pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ ngành kỹ thuật: Không ngại khó khăn, chinh phục đam mê
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Virus Arbo - Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
Cơ hội ngày càng rộng mở
Tại Việt Nam, quan điểm cho rằng nam giới phù hợp với các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ hay toán học (gọi tắt là STEM) hơn phụ nữ vẫn còn khá phổ biến trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản nữ giới theo đuổi đam mê và chứng minh năng lực của bản thân ở lĩnh vực này. Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế vào năm 2020, trong khoảng từ năm 2005 đến 2016, tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học các ngành STEM ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi (từ 20% lên 37%). Không chỉ vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực kỹ thuật, logistics hay công nghệ thông tin chứng kiến sự "lên ngôi" của những nhà lãnh đạo nữ xuất sắc, giúp công ty phát triển lên tầm cao mới.
Đó là kết quả của một quá trình dài phấn đấu và học hỏi không ngừng của hàng ngàn nữ kỹ sư. Họ thầm lặng, kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn. Từng là giảng viên ngành Quản trị Du lịch, trường Đại học Đà Lạt, chỉ qua một học bổng do Ford Việt Nam trao tặng, chị Nguyễn Thị Hồng đã quyết định từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi đam mê với ngành ô tô. Sau lần đầu phỏng vấn không thành công, chị đã học hỏi không ngừng trong gần 10 năm. Cuối cùng, chị đã chính thức trở thành kỹ sư phòng An toàn Kỹ thuật và Bảo vệ môi trường, Công ty TNHH Ford Việt Nam, vào tháng 5/2018.
Không ngại khó khăn, chinh phục đam mê, chính những cố gắng ấy đã giúp phụ nữ trong ngành kỹ thuật nhận được nhiều sự ủng hộ và tôn trọng từ chính các đồng nghiệp nam. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Phát triển sản phẩm mới, Công ty TNHH Ford Việt Nam, cho biết: "Đồng nghiệp nam của mình rất thoải mái, có vấn đề gì thì lãnh đạo hay các anh em trong phòng đều hết mình hỗ trợ. Mọi người luôn tôn trọng ý kiến của mình trong công việc".
Tiềm năng của bản thân là không giới hạn
Xét về khía cạnh chuyên môn, nhiều nữ lãnh đạo lâu năm nhận thấy những ưu thế của giới nữ để phát triển và thăng tiến trong những lĩnh vực đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và độ chính xác cao như nhóm ngành STEM. "Phụ nữ có những thế mạnh riêng như sự tỉ mỉ và khéo léo, giúp họ thành công trong cuộc sống và công việc", chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Virus Arbo, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, khẳng định.
Chị Phạm Khánh Linh, nhà sáng lập/CEO Logivan, cũng chia sẻ: "Theo mình quan sát và trải nghiệm, trong mỗi người phụ nữ đều có một nguồn động lực đặc biệt tạo nên sức bền đáng kinh ngạc, cũng như nỗ lực vượt qua giới hạn vốn có của bản thân. Đó là điều quan trọng để đạt được những mục tiêu cao hơn trong công việc". Tuy nhiên, để có thể vượt qua những khó khăn, thử thách, chị Linh cho rằng niềm tin vào bản thân và tinh thần "thép" là điều mà bất cứ người phụ nữ nào cũng nên có khi muốn theo đuổi ngành này. "Bạn cần tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày và luôn nhớ rằng tiềm năng của mình là không có giới hạn".
Cùng quan điểm ấy, chị Phùng Thanh Xuân, kỹ sư Công nghệ Thông tin, nhà sáng lập/CEO Lotus Group, gửi lời động viên đến các bạn nữ đam mê ngành kỹ thuật: "Phụ nữ ngành kỹ thuật rất mạnh mẽ và cá tính, chỉ cần có đủ đam mê thì chắc chắn sẽ làm được điều mình mong muốn. Những khó khăn gặp phải chỉ là thứ gia vị trong cuộc sống và giúp chúng ta trưởng thành hơn mà thôi".