Vợ chồng Liên lấy nhau được 14 năm, con trai 13 tuổi, con gái cũng đã lên 6. Chồng Liên có tật xấu thích đánh bài nhưng vẫn dừng ở mức độ chơi bằng tiền của bản thân, chưa lần nào nợ nần bắt mẹ con Liên phải trả. Liên cũng đã xác định không thay đổi được chồng, nên cô đành cố gắng nuôi con, không trông đợi anh ta hỗ trợ.
Ngoài ra, chồng Liên còn có tính nóng nảy. Những lúc tranh cãi, anh thường văng tục chửi bậy, ném đồ và đánh Liên mấy lần. Tuy nhiên, những điều đó không đáng là gì, sau mỗi lần va chạm, vợ chồng cô thường giảng hòa nhanh chóng.
Giữa lúc Liên còn dằn vặt, đau khổ thì chồng cô chủ động đệ đơn xin li hôn. Anh ta chấp nhận để nhà cửa lại cho Liên và các con, còn mình thì dọn đến sống cùng nhân ngãi. Về phần Liên, sau khi bình tĩnh lại, nghĩ đến chuyện chồng đã phản bội mình, hơn nữa giờ anh ta cũng đã có con và quyết tâm sống với người đàn bà kia nên cô đồng ý ký vào đơn li dị.
Chồng Liên bỏ đi hơn một tháng để sống cùng người mới nhưng đúng vào thời điểm Tòa gọi hai vợ chồng lên giảng hòa lần cuối thì anh ta lại quay về. Anh ta nói với Liên “sau một thời gian chung sống, anh phát hiện ra người đàn bà kia không hợp với anh. Cô ta chỉ cần tiền chứ không như em giàu tình cảm”.
Chồng Liên còn khẳng định, thằng bé 4 tuổi kia không phải con mình. Lúc trước, anh ta chỉ “nhận vơ” vì mẹ của nó thôi. Giờ họ đã chia tay nhau nên thằng bé không còn liên quan gì đến anh ta nữa.
Bản thân Liên đã từng sống trong cảnh bố mẹ li dị cho nên trước đây dù chồng có bài bạc, đánh chửi vợ, cô đều nhắm mắt cho qua. Thậm chí, nếu không phải chính chồng cô khăng khăng một mực đòi li hôn thì có lẽ cô cũng vẫn còn dùng dằng chưa đưa ra quyết định. Một mặt là bởi vì Liên sợ vết xe đổ của bố mẹ, mặt khác cô thương các con. Thế nên vào thời điểm chồng nói muốn quay về hàn gắn gia đình, dù chần chừ nhưng cuối cùng Liên vẫn chấp thuận.
Sau biến cố ấy, mối quan hệ giữa vợ chồng Liên bớt lục đục. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ họ tôn trọng nhau và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, chỉ có Liên mới nhận ra mọi thứ ngày một tệ. Mặc dù, Liên vẫn sống bên cạnh chồng như cũ nhưng tình cảm lại nguội nhạt. Cô không còn dành cho chồng sự quan tâm, không thấy ghen tuông cũng không tin tưởng anh ta nữa.
Có những lúc, Liên giật mình khi trong đầu nảy ra ý nghĩ: “Mình đã ly hôn. Giờ anh ta chẳng là gì, có làm gì thì mình cũng không quan tâm nữa”. Những suy nghĩ vô cảm khiến cho Liên hoảng sợ. Một mặt, cô vẫn lảng tránh nhắc chuyện li dị, nhưng mặt khác, cô lại tham lam tưởng tượng, mơ ước cảnh mình được bỏ chồng. Liên hỏi Thanh Tâm liệu cô ấy có đang mắc bệnh tâm lý?
Thanh Tâm nghĩ cô ấy quả thực đã bị ám ảnh từ sau sự đổ vỡ của bố mẹ. Không những thế, nỗi đau đớn và thất vọng lại càng tăng thêm khi chính cô ấy cũng vấp phải sự phản bội của chồng mình. Bằng nỗi sợ hãi và cố chấp của Liên, cô ấy có thể kéo dài cuộc hôn nhân nhưng điều ấy không có nghĩa là Liên sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc.
Để hàn gắn một cuộc hôn nhân không phải một mình Liên cố gắng là được. Mà nó còn đòi hỏi sự hối lỗi và quyết tâm thay đổi của người chồng. Nếu anh ta thấu hiểu vợ và cố gắng cùng với Liên thì mọi chuyện mới có thể từ từ chuyển biến tốt. Nếu chồng Liên không có thái độ hợp tác, dựng xây thì ly hôn mới là hợp lý nhất.
Trong trường hợp, sự tổn thương tình cảm khiến cho Liên rơi vào trạng thái ảo giác, cô ấy cần phải đến gặp bác sỹ tâm lý để được hỗ trợ điều trị căn bệnh tinh thần. So với chồng con, gia đình thì sức khỏe của Liên mới là điều quan trọng nhất. Chỉ khi khỏe mạnh, cô ấy mới có thể suy nghĩ và sống tích cực, bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề.