Ly hôn, người vợ cần chuẩn bị gì để giành quyền nuôi 2 con?

06/08/2019 - 10:00
"Gần đây, tôi có suy nghĩ tới việc ly hôn vào năm 2021, khi con trai nhỏ của tôi đủ 7 tuổi. Tôi không muốn 2 con phải sống xa nhau mỗi đứa một nơi. Xin Báo PNVN tư vấn giúp tôi cần phải chuẩn bị những điều kiện gì để có thể được nuôi cả 2 con, không để 2 chị em cháu phải xa nhau?".

Hỏi: "Sống với nhau đã hơn 10 năm, tôi luôn chịu đựng, nhẫn nhịn với cách đối xử của anh, lấy lý do “anh là con trai một, lại được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ, đến bây giờ cái chổi cũng chưa bao giờ chạm tới...”.

Bản thân tôi lớn lên trong gia đình khó khăn, quen vất vả từ nhỏ nên đành mặc kệ để sống và nghĩ mình sẽ làm được mọi việc mà không cần anh. Cách đây 8 tháng, tôi bị tai nạn tại cầu thang của công ty phải mổ và nẹp đinh ở tay, vậy mà nhìn thấy vợ ngã, anh cũng không chạy tới đỡ tôi. Sau lần gặp sự cố đó, tôi càng nhận ra anh quá vô tâm, tôi cảm thấy bất hạnh cho số phận mình. Suốt bao năm qua tôi luôn cố gắng vun đắp xây dựng mái ấm, đổi lại là ánh mắt thờ ơ của anh khi tôi gặp nạn. Gần đây, tôi có suy nghĩ tới việc ly hôn vào năm 2021, khi con trai nhỏ của tôi đủ 7 tuổi. Tôi không muốn 2 con phải sống xa nhau mỗi đứa một nơi. Xin Báo PNVN tư vấn giúp tôi cần phải chuẩn bị những điều kiện gì để có thể được nuôi cả 2 con, không để 2 chị em cháu phải xa nhau?", Ngọc Trang (Tây Ninh).

 

psx_20190713_044118_388357_highres.jpg
Ảnh minh họa 

Luật sư Nguyễn Thị Diệu Hiền, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trả lời:

Trước khi dẫn đến việc chính thức ly hôn, tòa sẽ hòa giải cho hai bên là vợ - chồng để tự thỏa thuận. Trong trường hợp không thể tự thỏa thuận về việc nuôi con, tòa sẽ xem xét về điều kiện chăm nom giáo dục, tài chính và sự ổn định công việc của bố hoặc mẹ để quyết định giao con, sẽ căn cứ vào: quyền lợi mọi mặt của con, tuổi và nguyện vọng của con. Dựa vào các căn cứ của pháp luật tại Điều 81, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: 

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.     

* Căn cứ quy định của pháp luật thì bạn cần phải chuẩn bị cho mình một số việc sau để giành được quyền nuôi con:

1. Chứng minh về công việc có thu nhập ổn định để nuôi con

Để giành được quyền nuôi con, bạn cần phải chứng minh được tài chính của mình có đủ điều kiện để cung cấp cho con những nhu cầu vật chất tối thiểu cho sự phát triển như: Cung cấp cho con chỗ ở ổn định, tạo điều kiện cho con được học tập, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng... Bằng việc chứng minh thu nhập qua bảng lương, sổ đóng bảo hiểm xã hội, doanh thu của cơ sở kinh doanh...

Thu nhập ổn định sẽ là căn cứ để Tòa án xem xét việc giao nuôi con. Tuy nhiên sẽ không phải ai có tài chính kinh tế tốt hơn là sẽ giành được quyền nuôi con mà bạn phải chứng minh được khả năng tài chính của mình ổn định lâu dài.

2. Chứng minh được có thời gian chăm lo cho đời sống tinh thần của con

Bạn cần chứng minh có nhiều thời gian bên con để chăm lo cho đời sống tinh thần của con.

Thời gian giáo dục, dạy dỗ, quan tâm... được chứng minh thông qua công việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, công việc của bạn cố định hay thường xuyên đi công tác xa nhà... 

3. Con (đủ 7 tuổi) đồng ý để bạn nuôi sau ly hôn

Nguyện vọng của con cũng sẽ là căn cứ quan trọng để toà quyết định người nuôi con.

Theo quy định của pháp luật, phải xem xét nguyện vọng của con nếu con đã đủ 7 tuổi trở lên.

4. Những điều kiện khác tốt hơn dành cho con

Cung cấp cho con môi trường sống tốt, khi bạn không có thời gian bên cạnh con thì cũng sẽ có những người thân đáng tin cậy khác trong gia đình như ông, bà, cô, dì... chăm sóc, yêu thương con. Đây là lợi thế khác cho bạn khi tòa quyết định quyền nuôi con. 

5. Tìm ra bằng chứng chứng minh bên kia là người có lỗi dẫn đến ly hôn

Bạn cần tìm ra các chứng cứ chứng minh bên kia là người đã vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. Ví dụ: Có hành vi bạo lực, đánh bạc, phá tán tài sản, không chung thủy...

Bạn chứng minh được lỗi của bên kia sẽ là lợi thế quan trọng. Bởi vì lỗi dẫn đến việc ly hôn góp phần phản ánh đạo đức, nhân phẩm của một người. Mà người nuôi con sẽ là người có nhiều cơ hội để chăm sóc, dạy dỗ, có sự ảnh hưởng đến sự phát triển của con nhất nên cần đánh giá nhân phẩm đạo đức của người được nhận nuôi con. 

6. Chứng minh bên kia không thực hiện tốt nghĩa vụ với con khi còn sống chung

Để được trực tiếp nuôi con phải là người có trách nhiệm với con, yêu thương chăm nom con... nên bên nào có hành vi bạo lực, không quan tâm chăm sóc con trong thời gian chung sống sẽ là căn cứ để tòa xem xét quyết định quyền nuôi con. 

Như vậy, với trường hợp của bạn muốn giành được quyền nuôi 2 con khi không thỏa thuận được với bên kia thì bạn cần cân nhắc kỹ các điều kiện và căn cứ trên để tòa án xem xét giao con cho bạn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm