Mang cơn nóng giận ở công sở về ‘đốt nhà’

08/05/2018 - 18:55
Một dạo chị nghỉ ốm, con gái lớn của chị nói: “Mẹ ốm lại hay, bố nhỉ! Chẳng còn chuyện khó chịu ở công ty khiến bố con mình chịu trận. Hay mẹ cứ nghỉ nhỉ...”. Chị giật mình, nhớ lại những lần vợ chồng giận nhau, bạn bè hỏi “vì sao”, hóa ra vì câu chuyện chị mang ở cơ quan về.
Chị Lan vừa về tới nhà đã đóng sầm cánh cửa sắt khiến cả nhà giật mình, rồi chị làu bàu: “Ở nhà thì cần gì cứ phải khóa cổng, cổng sắt dính nước mưa mùi tanh nồng...” Hai đứa con chạy ra chào mẹ nhưng chạm phải nét mặt sa sầm buồn bực của mẹ, chúng liền vội vào.
 
Bỗng chị quát: “Chào cho ra chào, chứ nói chưa xong đã ngoảnh đít chạy đi mà cũng là chào hả? Chả khác gì mụ hành chính nhân sự ở cơ quan, miệng chào mình nhưng mắt nó đang nhìn màn hình...” Hai đứa nhỏ nghe thế lại ngoan ngoãn tiến tới gần mẹ, đứa thì đỡ lấy túi xách của mẹ, đứa thì đón lấy túi nilon với lủng củng rau quả rồi chúng hỏi: “Mẹ mệt ạ, để chúng con và bố nấu cơm”. Chị tiếp tục xả cơn tức giận: “Ừ, mệt, mệt lắm. 
40bchong-mat-lanh-chan-khi-tuc-gian-lam-sao-kiem-che.jpg
Ảnh minh họa
 
Đàn ông giỏi thế nào thì giỏi vẫn không tỉnh được trước vài lời đường mật của loại đàn bà lấy sắc đẹp thay năng lực. Lạ thật, sếp giỏi thế mà vẫn bị con mụ kế toán dẫn dắt, rồi đổ lỗi cho mình...” Đến lúc đó thì hai đứa nhỏ không hiểu mẹ đang nói về vấn đề gì nữa bởi quá nhiều thuật ngữ và tình tiết phức tạp.
 
Chồng Lan thì hiểu vợ lại đang hàm oan ở công ty đây. Đã không ít lần không khí gia đình trở nên nặng nề và lây nhiễm sự mệt mỏi mà chị mang ở cơ quan về. Chị Lan là cá nhân xuất sắc, tận tụy vì công việc và là thế hệ đầu tiên cùng sếp gây dựng công ty. Nhưng khi quy mô công ty càng mở rộng thì niềm vui lại càng ít.
 
Nhiều hôm chị trở về nhà, đang nấu bếp, bỗng buông tay chạy ra mở máy tính rồi la lên: “Thôi chết, đã bảo là sai mà, thế mà không chịu tin mình”, rồi chị gọi ngay cho sếp đề nghị dừng việc ngoài hiện trường. Tất nhiên công việc thì cứu vãn được nhưng tối đó gia đình chị ăn trứng rán cháy, canh cua thì chỉ có rau và nước vì đã tràn hết cả gạch cua ra ngoài.
 
Chồng chị cũng phải thán phục sự tận tụy của vợ với công ty, nhưng anh thở dài: “Giá như em hời hợt với họ hơn một chút để bù đắp lại cho gia đình thì tốt. Nhưng thôi, dù sao em cũng làm điều tốt, hẳn là sẽ tạo phước cho con”.
 
Phần lớn những muộn phiền của chị ở cơ quan đã hóa thành cơn bực tức ở nhà. Khi thì chị giận mụ hành chính nhân sự tính ngọt nhạt giả tạo, lúc thì bà kế toán vì ghen ăn tức ở mà nịnh nọt sếp để trù người khác, khi thì cô tư vấn viên đơm đặt đưa chuyện gây mất đoàn kết trong tổ chức, lúc thì chị bực vì sếp không còn sáng suốt, đưa đường lối sai lệch... 
asian-woman-playing-with-her-laptop-at-home.jpg
Ảnh minh họa
 
Thế là chồng và con chị phải chịu trận và cả đồ vật trong nhà như cái cánh cửa, con thú nhún cũng cùng chịu đựng. Nét mặt chị chẳng được vui, có khi chồng con rủ đi xem phim, chị kêu chán nản nên khước từ. Có khi cả bữa cơm tối, chị chẳng chú tâm vào chồng con mà chỉ làu bàu kể lể về sự chướng tai gai mắt ở cơ quan rồi quay sang truy vấn chồng: “Đàn ông các anh sao lạ nhỉ, cứ bị mấy lời ngọt ngào giả tạo của đám con giáp mười ba lừa nhỉ”.
 
Rồi chị dạy con: “Hai đứa nhớ, sau này cái gì mình làm ra mới được nhận, đừng bao giờ nhận công của người khác là của mình”... Có lúc, cả nhà như muốn cãi nhau chỉ vì... cơ quan của chị.
 
May mà anh Tuấn, chồng chị ít khi stress với công việc. Nếu anh về nhà cũng như vậy, có lẽ hai vợ chồng đã tự dẫn nhau ra tòa vì chuyện cơ quan.
 
Một dạo chị nghỉ ốm, con gái lớn của chị nói: “Mẹ ốm lại hay bố nhỉ, chẳng còn chuyện khó chịu ở công ty khiến bố con mình chịu trận, hay mẹ cứ nghỉ nhỉ...”. Chị giật mình. Chị nhớ lại những lần vợ chồng giận nhau, bạn bè hỏi “vì sao”, hóa ra vì câu chuyện chị mang ở cơ quan về, thật lãng phí tâm sức.
 
May mà công việc của chị kiếm ra tiền nên còn lý do đi làm, còn lý do để anh tôn trọng công việc của chị, nếu không thì anh đã bảo “Tốt nhất ở nhà”. Sau lần ốm này, hẳn là chị phải để trước bàn làm việc lời tự nhắc “mang niềm vui của gia đình để xoa dịu cơn giận ở công sở, không phải mang cơn giận công sở về đốt nhà”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm