“Có những em đến phá thai gương mặt “búng ra sữa” bởi mới 13-14 tuổi. Các em hồn nhiên đến nỗi sau khi nghe tư vấn về sức khỏe sinh sản, chúng tôi hỏi lại thì các em bảo… chẳng nhớ gì”, PGS.TS Phạm Thị Thanh Hiền, cho biết.
Từ 7h đến 11h30 của hầu hết ngày làm việc, hành lang Trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản-Kế hoạch hóa gia đình, BV Phụ sản TƯ luôn chật kín người. Hầu hết đó là những người chờ để đến lượt phá thai. Có 1 điểm chung là những người đến đây “giải quyết hậu quả” dù đã lập gia đình hay chưa kết hôn, đều tỏ vẻ ngại ngùng nên mặt cúi gằm xuống chiếc điện thoại. Ai cũng mang tâm trạng lo âu, dằn vặt, thậm chí nhiều người còn lấm lét, rất sợ người quen biết nhận ra mình.
Trong phòng tư vấn số 5 của Trung tâm, bé Đinh Thanh Lan* (sinh năm 2004, ở TP Phủ Lý, Hà Nam) đang được các tư vấn viên tư vấn phá thai. Ngồi bên cạnh Lan là bố của em.
Gần 1 năm trước, Lan yêu 1 người con trai cùng quê, bằng tuổi em. Trong những lần “gần gũi”, cả 2 đã “đi quá giới hạn” nhưng không dùng biện pháp tránh thai. Sau nhiều lần “quan hệ” không an toàn, Lan đã mang thai. Thấy con bị chậm kinh và bụng mỗi ngày một to ra, mẹ cho rằng Lan mắc bệnh phụ khoa nên đưa đi khám. Khi bác sĩ cho biết Lan có thai, mẹ em ngất xỉu, rồi ốm nặng. Sau khi bàn bạc, gia đình Lan thống nhất là phải giúp em “giải quyết” cái thai trong bụng, vì cả Lan và người yêu còn rất trẻ, đang đi học. Do mẹ ốm nên bố Lan phải đưa con lên Hà Nội để phá thai.
Ngồi nghe bác sĩ hỏi và tư vấn, dường như bố Lan lo lắng hơn con nhiều, vì bằng hiểu biết của mình, ông biết phá thai ở tuổi của Lan, nếu không may mắn, hậu quả có thể sẽ ảnh hưởng đến tương lai, khả năng làm mẹ của con gái. Còn Lan có lẽ chưa hiểu biết nhiều về điều này nên vẫn khá vô tư. Tư vấn viên hỏi gì, em bình thản trả lời, gương mặt không gợn chút lo âu.
Theo lời kể của Lan với nhân viên tư vấn, em và người yêu thường xuyên quan hệ tình dục. Địa điểm là ở nhà em hoặc nhà bạn trai, khi người thân 2 bên vắng nhà. Những lần mới ăn “trái cấm”, Lan cũng lo lắng có thai nhưng bạn trai bảo, còn trẻ chắc chưa thể mang thai được nên em khá yên tâm. 2 người cũng không hề sử dụng biện pháp tránh thai nào nên cuối cùng, em đã mang thai.
Theo PGS.TS Phạm Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn khỏe sinh sản-Kế hoạch hóa gia đình, những trường hợp như Lan không phải là hiếm. Trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện phá thai cho nhiều trẻ vị thành niên, trong đó nhỏ nhất là 13 tuổi. Thậm chí, có bé chỉ trong 7 tháng đã phá thai tới 2 lần. Nhiều bé còn phá thai bên ngoài dẫn đến nhiễm trùng, thủng tử cung, phải đến bệnh viện điều trị. Khi ấy, các y, bác sĩ phải cắt bỏ tử cung của bé. Ai cũng xót xa và đau đớn, bởi em đã tự đánh mất cơ hội sinh đẻ.
Theo Bộ Y tế, phá thai ở tuổi vị thành niên có xu hướng giảm trong những năm qua nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối. Năm 2016, cả nước có 265.536 ca phá thai, trong đó phá thai ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên là 4.600 ca. Còn năm 2015, có trên 5.500 ca phá thai ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, con số phá thai ở tuổi vị thành niên thực tế cao hơn nhiều. Bởi nhiều em đã tìm đến phòng khám tư nhân để “giải quyết” hậu quả.
Tại BV Phụ sản Hà Nội, mỗi tháng có từ 3 đến 5 trẻ vị thành niên phá thai. Còn tại BV Phụ sản TƯ, trong 8 tháng đầu năm nay, có 5.369 ca phá phai. Trong đó, số trẻ vị thành niên phá thai là 52 ca. Đặc biệt, đa phần các em phá thai to với 38 ca (thai trên 12 tuần), còn lại là phá thai nhỏ (dưới 12 tuần).