Mắc sốt xuất huyết, dùng những thuốc hạ sốt này dễ gây tử vong

24/07/2019 - 07:00
Nhiều người bị sốt thường có thói quen tự mua thuốc về sử dụng. Tuy nhiên, nếu bị sốt xuất huyết mà dùng thuốc hạ sốt vô tội vạ, có thể gây xuất huyết tiêu hóa, dễ dẫn đến tử vong.

Theo thống kê mới của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận gần 90.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 6 trường hợp tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TPHCM. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc bệnh tăng 3,1 lần (năm 2018 số mắc cùng kỳ là hơn 28.000 trường hợp, tử vong là 8 trường hợp).

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa SXH và sốt virus hay sốt siêu vi. Hơn nữa, nhiều người có thói quen dùng thuốc hạ sốt chứa Paracetamol không đỡ thì uống thêm Ibuprofen. Điều này rất nguy hiểm.

thuoc_vflz_thumb.jpg
Bệnh nhân SXH không nên sử dụng corticoid, nhóm thuốc non-steroid như aspirin vì gia tăng nguy cơ xuất huyết

 

Bác sĩ Cấp cho biết, SXH, sốt siêu vi đều là những bệnh truyền nhiễm cấp tính, sự khác biệt của 2 bệnh này đó là tác nhân gây SXH do siêu vi Denge gây ra, còn sốt siêu vi có khá nhiều tác nhân siêu vi khác nhau gây bệnh. Khác biệt về đường lây truyền: Đối với SXH do vector truyền bệnh là muỗi vằn, còn đối với bệnh sốt siêu vi là do những tác nhân siêu vi lây trực tiếp qua đường hô hấp.

“Về triệu chứng lâm sàng, trong giai đoạn khởi phát, SXH cũng như sốt siêu vi có biểu hiện khá giống nhau: Sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ xương khớp nên rất khó để chẩn đoán phân biệt giữa hai bệnh này. Tốt nhất nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán xác định”, bác sĩ Cấp cho biết thêm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, việc sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt để làm giảm triệu chứng cho người bệnh bị SXH hiện nay được khuyến cáo chỉ nên dùng Paracetamol. Tránh sử dụng Ibuprofen vì nó có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết. Trong trường hợp sốt cao, sử dụng Paracetamol chưa làm giảm triệu chứng, có thể phối hợp biện pháp hạ sốt khác kèm theo (như lau ấm) cũng có thể làm giảm triệu chứng sốt cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân SXH không nên sử dụng corticoid, nhóm thuốc non-steroid như aspirin vì gia tăng nguy cơ xuất huyết. 

1_ospq.jpg
Bệnh nhân SXH cần được điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ

 

Aspirin có tác dụng hạ sốt, giảm đau. Trong SXH có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do SXH gây ra không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm. Do vậy, trong SXH, không được dùng aspirin cho cả người lớn và trẻ em.

Theo các chuyên gia y tế, trong điều trị SXH, việc bù nước điện giải cũng cần chú ý, nhất là trong giai đoạn sốt. Bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước nhưng nên hạn chế tránh dùng nước có màu đỏ, đen vì sẽ khó theo dõi được tình trạng có bị xuất huyết tiêu hóa hay không.

“Khi nghi ngờ mắc SXH cần phải đưa người bệnh đi xét nghiệm để xác định bệnh tình sớm và có hướng điều trị kịp thời. Đặc biệt không nên tự ý dùng kháng sinh bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên truyền dịch tại nhà, phòng ngừa biến chứng, có thể dẫn đến sốc phản vệ và tử vong”, bác sĩ Cấp khuyến cáo thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm