Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi: ‘Lựa chọn ưu tiên để có can thiệp phù hợp’

04/11/2019 - 12:27
Đề án tổng thể phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021 – 2030 vừa được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp này. ĐBQH NGUYỄN THỊ THU HÀ (Bắc Giang) - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho rằng, trong điều kiện nguồn lực có hạn, phạm vi đối tượng điều chỉnh của Đề án lớn, cần phải xác định vấn đề, lựa chọn ưu tiên để có can thiệp phù hợp; không thể manh mún, dàn trải, đặc biệt, tránh tình trạng ban hành chính sách nhưng không đủ nguồn lực thực hiện.

Đáp ứng nhu cầu thiết yếu vẫn là việc cấp thiết

Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa cũng như sự cần thiết của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi 2021 - 2030 (Đề án)?

- Tôi cho rằng, Đề án là kết quả nghiên cứu, điều tra, khảo sát công phu, có tính tổng thể, toàn diện, khoa học, có giá trị thực tiễn; góp phần quan trọng giải quyết nhiều mối quan hệ trong phát triển đất nước hiện nay, nhất là quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Đề án cũng đồng thời thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì sự phát triển bền vững, bao trùm của đất nước.

Vậy theo bà, đâu là những vấn đề cấp thiết của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay?

- Tôi tán thành với những vấn đề chung, những giải pháp chủ yếu, các dự án lớn mà Đề án đã đề cập như tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ gìn bản sắc văn hóa… Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực có hạn, phạm vi đối tượng điều chỉnh của Đề án lớn, điều kiện tự nhiên và phong tục tập quán giữa các dân tộc có sự khác biệt, chúng ta buộc phải tiếp tục xác định vấn đề, lựa chọn ưu tiên để có can thiệp phù hợp.

Báo cáo tổng quan thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số thực hiện trong khuôn khổ hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc xuất bản năm 2017 cho biết, năm 2015 có đến 72,1% hộ không có nhà xí hợp vệ sinh - gấp 2,5 lần tỷ lệ chung của cả nước; trên 50% hộ của 11 dân tộc thiểu số sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh; 18 dân tộc có tỷ lệ nghèo đa chiều trên 50%.

Hàng loạt vấn đề về sức khỏe, y tế cũng rất đáng lo ngại. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2019 cho thấy, tỷ lệ thấp còi, thiếu cân của trẻ em dân tộc thiểu số cao hơn 2 - 2,5 lần so với trẻ em dân tộc Kinh.

Cũng theo báo cáo tổng quan thực trạng KT - XH của 53 dân tộc thiểu số, có tới 29% phụ nữ dân tộc thiểu số có thai không đến cơ sở y tế khám, gấp 29 lần tỷ lệ chung và vẫn có 36% sinh con tại nhà; tỷ lệ tảo hôn ở đồng bào dân tộc lên tới 26,6%, trong đó có những dân tộc trên 50 - 70%. Cùng với đó, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em vẫn rất nhức nhối.

Thật đáng suy nghĩ khi đây đồng thời là những vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em. Tập trung ưu tiên những vấn đề này không chỉ là những biện pháp mạnh mẽ, thúc đẩy bình đẳng giới mà còn là vấn đề tương lai giống nòi, là sự tồn vong của một số tộc người.

Còn nếu xét theo dân tộc, trong 10 chỉ số KT - XH quan trọng, có đến 10 dân tộc như La Hủ, Mông, Khơ Mú, Mảng, Chứt, Kháng, Xinh Mun… có 7 - 10 chỉ số đang ở mức kém và rất kém. Vì thế, theo tôi, thay vì áp dụng đại trà, cần có chính sách tổng thể, ưu tiên, những can thiệp phù hợp để giải quyết toàn diện các vấn đề nghiêm trọng, cấp bách cũng như tập trung các nhóm dân tộc đang gặp khó khăn trên. Việc đầu tư phải đồng bộ, không thể manh mún, dàn trải, mà câu chuyện bảo hiểm y tế là một ví dụ.

Cụ thể như thế nào, thưa bà?

- Chủ trương mua bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số theo tôi là hoàn toàn đúng, nhưng chưa đủ. Theo thống kê, năm 2018 có 93,7% đồng bào có thẻ bảo hiểm nhưng chỉ có 18% đi khám và tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở cả tuyến huyện và xã chỉ đạt 31% và phải điều tiết ngược về vùng phát triển! Tôi cho rằng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu đồng thời với việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển mạnh y tế thôn bản, trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực để đồng bào sử dụng thẻ bảo hiểm, tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với điều kiện cư trú quá xa xôi, phân tán.

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang tiếp tục khảo sát cập nhật thực trạng KT - XH 53 dân tộc thiểu số. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để chúng ta xác định trọng tâm ưu tiên trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà

 

Tránh ban hành chính sách mà không đủ nguồn lực

Đề án sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào cuối Kỳ họp này. Theo bà, Nhà nước, chính quyền và người dân có vai trò, trách nhiệm như thế nào để thực hiện thành công Đề án? 

- Tôi cho rằng, bài học thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới về phát huy vai trò chủ thể của người dân hoàn toàn có thể vận dụng với Đề án này, tuy nhiên, cách tiếp cận phải khác. Khác ở đây chính là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, là sự chủ động, sáng tạo của địa phương, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, gắn với vai trò quan trọng, chủ đạo của Trung ương, Chính phủ, nhất là trong việc cân đối ngân sách quốc gia. Tránh tình trạng một số chính sách ban hành nhưng không đủ nguồn lực thực hiện như trong thời gian qua. Nguyên tắc này cần được làm rõ nét hơn nữa trong cách thức triển khai, thực hiện Đề án.

Theo đó, Trung ương tập trung nguồn lực, ban hành chính sách khung gắn với mục tiêu cụ thể cần đạt được và phân cấp cho địa phương tổ chức thực hiện; hoàn thiện và thể chế hóa các cơ chế về giao quyền gắn với trách nhiệm giải trình; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ theo mục tiêu chính sách đề ra.

Chính quyền địa phương vào cuộc ngay từ giai đoạn đầu, lựa chọn vấn đề cần ưu tiên giải quyết trên cơ sở nhu cầu của các nhóm dân tộc tại địa bàn, xây dựng kế hoạch, xác định cách làm. Người dân cũng cần được tham gia ngay từ khâu thiết kế dự án đến quá trình lập kế hoạch và triển khai chương trình.

Liên quan tới Đề án và quá trình triển khai, bà có đề xuất gì?

- Tôi có 3 đề nghị. Một là, Chính phủ cần tập trung nguồn lực, đầu tư mạnh hơn, có trọng điểm cho một số nội dung trọng tâm và một số vùng, nhóm dân tộc đang còn nhiều khó khăn. Hai là, Đề án cần bổ sung vai trò của HĐND để thông qua cơ chế đại diện, xác định vấn đề, lựa chọn ưu tiên cho trúng và đúng. Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội để thực hiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Xin cảm ơn bà!

“Có câu nói: muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Khu vực mà chúng ta đang nói tới phần nhiều là “phên dậu” quốc gia, là cuộc sống của triệu đồng bào đã phải chịu khó khăn qua nhiều năm. Đề án này sẽ giúp cho các dân tộc thiểu số bước nhanh hơn, cùng với khối đại đoàn kết 54 dân tộc tiến xa trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam phát triển bền vững, tiến bộ, văn minh”.

                                                               Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm