Lý do Gà Tây, Bí ngô lên bàn tiệc lễ Tạ ơn

24/11/2016 - 13:01
Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) là ngày lễ quốc gia diễn ra chủ yếu ở Mỹ và Canada. Đây là ngày mừng mùa thu hoạch thắng lợi và tạ ơn Chúa đã ban cho những người đến lập nghiệp ở mảnh đất này cuộc sống no đủ, an lành. Năm nay, lễ Tạ ơn rơi vào hôm nay, 24/11.

Lễ Tạ ơn đầu tiên xuất hiện vào lúc nào, đến nay vẫn còn nhiều giả thiết. Tuy nhiên, đa số các ý kiến đều cho rằng lễ Tạ ơn đầu tiên diễn ra vào tháng 11/1621 khi một đoàn di dân theo Thanh giáo đến từ Anh tổ chức một buổi tiệc kéo dài 3 ngày để mừng vụ mùa bội thu sau mùa đông ảm đạm đầu tiên của họ tại Bắc Mỹ và tỏ lòng biết ơn nhóm dân da đỏ, đặc biệt với một thổ dân có tên là Tisquanto.

Chuyện kể rằng, vào khoảng thế kỷ XVI - XVII, một nhóm người theo Thanh giáo tại Anh bị hoàng đế lúc đó là vua Henry VIII bắt cải đạo để theo tôn giáo mới sáng lập của ông ta trong cuộc cải cách Tin Lành. Tuy vậy, những người này không chấp nhận và bị tống giam. Một thời gian sau, vua Henry VII truyền họ lại một lần nữa nhưng họ vẫn quyết không cải đạo. Để tránh bị chính quyền bức hại, năm 1609, nhóm người này đã rời nước Anh đến Hà Lan, một quốc gia ủng hộ Tin Lành để được tự do thờ phụng Chúa.

Sau khi đến Hà Lan sinh sống một thời gian, họ sớm nhận ra mình không thể hòa nhập ở nơi này và lo sợ con cháu mình sẽ bị mất gốc. Một số nhóm người tiếp tục rời khỏi Hà Lan trên con thuyền tên là Mayflower để đến một thế giới mới là châu Mỹ sinh sống. Nhóm người di dân này được gọi là Pilgrims (người hành hương).

Ngày 11/12/1620, đoàn hành hương đến Plymouth Rock, Massachusetts. Mùa đông đầu tiên rất khắc nghiệt. Ngay cuối thu năm ấy, bệnh dịch và lạnh lẽo đã làm đoàn mất đi 46 người trong số 102 người và tiếp tục phải trải qua khó khăn trong những ngày mùa đông khắc nghiệt.

6.jpg
 Lễ Tạ ơn đầu tiên được tổ chức năm 1621 để  tạ ơn Chúa ban phước cho những người di dân đầu tiên đến nước Mỹ một vụ mùa bội thu và để cảm ơn những người thổ dân da đỏ đã giúp đỡ họ.

Vào lúc khó khăn đó, họ gặp được những thổ dân da đỏ tốt bụng ở mảnh đất mới này. Tisquantum là một thổ dân da đỏ thuộc bộ lạc Wampanoag, đã có lần theo chân các nhà thám hiểm sang Anh nên biết nói tiếng Anh. Tisquantum đã giúp những người di dân, hướng dẫn họ cách săn bắn, bắt cá, trồng bắp và trồng các loại rau. Những di dân gọi Tisquantum là Squanto.

Squanto là người phiên dịch và cũng là người đứng ra giúp thương thuyết với các lãnh tụ da đỏ cho những di dân có chỗ định cư. Sau đó, họ đã ký một thỏa ước giữa những người Thanh giáo và bộ lạc da đỏ Wampanoag. Thỏa ước này đã được tôn trọng 50 năm.

Mùa thu hoạch đến, những di dân đã có vụ mùa đầu tiên thật sung túc. Họ có đủ lương thực dự trữ cho mùa đông và đủ sống cho đến vụ mùa năm sau. Vui mừng vì Chúa đã nhận lời cầu nguyện ban cho thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, dân chúng được mạnh khỏe, họ quyết định dành một ngày để tạ ơn Chúa. Những di dân cũng muốn dùng dịp này để cảm ơn những người da đỏ địa phương đã giúp họ trong những ngày mới đến định cư.

Tháng 11/1621, đoàn di dân làm lễ tạ ơn Chúa đã ban phước cho mùa gặt thành công sự tham gia của 91 thổ dân da đỏ, những người đã giúp họ sống sót trong năm đầu. Đoàn di dân tin rằng họ không thể tồn tại được nếu không có người da đỏ giúp đỡ. Buổi tiệc được tiến hành theo phong tục cổ truyền mừng mùa màng của Anh, kéo dài suốt 3 ngày. Đây được xem là lễ Tạ ơn đầu tiên được cử hành.

Sau khi cầu nguyện và hát tạ ơn Chúa, một bữa tiệc linh đình 3 ngày bắt đầu. Theo nhật ký của Edward Winslow, một trong số những di dân khi ấy thuật lại: Trên bàn ngoài những bánh làm từ bắp, khoai, đậu, còn có vịt trời, ngỗng trời và bốn chú gà tây rừng quay vàng ruộm. Hai nhóm dân da trắng và da đỏ cùng chung vui.

8.jpg
 Vào ngày này, mọi người quân quần với nhau bên bàn tiệc đặc biệt.

Sang năm 1622, lễ Tạ ơn không được tổ chức. Nhưng vào năm 1623, sau nhiều lần hạn hán, những người di dân lại cùng nhau tụ tập lại cầu nguyện cho mưa xuống. Sau khi mưa liên tiếp trút xuống mấy ngày, Thống đốc Bradford – người cai quản vùng đất này lúc đó tuyên bố một ngày Tạ ơn nữa, và họ lại mời những người bạn da đỏ.

Sau này, lễ Tạ ơn lan rộng trên nước Mỹ nhưng mỗi nơi mỗi khác tùy phong tục của những người di dân nên ngày lễ không đồng nhất. Khi cuộc chiến giữa những người di dân đến Mỹ và đế quốc Anh xảy ra, George Washington sau khi thoát khỏi cuộc bao vây ở Valley Forge, ông đã tuyên bố ngày lễ Tạ ơn trở thành ngày lễ chính thức của Mỹ vào năm 1789.

1.jpg
 Gà tây là món ăn truyền thống trong lễ Tạ ơn.

Ngày lễ Tạ ơn trở thành kỳ nghỉ hàng năm ở Mỹ kể từ năm 1863 nhờ Sarah Josepha Hale, chủ bút của một tờ báo cố gắng thuyết phục mọi người công nhận lễ Tạ ơn bằng những bài viết của bà trên tờ Boston Ladies’ Magazine và Godey’s Lady’s Book, kèm theo thư từ cho các thống đốc và tổng thống. Cuối cùng vào năm 1863, Tổng thống Lincoln tuyên bố ngày thứ 5 cuối cùng của tháng 11 là ngày lễ Tạ ơn và là ngày nghỉ hàng năm. Các đời Tổng thống kế tiếp cũng làm theo tiền lệ này.

Năm 1939, Tổng thống Franklin D.Roosevelt tuyên bố đẩy lễ Tạ ơn lên sớm hơn 1 tuần so với trước, tạo điều kiện giúp giới kinh doanh thuận lợi trong việc bán hàng trước lễ Giáng sinh. Song, tuyên bố của ông Roosevelt bị nhiều bang phản đối và không tuân theo.

Đến năm 1941, Quốc hội Mỹ đã đạt được sự đồng thuận và định ra ngày thứ 5 của tuần thứ 4 trong tháng 11 sẽ là ngày lễ Tạ ơn trên toàn quốc. Ngày 26/11/1941, Tổng thống Roosevelt chính thức ký thông qua đạo luật này.

Ở Canada, lễ Tạ ơn diễn ra vào ngày thứ 2 ở tuần thứ 2 của tháng 10. Ngày này còn diễn ra ở những nơi khác như ở Hà Lan, Grenada, Liberia, Anh,…

Lễ Tạ ơn là ngày truyền thống dành cho gia đình bạn bè sum họp bên nhau trong một bữa ăn đặc biệt.

Món ăn truyền thống trong ngày này là gà tây và bí ngô. Một số thực phẩm khác cũng xuất hiện trên bàn tiệc như nước xốt chanh, nước xốt thịt, khoai tây nghiền, khoai lang ướp đường, đậu xanh, rau xanh... Các món tráng miệng bao gồm một số loại bánh nướng, nhất là bánh bí ngô, bánh nướng nhân dâu tây, bánh nhân hồ đào.

5.jpg
 Ngay sau lễ tạ ơn là Ngày thứ 6 đen - Black Friday, ngày siêu giảm giá khiến người dân đổ xô đi mua sắm trên khắp nước Mỹ.

Hoạt động rầm rộ nhất trong lễ Tạ ơn là ngày mua sắm tại Mỹ, ngày thứ 6 đen (Black Friday) diễn ra sau ngày lễ này 1 ngày với hàng loạt hàng hóa được giảm giá và khuyến mại vô cùng hấp dẫn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm