Lý do khiến người Việt 30 năm chỉ cao thêm vài cm

09/03/2017 - 07:00
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 30 năm qua, chiều cao của người Việt mới chỉ cải thiện được vài cm (10 năm chỉ cao thêm 1-1,5cm).
Hiện nay, nam giới trưởng thành chỉ cao trung bình 1,64m (thấp hơn gần 13cm so với chuẩn quốc tế). Con số này ở nữ giới là 1,53m (thấp hơn 10,7cm so với chuẩn). Đặc biệt, hiện cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Trong khi đó, trẻ em bị thấp còi khi trở thành người lớn cũng có chiều cao thấp và dễ mắc bệnh, lao động kém hơn so với người bình thường.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, là do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
do-chieu-cao-tre.jpg
Kiểm tra chiều cao của trẻ
Theo kết quả một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (được thực hiện từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015 trên nhiều vùng sinh thái của cả nước) cho thấy, có tới gần 1/3 (27,9%) số trẻ em từ 6 đến 59 tháng tuổi bị thiếu máu. Ngay cả khu vực thành thị, nơi có điều kiện sống khá tốt, vẫn có tới 22% trẻ bị thiếu máu, còn tại vùng núi tỷ lệ này là 31%. Bên cạnh đó, các khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em dưới 5 tuổi là 50,3%.

Chất sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu, do đó, thiếu sắt gây thiếu máu. Ngoài ra, sắt đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển và lưu trữ oxy, là thành phần của các enzym, các chất xúc tác có vai trò quan trọng trong cơ thể. Thiếu sắt gây nên thiếu máu dinh dưỡng và các rối loạn do thiếu sắt. Đặc biệt, thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ nhỏ làm chậm phát triển ý thức, giảm phát triển trí tuệ, giảm kết quả học tập.

Trên 80% trẻ thiếu kẽm

Ngoài thiếu sắt, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm ở nước ta cũng đang ở mức nặng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiện cả nước có tới 69,4% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm, trong đó, tỷ lệ trẻ em sống ở khu vực miền núi thiếu kẽm là 80,8%, khu vực nông thôn là 76% và ở thành thị là 46%. Theo WHO, tỷ lệ trẻ thiếu kẽm trên 20% đã là mức nặng đối với sức khỏe cộng đồng.
che_do_an_cho_tre_thap_coi_6.jpg
Để bổ sung vi chất, giải pháp quan trọng là cho trẻ ăn uống đa dạng thực phẩm
Thiếu kẽm là nguyên nhân quan trọng khiến trẻ chậm phát triển chiều cao và cản trở phát triển thể lực ở trẻ em. Đặc biệt, trẻ thiếu kẽm thường ăn uống kém, ngủ không ngon giấc, giảm khả năng miễn dịch nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Ngoài ra, WHO xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamine A ở mức độ nặng do có tới 14,2% trẻ dưới 5 tuổi thiếu vitamine A tiền lâm sàng. Trẻ thiếu vitamine A có thể dẫn đến mù lòa, làm trầm trọng hơn một số bệnh, nhất là tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp...

PGS.TS Lê Bạch Mai chỉ ra rằng, có nhiều nguyên nhân trẻ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng như: Do bữa ăn của trẻ chưa đa dạng thực phẩm. Cách chế biến thức ăn chưa hợp lý làm hao hụt dưỡng chất hoặc khả năng hấp thu của trẻ kém...

Để bổ sung vi chất, giải pháp quan trọng là cho trẻ ăn uống đa dạng thực phẩm, đồng thời chế biến đúng cách để bữa ăn của trẻ giữ được nhiều vi chất dinh dưỡng. Nếu trẻ đang trong giai đoạn bú mẹ thì người mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo chất lượng nguồn sữa. Ngoài ra, các mẹ cần cho bé trong độ tuổi đi uống vitamine A liều cao theo qui định của y tế (2 lần/năm); cho bé tắm nắng đúng cách hằng ngày để cung cấp vitamine D...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm