Chủ động nắm bắt tình hình ở cơ sở, nói lên nguyện vọng chính đáng của người dân

Lê Thùy Hương, Chủ tịch Hội LHPN phường Thượng Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội)
10/08/2021 - 10:38
Chủ động nắm bắt tình hình ở cơ sở, nói lên nguyện vọng chính đáng của người dân

Chị Lê Thùy Hương, Chủ tịch Hội LHPN phường Thượng Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội)

Chính sự chủ động nắm bắt tình hình ở cơ sở một cách sâu sát sẽ giúp cho cán bộ nữ nói lên được nguyện vọng chính đáng của người dân, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước lắng nghe. Lúc đó, người đại diện cho tiếng nói của phụ nữ sẽ có mặt trong những tổ chức, phối hợp cùng giải quyết những vấn đề quan trọng của địa phương.

Việt Nam đã có các chính sách quan trọng (Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới), đạo luật (Luật bình đẳng giới) nhằm từng bước thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực. Để thúc đẩy phụ nữ tham chính, từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, bản thân người phụ nữ cần phải rất chủ động. Được bầu là Chủ tịch Hội LHPN phường Thượng Đình từ năm 2019, bên cạnh việc cùng với Ban Chấp hành triển khai thực hiện tốt công tác phụ nữ, phong trào phụ nữ của phường, tôi luôn chủ động tham gia đóng góp tiếng nói trong các lĩnh vực.

Để làm được việc này, tôi phải dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt tình hình ở địa phương, lắng nghe tiếng nói của người dân cùng với việc không ngừng học hỏi, bổ sung kiến thức, cập nhật các chính sách mới, văn bản chỉ đạo mới của Trung ương, thành phố và quận.

Với người cán bộ cơ sở, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là theo dõi quá trình những chính sách đi vào đời sống. Cán bộ cơ sở không phải là cấp ra quyết định, quyết sách lớn nhưng ở mức độ nào đó rất quan trọng khi vừa được tiếp nhận chỉ đạo từ cấp trên vừa là người trực tiếp chuyển tải và "chứng  kiến" những chính sách đó đi vào cuộc sống như thế nào. Chính từ đây, cán bộ cơ sở có điều kiện để nắm bắt những "độ vênh" từ chính sách đến cuộc sống. Thấu hiểu, đồng cảm và cùng với người dân tháo gỡ khó khăn, động viên họ đồng lòng với cả hệ thống chính trị để thực hiện những quyết sách lớn, cán bộ cơ sở sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân.

Chính sự chủ động nắm bắt tình hình ở cơ sở một cách sâu sát sẽ giúp cho cán bộ nữ nói lên được nguyện vọng chính đáng của người dân, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước lắng nghe. Lúc đó, người đại diện cho tiếng nói của phụ nữ sẽ có mặt trong những tổ chức, phối hợp cùng giải quyết những vấn đề quan trọng của địa phương. Đơn cử như trong phòng, chống dịch Covid-19, cá nhân tôi cùng với Ban Chấp hành Hội LHPN phường thường xuyên nắm bắt tình hình cuộc sống của người dân. Khi nhà nước có chủ trương hỗ trợ các hộ dân gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, Hội LHPN là một trong những tổ chức nắm chắc tình hình địa bàn, hiểu khá rõ hoàn cảnh từng hộ dân và khó khăn của họ. Vì vậy, khi Ban chỉ đạo xét duyệt hỗ trợ khó khăn của phường thành lập, đại diện của Hội LHPN phường được làm thành viên.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hội LHPN phường có đại diện tham gia 7 Ban chỉ đạo thực hiện các chính sách ở địa phương (Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 42/CP, Ban chỉ đạo bầu cử đại biểu HĐND đơn vị bầu cử số 09, Ban chỉ đạo toàn dân đoàn kết, Ban chỉ đạo xét duyệt hỗ trợ khó khăn, Ban chỉ đạo vệ sinh môi trường, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh phường), tham gia Hội đồng thi đua khen thưởng… và là 1 trong 4 tổ chức chính trị-xã hội tham gia giao ban cùng lãnh đạo phường hàng tuần. 

Việc đảm bảo sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong các hoạt động chính trị-xã hội không chỉ giúp nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và tiến bộ lâu dài của xã hội.

Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đặt ra, giải pháp nhằm thúc đẩy phụ nữ tham chính trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 8/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về toà soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm