pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mãi khắc ghi các lãnh đạo Hội là liệt sỹ
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Ngân
Anh hùng, liệt sỹ Hoàng Ngân (1921-1949) tên thật là Phạm Thị Vân, sinh tại Hải Phòng, là con gái nhà tư sản dân tộc Phạm Trung Long. Với tình yêu Cách mạng, từ năm 1935, gia đình ông Long là cơ sở bí mật của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hải Phòng.
Nhờ được tiếp xúc với những nhà Cách mạng bí mật ra vào gia đình, cô gái trẻ Phạm Thị Vân đã được bồi đắp tình yêu nước và trở thành liên lạc viên cho đoàn thể bằng những chuyến đưa thư đến các cơ sở bí mật trong thành và ngoại thành.
Ở độ tuổi 14 hồn nhiên, trong tà áo trắng học sinh, Phạm Thị Vân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi thì đến Máy Tơ, lúc thì sang Bến Bính rồi đến cả Thuỷ Nguyên. Thương những người hoạt động bí mật đi về giữa mưa gió, Vân bàn với bố mẹ nhường cửa hiệu bán hải sản gần chợ Sắt cho anh chị em để che mắt địch, là đầu mối hoạt động nội thành.
Năm 17 tuổi, Phạm Thị Vân từng tham gia vận động các nhà tư sản, các tầng lớp trí thức ủng hộ Cách mạng bằng những hành động cụ thể. Năm 1939, Phạm Thị Vân tham gia Thành ủy Hải Phòng và được tổ chức rút đi thoát ly.
Người thiếu nữ ấy được Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ là đồng chí Hoàng Văn Thụ giao làm công tác phụ vận, binh vận, xây dựng cơ sở Cách mạng ở Hải Dương, Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên…
Năm 24 tuổi, bà giữ chức vụ Thành uỷ viên Hà Nội, phụ trách công tác Bí thư phụ vận và một số huyện ngoại thành. Trong Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ, bà và nhiều đại biểu được lệnh rút lui do giặc Pháp bao vây. Phạm Thị Vân vừa ra đến bến tàu điện thì bị mấy tên mật thám theo sát và bắt.
Tại phiên toà sau đó ba tháng, Phạm Thị Vân đã tranh thủ vạch mặt kẻ thù: "Chúng tôi đấu tranh là để đánh đuổi xâm lược, chứ không phải là những kẻ nổi loạn vì đây là đất nước của chúng tôi…".
Trả thù người cộng sản trẻ tuổi, bọn thực dân kết án Phạm Thị Vân 12 năm tù và biệt giam tại nhà tù Hoả Lò. Tại đây, bà đã cùng anh chị em tù chính trị vận động đấu tranh đòi giam riêng tù nữ, đòi không được cắt tóc nữ tù, đòi được ra ngoài phơi nắng hoặc dọn cỏ làm vệ sinh… để dễ bề bắt liên lạc với nhau và với bên ngoài…
Phạm Thị Vân sau đó được giam chung với nhiều nữ tù chính trị. Bà tổ chức học văn hoá, giảng chính trị cho chị em, vận động tuyệt thực, đòi được quyền tiếp tế cho chị em đau ốm trong tù… Tháng 3/1945, Phạm Thị Vân được bố trí vượt ngục thành công cùng một số đồng chí trong nhà tù Hoả Lò.
Cách mạng thành công, Phạm Thị Vân lúc này lấy bí danh Hoàng Ngân được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ là Thường vụ Khu ủy Liên khu Ba, phụ trách công tác Dân vận và phụ vận của Đảng. Dù lúc này sức khoẻ bị suy giảm bởi chế độ lao tù và bệnh tật, bà vẫn lao vào công việc với tất cả nhiệt thành Cách mạng.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, bà Hoàng Ngân cùng cơ quan chuyển lên An toàn khu ở Đại Từ, Thái Nguyên. Tại đây, bà Hoàng Ngân được bầu làm Bí thư đầu tiên Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, nay là Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Năm 1948, trước yêu cầu nhiệm vụ Cách mạng, cần thiết có cơ quan tuyên truyền, vận động đoàn kết chị em phụ nữ toàn quốc để góp phần vào công cuộc kháng chiến, bà Hoàng Ngân được giao sáng lập tờ "Tiếng gọi phụ nữ" (tiền thân của Báo Phụ nữ Việt Nam) với bài xã luận gây nhiều tiếng vang.
Ngày 17/7/1949, sau một cơn sốt rét ác tính, bà qua đời tại Việt Bắc khi vừa bước sang tuổi 28. Bà đã được phong tặng và truy tặng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh… Phần mộ của bà đã được dời từ Thái Nguyên về nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) bên cạnh mộ nhà Cách mạng Hoàng Văn Thụ.
Liệt sỹ Nguyễn Thị Tú
Liệt sỹ Nguyễn Thị Tú sinh năm 1923, là một nữ chiến sĩ Cách mạng kiên trung. Cuộc đời bà gắn liền với 2 cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Chồng bà mất năm bà 24 tuổi. Bà cùng các con và bố mẹ từ giã Cần Thơ về Sài Gòn mở một tiệm bánh làm cơ sở liên lạc, nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1949, căn nhà bà ở Tân Định trở thành một nhà in bí mật của cơ quan Đảng Dân chủ.
Năm 1950, cơ sở bị lộ, anh Tòng, người đồng chí cùng hoạt động, cũng là người chồng sau này, bị bắt vào khám Chí Hòa. Năm 1951, vừa sinh đứa con thứ năm, bà đã tham gia biểu tình ủng hộ người tù khám Chí Hòa đấu tranh tuyệt thực đòi bảo đảm các điều kiện sinh hoạt tối thiểu trong nhà tù.
Năm 1955, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, bà bị đày ra Côn Đảo, bị giam giữ ở nhiều nhà tù: Thủ Đức, Phú Lợi, Chí Hòa, Phú Quốc… Bà bị giặc tra tấn dã man. Có lần bà bị cột suốt ngày đêm trong thùng phuy chứa đầy nước dưới cái nóng cháy da cháy thịt. Ý chí bà vẫn vững vàng.
Từ trong nhà tù, bà bí mật gửi thư ra miền Bắc động viên con gái Tố Nga: "Cố gắng học và tu dưỡng để không phụ lòng mong mỏi của đồng bào miền Nam". Vừa ra khỏi nhà tù, bà vào chiến khu tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Bà là Hội trưởng đầu tiên Hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam.
Những ngày cuối năm 1966 và đầu năm 1967, trong trận càn Cedar Falls của Mỹ, bà bị mất tích. Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng chồng bà - ông Tạ Bá Tòng và các anh chị em trong cơ quan tìm kiếm bà suốt nhiều ngày liền.
Theo lời kể của chị Tố Nga: "Bác Huỳnh Tấn Phát và ba Tòng cùng các anh em tay cuốc, tay lon cháo đi tìm khắp các rừng cao su. Bà ngoại đi tìm khắp các nhà tù của Mỹ - ngụy nhưng mẹ như hòa vào trong không gian. Mấy đứa con đi tìm mẹ khắp nơi, khắp các nẻo rừng, bới từng gốc cây, bụi cỏ, nơi trận càn của địch diễn ra mà chưa tìm thấy dấu vết. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, mẹ vẫn không về. Ông ngoại, bà ngoại lần lượt qua đời nhưng vẫn không biết đứa con gái duy nhất đã gửi xương nơi nào…".
Hơn 30 năm sau, qua các thông tin thu thập được, gia đình mới tìm được hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Thị Tú trong khu rừng cao su tại Bình Dương.
Do không xác định được ngày mất chính thức của liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, vì vậy hằng năm, gia đình lấy ngày Rằm tháng Giêng âm lịch làm ngày tưởng nhớ đến người mẹ, người bà và cũng là người chiến sĩ Cách mạng kiên trung - liệt sỹ Nguyễn Thị Tú.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng
Anh hùng, liệt sỹ Lê Thị Riêng (1925-1968) sinh tại làng Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Chứng kiến cảnh áp bức bóc lột của bọn địa chủ cường hào, bà đã sớm giác ngộ Cách mạng. Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, bà tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện nguyện vọng giải phóng dân tộc. Bà có bí danh Hai Liên.
Năm 1948, Hai Liên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó làm cán bộ Phụ nữ huyện Giá Rai, Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay). Đến năm 1949, bà Hai Liên là Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc Miền Đông.
Thời kỳ này, bà Hai Liên quen đồng chí Lê Văn Ba, quê ở Long Xuyên, từng là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Rạch Giá. Ra Việt Bắc, đến năm 1953, ông Lê Văn Ba trở về miền Nam chiến đấu và kết hôn với bà Hai Liên, sinh hai con trai.
Năm 1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Bà Hai Liên làm Phó Hội trưởng Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng và Ủy viên Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Phong trào "Đồng khởi" từ Bến Tre lan tỏa khắp nơi. Bà Lê Thị Riêng đã quyết định gửi hai con ra miền Bắc để có điều kiện học tập, rèn luyện, sau này về Nam chiến đấu, bà bám trụ lại miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu.
Đêm mồng 2 Tết Mậu Thân (ngày 31/01/1968), bọn địch đã hèn hạ ám hại bà cùng một số người yêu nước khác trên đường Hồng Bàng (nay là đường Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh).
Sự hy sinh anh dũng của bà đã nêu một tấm gương sáng chói về chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Ngày 10/4/2001, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Lê Thị Riêng.
Tư liệu tham khảo:
1/ Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản
Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia, 2008).
2/ Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005)
3/ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam,
Cổng thông tin Hội LHPN Thành phố Hồ Chí Minh
4/ "Cuộc đời của liệt sĩ Nguyễn Thị Tú",
Tác giả: nhà văn Nguyệt Tú, được đăng tải tại sknc.qdnd.vn