Mãi khắc in trong tâm trí chuyến công tác cuối cùng của Bác Hồ

Dương Hà
18/05/2020 - 16:21
Mãi khắc in trong tâm trí chuyến công tác cuối cùng của Bác Hồ
Năm 1965, 18 tuổi, người chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Đoàn được điều động công tác tại đội I, Cục 22 thuộc Bộ Công an - đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ bác Hồ, bác Tôn (tức đồng chí Tôn Đức Thắng) và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bước ngoặt lớn trong cuộc đời đã cho người chiến sĩ ấy quãng thời gian vô giá, khi trở thành một trong các cận vệ của Bác, bảo vệ Bác trên mọi nẻo đường, và bên Bác trong thời khắc Người lâm chung…

"May mắn khi được bảo vệ Người!"

Khán phòng sáng 18/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) ở Lễ Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, dường như lắng xuống, khi được nghe những chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Đoàn – nguyên chiến sĩ cận vệ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1965 cho đến lúc Người lâm chung (tháng 9/1969).

Với ông, những tháng năm cùng đồng đội bảo vệ bác Hồ cũng là chừng ấy thời gian với nhiều kỷ niệm thiêng liêng về Người. Đó là những trang đẹp nhất, may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình.

Hoài niệm của người chiến sĩ cận vệ Bác Hồ những năm tháng Người cuối đời - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn - nguyên chiến sĩ cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chia sẻ về những kỷ niệm với Bác Hồ ở vị trí là một chiến sĩ cận vệ, đồng chí Nguyễn Văn Đoàn bồi hồi xúc động và nhớ thương Người vô hạn, khi hồi tưởng lại ngày đầu tiên được nhận nhiệm vụ. Khi đó, anh mới 18 tuổi, được điều động phục vụ công tác đội I, cục 22 Bộ Công An. Đây là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ bác Hồ, bác Tôn (tức đồng chí Tôn Đức Thắng) và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

"Buổi đầu nhận nhiệm vụ, tôi được ân cần căn dặn nhiều điều và nhấn mạnh nhiệm vụ đặc biệt, đó là trực tiếp bảo vệ Bác. Đây là vinh dự, nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực trách nhiệm cao. Chúng tôi tâm niệm làm thật tốt để không sai sót dù là nhỏ nhất, và để Bác không phiền lòng"- ông Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.

Nỗ lực thành thục công việc chuyên môn, chiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn được Bác hài lòng và cho phép sớm hôm gần gũi, làm nhiệm vụ phục vụ bảo vệ Người. Và từ đó, ông đồng hành cùng Bác trong nhiều chuyến đi, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm không bao giờ quên. "Qua các chuyến đi, chúng tôi cảm nhận tình cảm, nhân cách cao đẹp của vị lãnh tụ dành trọn cuộc đời vì nước vì dân"- ông Nguyễn Văn Đoàn nhớ lại.

Một trong những chuyến đi đáng nhớ là vào ngày 27/4/1969 khi Bác đi bầu cử HĐND khu phố Ba Đình tại địa điểm bầu cử nhà thuyền Hồ Tây. Ông Đoàn nhớ lại, sau khi bỏ lá phiếu bầu, Người ân cần thăm hỏi người dân, dành thời gian đi thăm cán bộ chiến sĩ đồng bào trong ngày hội xây dựng chính quyền nhân dân ở Thủ đô. Trên mỗi con phố đi qua đến đâu cũng thấy không khí từng bừng, tiếng trống, cờ hoa ngợp phố càng làm Người vui mừng, nụ cười hiện hữu trên gương mặt.

Một chuyến đi khác cũng khiến ông không thể quên, đó là lần được theo Bác tham dự mít tinh trọng thể chào mừng ra đời của chính phủ lâm thời Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, diễn ra vào trung tuần tháng 6/1969.

"Sau chuyến đi dài, Bác đi thẳng từ xe vào hội trường. Khi ấy ít ai biết rằng các bác sĩ như đứng ngồi không yên vì lo cho sức khỏe của Người. Dù đi lại khó khăn nhưng Bác vẫn đến dự vì không muốn mọi người lo lắng cho sức khỏe của mình. Bao lâu ấp ủ được vào miền Nam thăm đồng bào đồng chí, sự kiện này càng làm Người phấn khởi trước thành tựu của cách mạng miền Nam Việt Nam, vì miền Nam luôn ở trong trái tim Bác" - ông Nguyễn Văn Đoàn bồi hồi.

Chuyến công tác cuối cùng

Trong rất nhiều những lần kế cận bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ với ông Nguyễn Văn Đoàn, chuyến công tác cuối cùng của Người mà ông nhận nhiệm vụ, có lẽ là thời khắc in đậm trong tâm trí của mình.

Ngày 12/8/1969, khi biết tin có đoàn công tác ở xa về, mặc dù không được khỏe, vào 15h chiều, Người vẫn đến thăm hỏi động viên và nghe đoàn công tác báo cáo tình hình. Đó là tình cảm của Bác dành cho người đi xa về.

Không ai biết rằng, chỉ 5 ngày sau, sức khỏe của Bác suy giảm nghiêm trọng. Ấy vậy mà Người vẫn không một phút nghỉ ngơi, vẫn quan tâm chính sự, việc phòng chống lũ lụt, bảo vệ đê điều, chăm lo cuộc sống người dân gặp thiên tai. Rồi việc tổ chức mừng Quốc khánh… Những ngày đau yếu nhất, nỗi lòng da diết của Người vẫn luôn hướng về đồng bào chiến sĩ miền Nam.

Hoài niệm của người chiến sĩ cận vệ Bác Hồ những năm tháng Người cuối đời - Ảnh 2.

Hình ảnh đời thường giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Vô cùng lo lắng khi sức khỏe của Bác thuyên giảm, ông Nguyễn Văn Đoàn được phân công theo dõi sát sao tình hình của Bác, có gì bất thường phải lập tức ghi chép, báo cáo cẩn thận.

"Toàn bộ đội ngũ tập trung hết lực để cứu chữa cho Người. Giờ phút đó tôi được phép túc trực bên giường bệnh chăm sóc Người. Tôi càng thấu hiểu tấm lòng của các đồng chí lãnh đạo là mỗi lúc Người thiếp di, khi tỉnh dậy vẫn thấy các gương mặt thân quen ở bên mình…"-ông nghẹn ngào.

Sáng 2/9/1969, Bác đã đi xa mãi mãi. Đó là lần cuối cùng ông được ở bên Bác Hồ, mà cho đến bây giờ, đứng đây và chia sẻ những điều này, ông vẫn thấy như mới ngày hôm qua.

Ba năm sau ngày Bác Hồ mất, đơn vị của ông được tặng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đoàn kết tận tụy phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống. Thời gian sau đó, ông Nguyễn Văn Đoàn được giao cận vệ cho đồng chí Tôn Đức Thắng, rồi quản lý Khu Di tích Phủ Chủ tịch, lần lượt đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cho đến khi nghỉ hưu.

Người chiến sĩ ấy luôn lấy tấm gương cao đẹp, suốt đời hi sinh, phụng sự Tổ quốc của Bác để học tập rèn luyện. Tâm niệm luôn được ông mang theo bên mình, đó là học tập và làm theo tấm gương của Bác thì không có tuổi tác, và coi đó vừa là nhu cầu tự thân, vừa là mục đích niềm vui trong cuộc sống.

Ở tuổi ngoài 70, cho đến bây giờ, ông Nguyễn Văn Đoàn vẫn luôn giáo dục, nhắc nhở con cháu hãy học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, để trở thành người công dân tốt. "Tôi hứa với Đảng, với Bác giữ trọn danh dự của người chiến sĩ. Luôn nhớ lời Bác, tâm niệm có Bác che chở soi đường để vượt qua mọi khó khăn thách thức"- ông bộc bạch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm