Lý do nhiều vụ án xâm hại trẻ em bị chìm xuồng, không được tố cáo

15/03/2017 - 08:03
Theo thống kê, trung bình mỗi năm ở nước ta có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không ít vụ xâm hại tình dục trẻ em bị kéo dài, ém nhẹm và chìm vào quên lãng.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an), mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Thực tế, số liệu trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vì nhiều lý do, một số vụ xâm hại tình dục trẻ em được ém nhẹm và chìm vào quên lãng.

xam-hai-tinh-duc-tre-em.jpg
 Mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện (ảnh minh họa)

Theo bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thời gian qua, sau khi Ủy ban nhận được các đơn thư liên quan tới những vụ việc xâm hại trẻ em, thì đã có ý kiến với các cơ quan chức năng, song quá trình xử lý còn chậm, có những vụ việc kéo dài, thậm chí phải có ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thì cấp dưới mới tiến hành giải quyết. Điều này đã gây dư luận không tốt và bất bình trong xã hội, rất cần phải xem xét lại.

Bà Lê Thị Nguyệt đề nghị cần xét nghiêm túc trách nhiệm của các cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng, để xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em một cách kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Trường hợp các cơ quan nào làm sai thì cần có hình thức kỷ luật với cá nhân trong việc thực thi chưa nghiêm túc.

Clip bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bày tỏ quan điểm:

Thực tế hiện nay, nhiều gia đình chọn giải pháp im lặng vùi sâu chôn chặt, để không làm tổn thương trẻ hoặc bảo vệ gia đình khỏi bị mang tai tiếng. Điều này khiến cho các vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng có xu hướng tăng và mức độ nghiêm trọng hơn.

Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội, cho rằng: Hiện nay, những vấn đề liên quan tới tình dục, xâm hại thì phần lớn mọi người không muốn nói ra, coi đó là điều “cấm kị”. Đặc biệt với các vụ xâm hại tình dục trẻ em, nếu không nói ra thì hậu quả để lại cho nạn nhân, gia đình rất lớn. “Có những gia đình dũng cảm đứng ra tố cáo, đó không chỉ tìm công lý cho chính gia đình họ, mà còn bảo vệ cho những trẻ khác không phải rơi vào tình trạng như vậy”, bà Hồng nhìn nhận.

Bên cạnh đó, theo bà Hồng, “điều cấp thiết hiện nay phải rà soát lại công cụ pháp lý đã đủ mạnh, toàn diện để giải quyết được tất cả các vụ xâm hại tình dục trẻ em hay chưa?”. Đặc biệt cần phải rà soát lại việc thực thi pháp luật. Có pháp luật tiến bộ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhưng “việc thực hiện còn chưa đầy đủ, còn chậm trễ, thiếu hiệu quả, gây mất lòng tin cho người dân. Đây là một trong những lý do nhiều vụ án xâm hại trẻ em bị chìm xuồng, hoặc không được tố cáo”.

Đồng quan điểm, Luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về pháp luật hình sự, người trợ giúp pháp lý cho cháu bé bị xâm hại ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho rằng, vẫn còn nhiều khoảng trống trong văn bản luật về bảo vệ trẻ em. Quy định về hành vi phạm tội xâm hại tình dục trẻ em phải “để lại chấn thương vật lý“ là chưa toàn diện để bảo vệ trẻ em. Trong khi luật pháp quốc tế phân hóa hành vi xâm hại tình dục trẻ em một cách rất rõ ràng. Cụ thể: những hành động như nhắn tin nhạy cảm, động chạm một cách nhạy cảm vào thân thể trẻ em, gợi ý trẻ em quan hệ tình dục, cho trẻ xem các truyện tranh đồi trụy... là đã bị khởi tố.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm