Ly hôn - câu chuyện trên bàn tròn xã hội - Bài cuối: Vì sao tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn cao?

Minh Châu - Đinh Thu Hiền
06/12/2023 - 13:19
Ly hôn - câu chuyện trên bàn tròn xã hội - Bài cuối: Vì sao tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn cao?

Ảnh minh họa

Bạo lực gia đình tăng cao đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý trực tiếp cho người phụ nữ và trẻ em. Khi đã có bạo lực xảy ra, người phụ nữ thấy bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm và thể chất nên không tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân.


Những con số lưu tâm

Theo ông Nguyễn Trọng Sơn, Phó Chánh án TAND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, các vụ án ly hôn tăng dần đều trong những năm gần đây, mỗi năm khoảng 280-300 vụ. Số liệu ở cơ quan này cho thấy, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/10/2023 tổng số vụ ly hôn đã giải quyết là 257 vụ việc, trong đó khoảng 70% số vụ ly hôn là do người vợ đứng đơn.

Ông Sơn cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn như vợ chồng không hòa hợp, chồng bạo hành vợ. Một vấn đề nổi lên trong thời gian gần đây là số người đi làm ăn xa ngày càng nhiều, sau khi trở về đã xảy ra mâu thuẫn và dẫn đến ly hôn. Bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân đáng quan tâm. "Quá trình xét xử, nhiều phụ nữ cho biết đã bị chồng bạo hành", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng nhận định: "Theo tôi, nguyên nhân phụ nữ là người chủ động ly hôn là do hiện nay nhận thức xã hội đã thay đổi. Người phụ nữ không còn cam chịu như trước. Trước đây, một người phụ nữ bị bạo hành nhưng có thể họ vẫn cố cam chịu với suy nghĩ vì con, vì gia đình, vì cha mẹ. Bây giờ, họ đã vì chính bản thân". Cũng theo ông Phó Chánh tòa, có nhiều vụ ly hôn để lại rất nhiều trăn trở cho thẩm phán như khi cả 2 vợ chồng đều suy nghĩ thiếu chín chắn. "Có vụ ly hôn sau khi được hòa giải, họ lại về sống với nhau nhưng không lâu sau đó lại nộp đơn ra tòa ly hôn, TAND huyện Thanh Chương đã phải 4 lần thụ lý đơn. Và cuối cùng, chúng tôi đề nghị họ về nhà suy nghĩ cho thật thấu đáo".

Còn theo ông Võ Văn Dũng, Chánh án TAND huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An), mặc dù là một trong những huyện nhỏ của tỉnh Nghệ An nhưng mỗi năm cũng có khoảng 300 vụ án, trong số đó gần ½ là các vụ ly hôn. "Trong những năm gần đây, số vụ ly hôn tăng dần đều, cứ năm sau cao hơn năm trước. Huyện Quỳ Châu tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, chủ yếu là người Thái. Trước đây, tỷ lệ ly hôn rất ít nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khi kinh tế phát triển, người dân địa phương đi ra ngoài làm ăn nhiều, có thêm thu nhập, cuộc sống thay đổi và nhận thức cũng thay đổi, kéo theo tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Đàn ông nghiện ma túy, nghiện rượu khá nhiều. Nếu trước đây, người vợ cam chịu, chấp nhận nhưng giờ họ đã thay đổi nhận thức. Người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số cũng không còn phụ thuộc đàn ông như trước, họ chủ động trong cuộc sống nên họ không còn cam chịu như xưa. Chính vì vậy, nhiều phụ nữ đã chủ động ly hôn. Trong năm 2023, TAND huyện đã thụ lý 191 vụ ly hôn, trong số này có 155 vụ là do người vợ đứng đơn", ông Dũng cho biết.

Cũng ở xu thế tỉ lệ ly hôn tăng cao, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải quyết 231/356 vụ việc ly hôn. Trong số đó, tỉ lệ phụ nữ đứng đơn xin ly hôn cao hơn so với nam giới.



