Mang thanh long ruột đỏ 'đi đánh' xứ người

11/10/2018 - 14:38
Áp dụng mô hình trồng chuyên canh trên diện tích lớn, trái thanh long ruột đỏ giống mới do Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ngọc Hoàng (tiểu khu 7, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) sản xuất đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng uy tín trong nước và bắt đầu được xuất khẩu, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho các hộ gia đình.
Nâng niu từng trái thanh long ruột đỏ được các hội viên trong hợp tác xã sản xuất ra, chị Nguyễn Thị Dung, Phó giám đốc HTX Ngọc Hoàng ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La không giấu được niềm tự hào khi sau 2 năm thành lập HTX, sản lượng, chất lượng của thanh long ruột đỏ ngày càng được nâng cao. Những trái cây chín đỏ, được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap đã trở thành cây chủ lực, mang đến nguồn lợi kinh tế cao cho hơn 50 hộ thành viên trong HTX.
 
Đưa giống cây mới vào sản xuất chuyên canh
 
Giới thiệu về mô hình chuyên canh trồng cây thanh long ruột đỏ xã Nà Bó, chị Nguyễn Thị Dung cho biết: Người đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về với đồi núi huyện Mai Sơn là ông Nguyễn Quang Vinh. Từ năm 2010, ông Vinh đã mua đất, đầu tư 1.000 trụ và chuyển sang canh tác cây thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, do chất lượng giống không tốt nên khi thu hoạch, kích thước quả nhỏ, hương vị chưa ngon...
 
Trong khi tìm cách để nâng cao chất lượng và sản lượng của cây thanh long ruột đỏ, ông đã tình cờ gặp được một cán bộ viện nghiên cứu cần tìm địa điểm trên Sơn La, để thí điểm mô hình trồng chuyên canh thanh long ruột đỏ giống mới. Năm 2013, được viện nghiên cứu hỗ trợ cây giống, ông đầu tư 1.400 trụ thanh long và canh tác theo quy trình VietGAP. Sau 1 năm, thanh long bắt đầu cho thu hoạch quả. Những trái thanh long có mẫu mã đẹp, chất lượng ngon hơn đã bán được giá cao.
 
Chị Nguyễn Thị Dung chia sẻ thêm: Cây thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao gấp 9-10 lần các cây trồng truyền thống như ngô, mía... ở địa phương. Chính vì vậy, để giúp người dân Mai Sơn tăng hiệu quả kinh tế, ông Vinh và chị Dung đã động viên một số hộ trong vùng cùng tham gia mô hình, nhân rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ với cam kết hỗ trợ toàn bộ giống cây cho bà con, nếu có lợi nhuận mới phải thanh toán tiền cây giống.
 
Nhận thấy lợi ích kinh tế do cây thanh long ruột đỏ mang lại, nhiều hộ trong vùng đã hưởng ứng tham gia. Tháng 3/2016, hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng được thành lập tại tiểu khu 7, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn với hơn 20 hộ thành viên tham gia.
20180911_053604-copy.jpg
Chị Nguyễn Thị Dung, Phó giám đốc HTX Ngọc Hoàng ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

 

Canh tác theo đúng quy trình VietGAP
 
Trong suốt quá trình trồng cây thanh long ruột đỏ, các hộ nông dân được hướng dẫn canh tác theo đúng quy trình VietGAP, chủ yếu làm cỏ bằng các biện pháp thủ công, bón lót phân chuồng, phân hữu cơ và NPK, đảm bảo trái thanh long sản xuất ra có mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định, cung ứng ra thị trường.
 
Với sự nỗ lực của các hội viên trong HTX và sự quan tâm, hỗ trợ của huyện Mai Sơn trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, trái thanh long ruột đỏ của HTX nông nghiệp Mai Sơn đã tìm được đầu ra ổn định tại hệ thống các siêu thị lớn như: Vingroup, Hapro, BigC, Lotte, Aeon... và các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Hà Nam, Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng. Cũng theo chị Dung, từ năm 2018, sản phẩm thanh long ruột đỏ đã tìm được thị trường xuất khẩu sang các nước lân cận và Dubai.
 
Sau 2 năm thành lập, HTX hiện nay đã có 52 thành viên, một nửa trong đó là nữ. Trước đây, cuộc sống của bà con khá khó khăn, nhưng từ khi trồng cây thanh long ruột đỏ, thu nhập bình quân của các gia đình đã đạt từ 200 triệu đồng trở lên mỗi vụ. Ngoài trồng thanh long đỏ, bà con trong HTX còn kết hợp trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái khác như xoài, bưởi da xanh, nhãn, dứa, chanh, táo... và tìm được đầu ra ổn định trên thị trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm