pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lý do người Nhật vẫn thủy chung với công nghệ từ thời "ông bà anh"
Khi được bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo Cơ quan Kỹ thuật số Nhật Bản non trẻ vào tháng 8 vừa qua, ông Kono Taro đặt ra quyết tâm số hóa bộ máy hành chính của nước này. "Không còn máy fax! Loại bỏ đĩa mềm!", những tuyên bố của ông được lan tỏa trên mạng xã hội, thu hút sự ủng hộ nồng nhiệt từ quốc tế và kém hào hứng hơn một chút bởi dư luận trong nước.
Là một trong những quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới nhưng nhiều người Nhật Bản vẫn "chấp niệm" (suy nghĩ có tính cố chấp) với các công nghệ lỗi thời như máy fax và đĩa mềm. Đằng sau hiện tượng này là nhiều lý do đặc biệt liên quan đến xã hội Nhật.
Chính phủ Nhật Bản đã có một số chính sách số hóa trên giấy tờ kể từ năm 2001, khi chiến lược "e-Japan" (được hiểu là số hóa với nước Nhật) được đưa ra. Hơn 2 thập kỷ sau, đĩa mềm và máy fax vẫn còn tồn tại rất nhiều trong các bộ, trường đại học và trụ sở công ty của Nhật Bản - không quan tâm đến thực tế rằng chúng đã quá lỗi thời trong thời đại công nghệ số.
Chấp niệm của người Nhật, dân số già và niềm tin cố hữu về bảo mật
Nhật Bản có tỷ lệ công dân cao tuổi lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Năm 2020, gần 30% dân số Nhật là người trên 65 tuổi, tức là cứ xấp xỉ 3 người thì có 1 người già. Thách thức của quá trình số hóa một phần đến từ việc thuyết phục nhóm dân số cao tuổi rằng đó nên là một ưu tiên.
Theo Joi Ito, Giám đốc phòng thí nghiệm MIT Media và đồng sáng lập startup Digital Garage, có xu hướng khuyến khích người cao tuổi tại Nhật tiếp tục sử dụng những công nghệ cũ như analog thay vì số hóa mà không cảm thấy ngại.
"Ở Mỹ, kể cả với những người đứng tuổi sẽ luôn có một sự thúc giục bắt kịp công nghệ. Còn tại Nhật, gọi điện thoại cố định vẫn rất phổ biến và điều này phần nào giúp bênh vực những người cao tuổi ngại sử dụng gửi tin nhắn hay email", anh cho biết.
Hơn nữa, ở Nhật vẫn tồn tại một niềm tin cố hữu rằng việc duy trì các thông tin cần độ bảo vệ và bảo mật cá nhân cao tốt hơn hết nên được thực hiện trong môi trường ngoại tuyến. Theo Rest Of World, khi nói đến tiêu thụ cá nhân, người Nhật nhìn chung vẫn khá cấp tiến và theo kịp thời đại; Tuy nhiên, với những thông tin quan trọng và cần bảo mật cao như nhân dạng do chính phủ cung cấp, giao dịch mua sắm và kinh tế, hồ sơ y tế... người Nhật lại ưu tiên sự an toàn hơn là tính tiện lợi.
Vào năm 2008, một liên minh các luật sư, nhà báo và giáo sư Nhật Bản đã yêu cầu Google loại bỏ dịch vụ "Chế độ xem phố" ở Nhật Bản vì ảnh chụp tài sản cá nhân, người qua đường và biển số xe là "một hành vi xâm phạm táo tợn đối với quyền riêng tư của công dân". 1 năm sau, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã đệ trình một kháng nghị chính thức chống lại Google Earth vì đã đăng bản đồ lịch sử của các khu dân cư có burakumin, một nhóm người bị phân biệt đối xử trong lịch sử vì thuộc đẳng cấp thấp nhất của Nhật Bản.
Google đã xin lỗi và nhanh chóng thay đổi toàn bộ danh mục hình ảnh Nhật Bản cho Chế độ xem phố, với khuôn mặt, biển hiệu và biển số xe bị làm mờ và xóa tất cả các bản đồ lịch sử của họ về burakumin.
Trong những năm gần đây, tiền điện tử cũng chậm chạp trong việc trở nên phổ biến ở Nhật Bản, bất chấp những tiến bộ trong đại dịch Covid-19. Một phần là do nhiều người Nhật - đặc biệt là những người trên 65 tuổi - ngại để lại dấu vân tay kỹ thuật số trong mọi giao dịch.
Tuy nhiên sự thật là việc giữ các quy trình ở môi trường ngoại tuyến không đồng nghĩa với tính bảo mật. Chỉ trong nửa đầu năm 2022, Nhật Bản đã chứng kiến mức tăng đột biến 87% về các cuộc tấn công mã độc ransomware, một trong số đó đã buộc Toyota phải đóng cửa tất cả 14 nhà máy trong nước của mình trong một thời gian ngắn.
Một viên chức hành chính đã đánh mất dữ liệu của cư dân toàn bộ thành phố nửa triệu người, được đặt trong ổ USB, sau một đêm đi uống rượu. Theo một nhà phân tích, hành vi phạm pháp kỹ thuật số của Nhật Bản có thể dẫn đến cái mà Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) gọi là "vách đá kỹ thuật số" vào năm 2025, khiến quốc gia này thiệt hại hơn 84 tỷ đô la mỗi năm do các hoạt động không hiệu quả.
Patrick McKenzie, sếp Starfighter, một công ty phần mềm có hoạt động tại Tokyo và Chicago, cho biết: "Các công ty Nhật Bản thường tụt hậu so với các công ty nước ngoài từ 5 đến 10 năm trong việc áp dụng các phương pháp công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là những phương pháp cụ thể cho ngành công nghiệp phần mềm". Khi đến Nhật, nhiều người ngạc nhiên khi vẫn còn thấy máy fax, điện thoại nắp gập hay điện thoại cố định mặc cho việc sở hữu hạ tầng internet top đầu thế giới.
Tại Nhật Bản, các văn phòng chính phủ và một số lượng lớn các doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ đã lạc hậu từ lâu ngay cả ở những nước không được coi là công nghệ tiên tiến. "Nhật Bản đi sau thế giới ít nhất 20 năm về công nghệ hành chính", Yukio Noguchi, một nhà kinh tế Nhật Bản, nói với Bloomberg.
Trong một cuộc khảo sát năm 2021 của một hiệp hội ngành truyền thông của Nhật Bản, 24,3% cho biết họ sử dụng máy fax hàng ngày trong khi 25,4% cho biết họ thỉnh thoảng sử dụng chúng. Điều đó khiến một nửa số người Nhật đang làm việc vẫn sử dụng máy fax.
Báo cáo khảo sát cho biết fax đã thấm sâu vào công việc và quy trình làm việc hàng ngày, chẳng hạn như việc sử dụng rộng rãi cho dữ liệu kế hoạch trong các ngành máy móc công nghiệp và bất động sản, trong khi các kỹ sư CNTT sử dụng nó để báo cáo và liên lạc.
Một cản trở nữa trong việc loại bỏ máy fax là sự phổ biến của con dấu hanko đối với giấy tờ hành chính. Đây là một loại dấu khắc thay thế cho chữ ký pháp nhân không thể thiếu tại Nhật.
Đĩa mềm cũng là một câu chuyện nan giải khác
Với tầm nhìn ra đại dương trong xanh và những cánh đồng lúa bậc thang, thành phố Hamada, dân số 50.000 người, nằm cách xa các trung tâm đô thị lớn của Nhật Bản là Tokyo và Osaka. Cũng giống như các thành phố ở các quốc gia tiên tiến khác, Hamada thu thuế, phí bảo hiểm y tế và các khoản đóng góp an sinh xã hội từ tài khoản ngân hàng của cư dân bằng cách gửi hóa đơn trực tuyến đến các tổ chức tài chính địa phương.
Nhưng ở một số khía cạnh, các giao dịch của Hamada cứ như một "cỗ máy thời gian" về thế kỷ 20. 1/8 ngân hàng địa phương mà chính quyền thành phố làm việc cùng khẳng định rằng các thanh toán phải được thực hiện vật lý, trên đĩa mềm.
Các tấm đĩa từ phủ mylar do IBM phát minh vào năm 1967 phần lớn đã được "nghỉ hưu" trong viện bảo tàng ở các nước khác. Chúng chứa chỉ chưa tới 1 megabyte dữ liệu - đủ cho một vài giây video.
"Hoạt động sản xuất đĩa mềm đã kết thúc cách đây 10 năm và chúng tôi đã thúc giục ngân hàng phải tham gia hoạt động trực tuyến", một phát ngôn viên từ bộ phận kế toán của thành phố nói với CBS News. "Nhưng họ vẫn tiếp tục bám vào hệ thống cũ".
Cô cho biết, ngay cả khi đã số hóa, một số ngân hàng vẫn vẫn mong muốn tất cả các giao dịch sẽ được xác nhận qua fax.
Nhưng Hamada không đơn độc. Một cuộc khảo sát vào đầu năm nay của tờ báo San-in Chuo Shimpo cho thấy Hamada nằm trong số 9 thị trấn ở tỉnh Shimane vẫn sử dụng đĩa mềm. Ngoài ra, hơn một nửa số địa phương ở Shimane và ở lân cận Tottori, đều ở phía tây Tokyo, vẫn sử dụng đĩa mềm.