Địa phương tìm giải pháp

Ông Đào Trọng Hải, Chánh án TAND huyện Châu Đức, tại buổi họp bàn giải pháp kéo giảm tình trạng ly hôn trên địa bàn cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ly hôn "tương đối cao" từ đầu năm 2023. Thứ nhất, do tâm lý giới trẻ yêu nhanh, cưới vội, chưa tìm hiểu kỹ về nhau, thiếu sự chuẩn bị về tâm lý cũng như chưa được trang bị kiến thức tiền hôn nhân, các kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống vợ chồng. Vì vậy cặp đôi bắt đầu cuộc sống gia đình với nhiều khó khăn. Khi xảy ra mâu thuẫn, họ không biết cách xử lý, giải quyết dẫn đến hôn nhân đổ vỡ.

Thứ hai, bạo lực gia đình tăng cao đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý trực tiếp cho người phụ nữ và trẻ em. Khi đã có bạo lực xảy ra, người phụ nữ thấy bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm và thể chất nên không tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân, chỉ còn sự ức chế và sợ hãi nên phụ nữ không thể chịu đựng được nữa. Họ tìm tới ly hôn để giải thoát.

Thứ ba, do điều kiện kinh tế chưa ổn định, khó khăn, nỗi vất vả lo lắng khi sinh con khiến các cặp vợ chồng mâu thuẫn, tranh cãi không thể tháo gỡ. Ở phía ngược lại, khi kinh tế đã vững vàng, có dư dả thì đời sống vợ chồng lại rạn vỡ bởi tình cảm vợ chồng phai nhạt do cả 2 mải mê làm ăn, không quan tâm tới nhau, dẫn tới nghi kỵ, ghen tuông và cuối cùng là ly hôn.

Ông Phạm Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, cho biết, trước thực trạng này tại địa phương, UBND huyện đã yêu cầu các cơ quan đoàn thể cùng phối hợp để thực hiện một số giải pháp. Các UBND xã, thị trấn cần phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình, bạo hành phụ nữ và trẻ em xảy ra trên địa bàn. Các tổ hòa giải cơ sở cần phát huy vai trò của mình, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương để kịp thời hòa giải, hóa giải mâu thuẫn gia đình. Phòng Văn hóa và Thông tin cần tổ chức các cuộc thi về chủ đề hạnh phúc gia đình để góp phần gắn kết tình cảm giữa các thành viên. Các phòng Tư pháp, huyện Đoàn, các đoàn thể chính trị cùng phối hợp để kéo giảm tình trạng ly hôn tại địa phương.

Chị Võ Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, cho biết, Hội LHPN huyện đã và đang tập trung cho công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, tuyên truyền về hệ lụy của việc ly hôn nhằm hạn chế tình trạng ly hôn. Là người thường xuyên ngồi vị trí Hội thẩm nhân dân trong các vụ án xét xử liên quan đến phụ nữ và trẻ em, chị Võ Lệ Huyền là 1 trong các cán bộ Hội cơ sở thấu hiểu được thực trạng này. "Chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì các mô hình tổ tư vấn pháp luật ở cơ sở và tổ kết nối thông tin để hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan tới phụ nữ, đặc biệt lưu tâm lý do, nguyên nhân trong các trường hợp người vợ đứng đơn ly hôn", chị Huyền đưa ý kiến.

Ly hôn là câu chuyện của mỗi cá nhân, nhưng các lý do, nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều người phụ nữ đứng đơn để giải thoát khỏi mối quan hệ vợ chồng, là câu chuyện và thực trạng của xã hội, cần sự hỗ trợ, tham gia điều chỉnh của nhiều tổ chức xã hội. Đặc biệt, khi vấn nạn phụ nữ bị bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần trong gia đình chưa được quan tâm và xử lý sát sao, thì thực trạng này vẫn còn tồn tại và phát triển trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm