Mạo danh bệnh viện Trung ương để bán thực phẩm chức năng

04/10/2019 - 22:36
Nhiều tài khoản mạng xã hội giả mạo các y bác sĩ BV tuyến Trung ương để bán thực phẩm chức năng. Vì tin tưởng vào uy tín của các y bác sĩ, không ít người bệnh đã bị lừa.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều Fanpage, hoặc tài khoản mạo danh các BV tuyến TƯ để bán thực phẩm chức năng. Theo tìm hiểu của PNVN, hầu hết các Fanfage đều quảng cáo loại thuốc của BV hiệu quả rất tốt và để tri ân khách hàng, BV có chương trình hỗ trợ người bệnh bằng cách giảm giá.

 

Ảnh minh họa

 

Trên một Fanpage giới thiệu về chữa bệnh viêm xoang, PNVN đã để lại thông tin để tư vấn. Chỉ một lát sau, có nhân viên vào nhắn tin, hỏi về bệnh tình. Tuy nhiên, khi chúng tôi vừa trả lời thì phần tin nhắn được gửi đến một loạt thông tin như được viết sẵn và chỉ copy gửi đến.

Tiếp sau đó, một nam nhân viên gọi điện đến giới thiệu là bác sĩ BV Y học cổ truyền đang có chương trình hỗ trợ bệnh nhân. Người này hỏi biểu hiện của bệnh tình, rồi phán rất nhanh là bệnh nặng, cần phải điều trị.

Theo tư vấn, bệnh nhân có thể điều trị nội trú hoặc ngoại trú. Nếu điều trị ngoại trú, BV sẽ gửi thuốc Tâm An Xoang do PGS. Phạm Thị Thuận nghiên cứu, sản xuất. Thuốc này có 2 dạng, dạng xịt và dạng viên. Hiện đang có chương trình hỗ trợ, nếu mua 2 lọ thì giá chỉ còn 1,1 triệu đồng và tặng một lọ xịt trị giá 350.000 đồng. Sau khi nhận hàng, người bệnh sẽ sử dụng theo hướng dẫn và bác sĩ sẽ thường xuyên gọi điện thăm khám.

Tuy nhiên, khi PNVN hỏi BV Y học cổ truyền nào, địa chỉ ở đâu thì người này nói BV Y Học cổ truyền Hà Nội, có địa ở Hà Đông. Thực tế, BV Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội không phải ở Hà Đông mà ở Quận Cầu Giấy. Chúng tôi đề nghị muốn điều trị nội trú thì sẽ ra sao, nhân viên này cho biết, bệnh nhân sẽ đến BV Y học Cổ truyền khám, rồi chuyển sang BV Bạch Mai điều trị. Chúng tôi hỏi tiếp về PGS. Bác sĩ Nguyễn Thị Thuận thì được trả lời đang làm việc tại khoa Tai Mũi Họng của BV Y học cổ truyền Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế BV Y học Cổ truyền Hà Nội không có khoa Tai Mũi Họng, cũng không có ai là PGS. BS Phạm Thị Thuận.

Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu thông tin về Tâm An Xoang thì được biết đây là thực phẩm chức năng do Công ty dược Tâm An sản xuất, chứ không phải thuốc chữa bệnh.

 

Một Fanpage mạo danh BV Bạch Mai để bán thuốc

 

Tình trạng mạo danh các BV hiện xảy ra tràn lan. Các đối tượng tùy theo bán loại sản phẩm nào mà mạo danh BV đó. Người tiêu dùng vì tin tưởng vào uy tín của các y bác sĩ BV tuyến TƯ mà bỏ tiền ra mua sản phẩm và không kiểm tra lại thông tin. Vì thế, nhiều bệnh nhân đã bỏ tiền triệu ra mua thuốc qua các trang mạng này nhưng hiệu quả là con số không. Trước tình trạng trên, các BV tuyến TƯ cũng đã phải lên tiếng cảnh báo.

Mới đây nhất, ngày 4/10, BV Bạch Mai đã phải lên tiếng cảnh báo về việc bị mạo danh này. BV cho biết, thời gian gần đây, Phòng Công tác xã hội nhận được điện thoại của bạn đọc để xác minh thông tin “Khoa Tiêu hóa - BV Bạch Mai đang có chương trình hỗ trợ 3000 hộp trà thảo dược cho các bệnh nhân dạ dày?”.

Cụ thể, ngày 18/9, Phòng CTXH có nhận được điện thoại của chị T. phản ánh chị vào mạng xã hội thấy có thông tin: “Nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa của BV Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ 5 ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu… thì nhanh tay nhấn “đăng ký” để được hỗ trợ. Lưu ý: Bà con không bị đau dạ dày hoặc đã nhận hỗ trợ từ lần trước vui lòng không đăng ký để nhường cơ hội cho người thực sự cần”.

Chị T. cho biết thêm: Bản thân chị bị bệnh dạ dày nên khi nhận được thông tin trên chị rất vui mừng và đã nhấn nút “đăng ký” cũng như không quên để lại số điện thoại và thông tin cá nhân. Một lúc sau, chị nhận được điện thoại của 1 người tự xưng là bác sĩ của khoa Tiêu hóa - BV Bạch Mai để xác nhận lại thông tin chị đã đăng ký. Ngay sau đó, chị lại nhận được 1 cuộc điện thoại của 1 người lạ khác tự xưng là nhân viên của Khoa Dược - BV Bạch Mai hỏi địa chỉ để ship trà đến cho chị và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.

 

BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh minh họa

 

Nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc, Phòng Công tác xã hội đã nhanh chóng liên hệ với các đơn vị liên quan để xác minh sự việc. TS.BS. Vũ Trường Khanh, trưởng Khoa Tiêu hóa - BV Bạch Mai, khẳng định: “Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và Khoa cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang”.

Qua đây, bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo hiện nay tình trạng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, đơn vị y tế uy tín để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và lừa đảo người dân trên mạng internet rất phổ biến. Do đó, bà con cần nâng cao cảnh giác và không tin vào những lời quảng cáo có cánh để rồi tiền mất tật mang. Nếu có bệnh, bà con nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm