Phim Việt ngậm ngùi
Hai bộ phim Việt Nam được giới thiệu tại Cannes năm nay - “Angel Face” (Gương mặt thiên thần) của đạo diễn Vanessa Filho do Lý Nhã Kỳ làm nhà đồng sản xuất tranh giải ở hạng mục “Un Certain Regard” (Nhãn quan độc đáo) và phim “Infill & Full Set” của nữ diễn viên Nhã Phương sản xuất và đóng chính tham gia ở hạng mục “Short Film Corner” (Góc phim ngắn) dù được chào đón và lấy nước mắt của người xem tại Cannes nhưng đều ra về tay trắng.
Đáng chú ý nhất có lẽ là phim “Tàn tro rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là một trong 15 dự án được Ban tổ chức LHP Cannes 2018 chọn giới thiệu trong khuôn khổ chương trình “The Atelier”.
“Infill & Full Set” là câu chuyện được lấy bối cảnh tại London (Anh) do nhà làm phim Đào Đức Hải lên kịch bản và đạo diễn. Nội dung phim kể về số phận một phụ nữ Việt Nam nhập cư bất hợp pháp đang bị mắc kẹt giữa ranh giới đạo đức của một người lương thiện và một kẻ phạm pháp.
Dù không giành giải nhưng Nhã Phương chia sẻ, cô rất vui vì đây là cơ hội tốt giúp cô có thể tiếp cận được những cái nhìn mới mẻ và độc đáo từ các nhà làm phim thế giới, từ đó cô sẽ có thêm những hướng đi mới cho bản thân. Đồng thời, cô cũng tiết lộ, phim ngắn của cô được lựa chọn tranh giải tại một LHP của châu Âu tới đây.
Điện ảnh Nhật Bản khẳng định vị thế
Trái với dự đoán của giới chuyên môn, việc bộ phim Nhật Bản - “Shoplifters” (Kẻ trộm vặt) của Hirokazu Kore-eda giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm nay gây bất ngờ không nhỏ. Dù “Shoplifters” được khen ngợi là một bộ phim giàu cảm xúc nhưng trước đó, một đại diện khác của châu Á - bộ phim “Burning” (Thiêu đốt) của đạo diễn kỳ cựu Hàn Quốc - Lee Chang Dong chuyển thể từ truyện ngắn “Barn Burning” của nhà văn nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami, mới là ứng cử viên hàng đầu của Cành cọ vàng. Sở dĩ tác phẩm xuất sắc của điện ảnh xứ kim chi được đánh giá cao là vì đã nêu bật những vấn đề ẩn sâu nhức nhối của xã hội.
Thế nhưng “Shoplifters” - bộ phim về một đạo chích nhí, tả góc khuất của xã hội Nhật mới là cái tên được xướng lên ở giải thưởng cao nhất. Điều này đã chứng tỏ một điều rằng sau nhiều LHP tôn vinh các tác phẩm giàu tính quốc tế, động chạm tới những vấn đề mang tầm vĩ mô, Cannes 2018 đã đi vào chiều sâu khi vinh danh một tác phẩm cảm động, khai thác đời sống của các gia đình trung lưu ở Nhật Bản với cách làm phim tinh tế, lay động cảm xúc thay vì đao to búa lớn. Việc Shoplifters “lên ngôi” cũng đã làm nhiều tờ tạp chí mát mặt khi Guardian, Telegraph, Indiewire, Hollywood Reporte đều chấm điểm gần như tuyệt đối và tuyệt đối cho bộ phim này.
Trừ “Shoplifters” giành giải cao nhất, các đại diện khác của châu Á cũng thu về ít thành quả tại Cannes năm nay bất chấp việc hiện diện ở hầu hết các hạng mục giải thưởng từ chính đến phụ. Dù được đánh giá cao nhất nhưng “Burning” của đạo diễn Lee Chang Dong chỉ nhận được giải “Fipresci International Critics’ Prize”, một giải độc lập ít được quan tâm. Điện ảnh Nhật tỏ ra lợi hại khi chiếm một nửa trong số 4 tác phẩm hiếm hoi của châu Á tranh giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes. Có thể nói, qua LHP Cannes, Nhật đã vượt mặt Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc, được đánh giá là một cường quốc điện ảnh đáng gờm tại châu lục.
Phim 18 táo bạo, gây sốc lên ngôi
Ở những nhánh phụ của Cannes, có thể thấy các bộ phim được chọn trao giải năm nay đều có là phim 18 , nội dung táo bạo, gây sốc, tác động trưc tiếp vào cảm quan của công chúng. Ở nhánh “Directors' Fortnight”, “sân chơi” của những tác phẩm có lối thể hiện táo bạo, bộ phim “Climax” (Điểm cực hạn) của Gaspar Nóe - kể về nhóm vũ công phê thuốc hành xử kỳ dị trong một không khí tràn ngập bạo lực và tình dục - thắng giải cao nhất.
So với một đại diện là “To the Ends of the World” (Nơi tận cùng thế giới) - phim quay ở Việt Nam, kể về chuyện tình của một chàng lính Pháp và cô gái Việt, “Climax” rõ ràng có sự vượt trội khi dàn dựng tốt, phơi bày bản chất con người, đồng thời nêu ẩn ý về sự suy tàn của xã hội. Các tác phẩm còn lại đoạt giải thưởng của nhánh này đều có lối thể hiện táo bạo đáp ứng tiêu chí của nhánh.
Thắng giải “Un Certain Regard” (Nhãn quan độc đáo), nhánh quan trọng thứ hai ở Cannes, sau các phim tranh giải Cành Cọ Vàng cũng là một phim 18 - “Border” (Ranh giới) của nhà làm phim Đan Mạch gốc Iran- Ali Abbasi. Sở dĩ phim đoạt giải về nhãn quan độc đáo vì đã kể một câu chuyện đa nghĩa, kết hợp yếu tố dân gian và hiện thực thời đại nhằm chuyển tải những vấn đề về chủng tộc và tâm linh.
Những tác phẩm khác được “Un Certain Regard” tôn vinh cũng đều động chạm tới những vấn đề nóng bỏng hiện nay với một cách tiếp cận mới mẻ như giải “Đạo diễn xuất sắc” thuộc về Sergei Loznitsa - nhà làm phim Ukraine với một tác phẩm kể về xung đột chính trị thời hiện đại; Victor Polster - nam diễn viên 16 tuổi - thắng giải diễn xuất khi hóa thân một người chuyển giới theo đuổi đam mê ba lê trong phim “Girl” (Cô gái). Giải biên kịch thuộc về Meryem Benm’Barek với phim “Sofia” - xoay quanh một phụ nữ trẻ đối mặt với việc bị giam giữ sau khi sinh con ngoài giá thú.
Liên hoan phim Cannes lần 71 diễn ra từ ngày 8 đến 19/5. Có 21 phim tranh giải Cành Cọ Vàng, 18 phim tranh giải ở nhánh “Un Certain Regard”, 20 phim tham gia nhánh “Directors' Fortnight”, 11 phim dự chương trình “International Critics' Week”. Một số giải thưởng quan trọng tại Cannes 2018: Palme d'Or (Cành Cọ Vàng): Shoplifters (Nhật Bản), Grand Prix (Giải Thưởng Lớn): Black Klansman (Mỹ), giải Jury Prize: Capernaum (Liban), giải Special Palme d'Or (Cành Cọ Vàng Đặc Biệt): Đạo diễn Jean-Luc Godard (Pháp) với phim The Image Book, Đạo diễn xuất sắc nhất: Pawel Pawlikowski (Ba Lan), Nữ chính xuất sắc nhất: Samal Yeslyamova (Kazakhstan), Nam chính xuất sắc nhất: Marcello Fonte (Italy), Phim đầu tay xuất sắc nhất: Girl (Bỉ), Phim ngắn xuất sắc nhất: All these Creatures (Australia), Kịch bản xuất sắc nhất: Happy as Lazzaro (Italia) và Three Faces (Iran). |
“Cold War” (Chiến tranh lạnh) - bộ phim phẩm lấy bối cảnh Ba Lan sau Thế chiến thứ hai từng khiến khán giả phải vỗ tay nồng nhiệt sau buổi công chiếu tại Cannes, đồng thời nằm trong dự đoán đoạt giải của giới chuyên môn cũng đường đường chính chính ẵm giải “Đạo diễn xuất sắc”. Đây được xem là một lựa chọn xứng đáng bởi đạo diễn Pawel Pawlikowski đã thể hiện sự xuất sắc khi mô tả thành công số phận con người và một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. |
Ở hạng mục “Kịch bản phim xuất sắc”, cũng không có gì đáng phàn nàn khi Ban giám khảo trao giải cho biên kịch Alice Rohrwacher với tác phẩm “Happy as Lazzaro” (Hạnh phúc như Lazzaro) . Tác phẩm xoay quanh mối quan hệ của Lazzaro - một chàng nông dân tốt bụng - và Tancredi - một nam quý tộc trẻ. Sở dĩ phim đoạt giải vì đáp ứng tiêu chí khá Hàn Lâm về kịch bản nhiều năm nay của Cannes, đó là lối dẫn chuyện phức tạp, cái nhìn độc đáo mang tính nguyên bản. |