất cứ bản chất Việt Nam nào trong đó. Nhiều người có thể xem nhẹ những chi tiết nhỏ nhưng tôi thấy được sự khác biệt và độc đáo ở chúng. Tôi nhìn và lắng nghe mọi thứ xung quanh và đem nó vào phim, vì phim là cho khán giả Việt mình xem mà”.
Bằng tài năng của mình, đạo diễn Lê Văn Kiệt biến những hình ảnh vốn đã quen thuộc trong đời sống thường ngày của người Việt trở thành những chi tiết đắt giá, đầy tính bất ngờ trong tác phẩm của mình. Với nhiều người Việt Nam, hình ảnh chiếc võng, tấm cửa chớp bằng gỗ hay những chiếc sào phơi đồ bằng tre luôn là một hình ảnh đẹp mang tính biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt. Nhưng chính những hình ảnh đó đã trở thành những yếu tố gây “hoang mang”, kích thích nỗi sợ hãi cho người xem.