pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ": Nét đẹp văn hóa của phụ nữ Phú Thọ

Chị Lương Thị Ngọc Chân - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Đình, TP Việt Trì, Phú Thọ - chuẩn bị mâm cơm Giỗ Tổ 10/3 tại gia đình
Hoạt động thu hút hàng nghìn hội viên phụ nữ
Từ năm 2019, UBND tỉnh Phú Thọ đã vận động các gia đình tại Phú Thọ chuẩn bị mâm cơm tri ân vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm. Đến nay đã 6 năm, chị Nguyễn Thị Ngọ - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) - cùng mọi người trong gia đình dậy sớm chuẩn bị làm cơm, riêng 2 món bánh chưng và bánh dày là phải chuẩn bị từ trước đó.

Hội viên Hội LHPN xã Hùng Lô tự tay gói bánh chưng và làm bánh dầy cho ngày giỗ Tổ
Chị Ngọ chia sẻ: Khi "Mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ" được phát động, chị em ai nấy cũng đều tán thành và thêm niềm háo hức chờ đón đến ngày 10/3 âm lịch. Năm nay, Hội LHPN thị trấn Hùng Sơn phát động tới toàn thể, cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn. Theo đó, sẽ có các hoạt động dâng hương, rước kiệu và sắm 1 mâm cơm trong mỗi gia đình tùy theo điều kiện cụ thể để kính cáo tổ tiên và anh linh các Vua Hùng.

Một mâm cơm do hội viên xã Thanh Đình chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ
"Mâm cơm cúng cần có những món cơ bản là bánh chưng, bánh dày và cơm tẻ. Món bánh chưng, bánh dày là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Cơm tẻ cũng do Vua Hùng dạy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ sẽ sinh sôi. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó", chị Ngọ cho biết.
Tại thị trấn Hùng Sơn, hàng năm có trên 1.000 gia đình hội viên phụ nữ tham gia làm mâm cơm Giỗ Tổ. Đây là tập tục và cũng để hưởng ứng chương trình do Hội LHPN cấp trên phát động. Mâm cơm cúng Giỗ Tổ có quy mô vượt lên trên một mâm cơm bình thường, nó thể hiện sự thành kính của người sống với người đã khuất cũng như nhằm tri ân với tổ tiên, có nét bài trí theo phong tục riêng biệt.
Người dân làm mâm cơm Giỗ Tổ thường mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng, cầu xin tổ tiên phù hộ, độ trì cho quốc thái dân an; xin cho dòng họ, gia tộc, gia đình an khang, thịnh vượng… Bởi vậy, gia đình hội viên đều chuẩn bị chu đáo và bày xếp trang nghiêm với tấm lòng thành kính.
Chị Ngọ cho biết thêm, thông qua việc duy trì "Mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ" góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân cùng hướng về ngày Giỗ Tổ. Đồng thời, giáo dục con cháu về niềm tự hào là người dân Đất Tổ Vua Hùng.
Phát huy giá trị, ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Theo chị Đào Thị Thu Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN xã Hy Cương (thành phố Việt Trì), "Mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ" là nét đẹp truyền thống đã được người dân xã Hy Cương duy trì từ nhiều năm nay, không chỉ tưởng nhớ đến công lao các Vua Hùng mà còn là truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Đồng thời giáo dục cho mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là lớp trẻ, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá thờ cúng Hùng Vương, con cháu tề tựu ngày Giỗ Tổ.

Bánh chưng, bánh dày là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài
Cán bộ hội viên phụ nữ xã Hy Cương cũng là lực lượng tiên phong nòng cốt trong việc tuyên truyền vận động, giáo dục và trách nhiệm duy trì truyền thống tốt đẹp này. Hàng năm có từ 75% đến 80% các gia đình hội viên đăng ký ghi tên thực hiện mâm cơm tri ân này.
"Những năm gần đây, Ban tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương khuyến khích toàn dân thành phố cùng thực hiện, trong đó người làm công tác chuẩn bị mua sắm vật liệu đa phần là các bà, các mẹ, các chị em phụ nữ trong gia đình. Mâm cơm có nhiều món khác nhau nhưng nổi bật nhất là bánh chưng, bánh dày, món ăn đặc sản là gà xào kiệu và tép búng (cá bống con) kho lá vón vén (lá có vị chua), rau sắn chua nấu tép lông cò. Đây là những món ăn mà ai về Giỗ Tổ đã thưởng thức một lần thì sẽ lưu luyến mãi. Hầu hết các gia đình đều có mâm cúng chay hoặc mặn nhân ngày này, là dịp tề tựu đầy đủ con cháu", chị Nguyệt cho biết.
Còn tại xã xã Thanh Đình (thành phố Việt Trì), năm nay có hơn 500 gia đình hội viên tham gia hoạt động này. Chị Lương Thị Ngọc Chân - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Đình - chia sẻ: "Mâm cơm gia đình luôn là nơi thiêng liêng nhất, ấm áp, nơi tràn ngập yêu thương, bởi trong tiềm thức mỗi người được sinh ra đều đã có trái tim hướng về nguồn cội".

Đây là dịp để gia đình nhắc nhở, giáo dục con cháu hiểu thêm về cội nguồn dân tộc, về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Thờ cúng Hùng Vương cũng là một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhưng được nâng lên một tầm cao, đó là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ có từ hàng ngàn năm nay đã trở thành một bản sắc văn hoá trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương với triết lý "Con người có tổ có tông", là điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc.
Các cấp Hội phụ nữ tỉnh Phú Thọ đã và đang có những hoạt động ý nghĩa nhân dịp này để giữ gìn và phát huy nét đẹp tín ngưỡng của người Việt. Đồng thời tạo nên những hoạt động cộng đồng mang đậm nét văn hóa tâm linh.