Ma Văn Kháng viết hồi ký về quãng đời nhọc nhằn và yêu thương

18/07/2019 - 12:14
Những khó khăn, nhọc nhằn đã trải qua trong cuộc đời được nhà văn Ma Văn Kháng kể lại một cách đầy hóm hỉnh, yêu thương trong cuốn hồi ký ‘Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương’.

Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương là tập hồi ký gom góp những nhọc nhằn và kể lại những nhớ thương của nhà văn Ma Văn Kháng. Qua từng trang viết, độc giả có thể thấy rõ được những khó khăn mà ông đã trải qua một cách đầy hóm hỉnh, những yêu thương mà ông đã cho đi và được nhận qua một cách thật tình.

2.jpg
Bìa cuốn hồi ký "Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương"
 

Qua từng trang sách của Ma Văn Kháng, hiện lên rõ nét bức tranh của đời sống xã hội trải dài trong gần một thế kỷ với chân dung phong phú các loại người xuất hiện trong mối quan hệ với tác giả hoặc trong sự quan sát chăm chú của ông theo góc nhìn của nghề viết văn. Từ đó, người đọc nhận ra nhiều chuyện, nhiều điều để nghĩ tiếp về văn chương và cuộc đời.

Chia sẻ về cuốn hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, nhà văn Nguyên An cho biết:  “Ma Văn Kháng đã không chỉ khéo léo hay đủ sự tinh tế, nhạy cảm để chỉ kể lại một số nỗi nhọc nhằn, cơ cực mà ông và bạn nghề ông đã trải qua như đói ăn và thiếu mặc, chỗ ở lại chật chội, đi khám bệnh phải chen chúc… Bởi kể lại được vậy, cùng lắm, mới là giỏi cái giỏi của một cây bút thạo nghề. Đó là một bức tranh đầy tâm trạng, có đủ bi ai, phẫn uất, buồn thương, mai mỉa… Điểm thú vị là qua bức tranh ấy, ta thấy rõ hành trình trở thành một trí thức mẫn cán, tận tụy để rồi có một nhà văn Ma Văn Kháng về sau. Phải rồi, Ma Văn Kháng, chính ông là một khối trí lực hơn người”.

Cũng theo nhà văn Nguyên An, trong Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, Ma Văn Kháng có giọng hồi ký ôn tồn, chậm rãi, nhẹ nhàng mà từ đó, người đọc nhận ra vẻ bùi ngùi, có chỗ là rưng rưng đầy xót xa, lại cả thương mến và trân trọng. “Và thỉnh thoảng vọt thoát ra khỏi sự đều đều của nhịp điệu văn xuôi cũng rất dễ sa vào ru rủ, lại vang lên trong mức đủ nghe như thì thầm muốn nén bớt nỗi bi thương, đôi lời chát chúa, đáo để ra trò”, nhà văn Nguyên An nhận định.

1.jpg
Nhà văn Ma Văn Kháng
 

Nhà văn Ma Văn Kháng sinh năm 1936 ở Hà Nội, tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ông là nhà văn nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam nửa sau thế kỉ XX, đặc biệt từ khi bắt đầu thời kỳ đổi mới. Các tác phẩm của ông đã đạt được nhiều giải thưởng văn học và được đông đảo công chúng biết đến do được trích dẫn trong chương trình giảng dạy phổ thông. Các cuốn sách đã xuất bản đáng chú ý của ông là: Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Người thợ mộc và tấm ván thiêng, Trăng soi sân nhỏ, Một chiều dông gió, Mùa thu đảo chiều, Phút giây huyền diệu, Nhà văn anh là ai…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm