Mất 160 nghìn tỉ USD mỗi năm vì bất bình đẳng giới

An Huy
21/02/2020 - 19:08
Mất 160 nghìn tỉ USD mỗi năm vì bất bình đẳng giới
“Toàn cầu mất 160 nghìn tỉ USD mỗi năm khi bất bình đẳng giới dẫn đến mất đi nguồn vốn con người, mất đóng góp kinh tế. So sánh với GDP năm 2019 của Việt Nam là 266 tỉ USD để thấy đây là con số rất đáng kể thế nào”- số liệu được ông Nguyễn Tam Giang, Chuyên gia phát triển xã hội, Ban phát triển đô thị, nông thôn và xã hội của Ngân hàng Thế giới Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Khuyến nghị lồng ghép giới trong các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030” do Hội LHPNVN tổ chức sáng 21/2/2020 tại Hà Nội.

Nữ và nam có cơ hội tham gia bình đẳng trong quá trình ra quyết định, lập mục tiêu

Với các dự án tham vấn đề xuất lồng ghép giới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Hội LHPN Việt Nam đã có những đề xuất riêng cho từng dự án. Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa mong muốn thông qua phần trao đổi, những khuyến nghị về lồng ghép giới từ góc nhìn của các cơ quan tham gia, các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện cho phụ nữ, cơ quan quản lý nhà nước về giới… sẽ giúp các cơ quan có trách nhiệm thẩm tra, thẩm định CTMTQG này đảm bảo những vấn đề giới được thể hiện một cách đầy đủ, đúng đắn, phù hợp, không khiên cưỡng trong những văn bản trình Quốc hội, trình Chính phủ…

Mất 160 nghìn tỉ USD mỗi năm vì bất bình đẳng giới - Ảnh 1.

Từ phải qua: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông; Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa chủ trì Hội thảo "Khuyến nghị lồng ghép giới trong các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030"

Theo ông Nguyễn Tam Giang, World Bank tại Việt Nam, đầu tư vào con người chính là đầu tư có hiệu quả về kinh tế. Chính vì thế, cần đưa quan điểm bình đẳng giới vào dự án để dự án đáp ứng yêu cầu bình đẳng giới. Đảm bảo các quan tâm và triển vọng về bình đẳng giới thành trung tâm của dự án. Thực hiện ở tất cả các giai đoạn dự án.

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa: Đề nghị các tổ chức quốc tế sẽ phối hợp với Hội LHPNVN để xây dựng bộ chỉ tiêu BĐG trong CTMTQG; hỗ trợ để có sổ tay về giám sát thực hiện CTMTQG. Thời gian tới, Hội LHPNVN sẽ có văn bản gửi các bộ ngành liên quan để kiến nghị các vấn đề giới để các đồng chí chỉ đạo, xem xét; cam kết và đề nghị các tổ chức quốc tế cùng với Hội xây dựng tài liệu về lồng ghép giới trong CTMTQG và tài liệu này sẽ cố gắng gửi vào nghị trường Quốc hội.

"Lồng ghép giới vào dự án có ý nghĩa quan trọng khi đảm bảo nữ và nam có cơ hội tham gia bình đẳng trong quá trình ra quyết định, lập mục tiêu ưu tiên và phân bổ nguồn lực; có cơ hội ngang nhau trong tiếp cận nguồn lực và lợi ích, vị thế và được ghi nhận ngang nhau. Tiến trình lồng ghép giới phải đảm bảo được 3 bước: Phân tích giới, lập kế hoạch giới và thực hiện, theo dõi, đánh giá kế hoạch giới"- ông Giang phân tích.

Ông Nguyễn Tam Giang cũng nêu rất nhiều dẫn chứng cho thấy, hiện tại, phụ nữ DTTS đang phải chịu thiệt thòi kép. Song trong quá trình vận động, tham vấn chưa lưu ý đến vấn đề giới để phụ nữ có thể tham gia một cách thực chất vào các dự án.

Mất 160 nghìn tỉ USD mỗi năm vì bất bình đẳng giới - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tam Giang, Chuyên gia phát triển xã hội, Ban phát triển đô thị, nông thôn và xã hội của Ngân hàng Thế giới Việt Nam (áo đen đứng ngoài cùng bên trái) phát biểu tại Hội thảo

Đến từ UN Women, bà Vũ Phương Ly cho rằng, thể hiện chỉ tiêu trong các dự án là cách làm đã lỗi thời bởi thí dụ đơn giản nếu đưa ra chỉ tiêu 40% phụ nữ tham gia các cuộc họp thì có thể dễ dàng đạt được nhưng không thay đổi được gì nhiều. Vì thế có thể thay đổi bằng cách cần kèm thêm các chỉ tiêu khác để đảm bảo sự tham gia thực chất của họ. "Bên cạnh đó, Hội LHPNVN cần đối chiếu các mục tiêu trong CTMTQG với các cam kết trước đó của Việt Nam trong việc đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau".

"Tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân 16 tuổi của trẻ em gái DTTS rất cao- vấn đề này sẽ đưa vào CTMTQG cụ thể như thế nào khi chúng ta đề cập đến nhiều nhưng hiệu quả thấp, gần như không có ngân sách. Phải hiểu tảo hôn là kết quả của các vấn đề kinh tế xã hội, chứ không chỉ đơn giản là kết hôn sớm"- bà Ly nêu vấn đề.

Quan tâm đến việc thay đổi nhận thức

Bà Lê Quỳnh Lan, Plan Việt Nam, thực tế ở các vùng đồng bào DTTS vẫn tồn tại quan niệm nam là lao động chính và nhiều nữ sinh phải nghỉ học lấy chồng. Do đó, trong các dự án phải dựa vào quan niệm bình đẳng giới để thay đổi nhận thức, hành vi cũng như nâng cao, phát huy năng lực nội tại của đối tượng đích.

Mất 160 nghìn tỉ USD mỗi năm vì bất bình đẳng giới - Ảnh 4.

Bà Lê Quỳnh Lan, Plan Việt Nam: Phải dựa vào quan niệm bình đẳng giới để thay đổi nhận thức, hành vi cũng như nâng cao, phát huy năng lực nội tại của đối tượng đích

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự tham gia của nam giới trong các dự án. Hiện tại các dự án liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe bà mẹ trẻ em chủ yếu tập trung vào phụ nữ. Điều này tưởng thể hiện sự quan tâm với phụ nữ nhưng đồng thời cũng tạo thêm gánh nặng cho phụ nữ. Vì vậy cần thúc đẩy vai trò của nam giới trong việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em gái. "Thiết kế dự án cần chú trọng đến việc nâng cao điều kiện và vị thế của trẻ em gái. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến sự đa dạng hòa nhập, đảm bảo được trách nhiệm giới và ưu tiên vào nhóm yếu thế hơn trong nhóm DTTS như phụ nữ khuyết tật, đối tượng LGBT…- những đối tượng gặp rất nhiều rào cản khác nhau trong cuộc sống"- bà Quỳnh Lan bày tỏ.

Mất 160 nghìn tỉ USD mỗi năm vì bất bình đẳng giới - Ảnh 5.

Bà Trần Thu Thủy, Chánh Văn phòng Hội LHPNVN: Cần có ngôn ngữ chung, hiểu về giới để có ý kiến không mang định kiến giới

"Tất cả các dự án cần có ngôn ngữ chung, hiểu về giới để đưa ra được những ý kiến không mang định kiến giới. Chỉ tiêu trong các dự án đang bàn hầu hết liên quan đến phụ nữ. Cụ thể như với dự án 8 đề cập đến vấn đề cán bộ y tế thôn bản. Đây không chỉ là chuyện phụ nữ đến trạm xá để sinh nở. Do đó, muốn đây trở thành lựa chọn với phụ nữ DTTS thì cần kèm theo các cam kết như phải khám thai thường xuyên trước khi sinh- đây là quá trình để thay đổi nhận thức cho các bà bầu"- bà Trần Thu Thủy, Chánh Văn phòng Hội LHPNVN nêu ý kiến.

Rất đông các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành như Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, GD&ĐT, Xây dựng... cũng đưa ra các ý kiến với mong muốn đề án sẽ thể hiện được sự quan tâm thiết thực, hiệu quả với đồng bào DTTS và miền núi.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông: Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào DTTS. Nghị quyết này được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam ban hành một Nghị quyết tổng thể về phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để có thể kịp trình đề án vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, đề nghị các bộ ngành khẩn trương phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện những nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 12. Hội LHPNVN tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ ngành, các chuyên gia gửi về cơ quan chủ trì xây dựng đề án là Ủy ban Dân tộc. Đặc biệt, bám sát từ đầu những vấn đề liên quan đến giới mà Hội LHPNVN cảm thấy nên lồng ghép thì đề xuất. 10 dự án thành phần, có thể lồng ghép giới ở các tiểu dự án trên cơ sở đưa ra các giải pháp lồng ghép thiết thực cho từng dự án.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm