Mất mảng tóc, nghĩ con bị rụng tóc ngờ đâu bé nghiện ăn tóc

16/07/2019 - 17:46
Gia đình phát hiện con bị mất một mảng tóc trên đầu nhưng nghĩ bệnh liên quan tới rụng tóc. Tại BV Xanh Pôn, các bác sĩ tiến hành nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng và phát hiện cả búi tóc trong ruột, đuôi búi tóc vẫn còn chạy dài trong ruột non

Ngày 16/7, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (BV Xanh Pôn) cho biết, BV vừa tiếp nhận bệnh nhi H.T.N (9 tuổi, ở Thái Bình) bị chứng nghiện ăn tóc (hội chứng Rapunzel).

Gia đình cho biết, gần đây phát hiện con bị mất một mảng tóc trên đầu. Gia đình nghĩ con bị bệnh liên quan tới rụng tóc nên đưa tới bé tới bác sĩ chuyên khoa da liễu khám nhưng không đỡ.  

Gần đây, bệnh nhi thấy đau bụng, buồn nôn nên gia đình đưa lên BV Xanh Pôn thăm khám. Tại đây, các bác sĩ tiến hành nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng và phát hiện cả búi tóc trong ruột, đuôi búi tóc vẫn còn chạy dài trong ruột non. Các bác sĩ chỉ định mổ để lấy búi tóc ra khỏi dạ dày bé.

toc_161534852.jpg
Hình ảnh nội soi phát hiện búi tóc trong ruột bệnh nhi

 Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, tiếp tục được theo dõi tại BV.

Trước đó, năm 2017, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đã phẫu thuật cho bé gái P.T.T (6 tuổi, ở  Đồng Nai) lấy ra búi tóc có chiều rộng 12 cm, một phần đuôi dài đến 40 cm lọt vào ruột non.

Theo các chuyên gia, Rapunzel là chứng bệnh khiến người bệnh luôn muốn nhổ và nghiện ăn tóc. Bệnh gặp ở trẻ em nhiều gấp 7 lần so với người lớn, trong đó tỷ lệ mắc cao nhất ở lứa tuổi 4 đến 17.

Người bị bệnh thường có các biểu hiện như tự nhổ tóc/lông của mình; trẻ em thường thực hiện lén khi không có người lớn; nhổ lông/tóc từ người hoặc vật khác; than phiền về các triệu chứng dạ dày, ruột. Trên những người mắc chứng nhổ tóc, thường thấy thêm chứng ăn tóc, từ đó tạo ra dị vật lông/tóc trong dạ dày, ruột. Những dị vật này làm bệnh nhân đau bụng, nôn ói, táo bón, xuất huyết tiêu hóa và các triệu chứng tắc nghẽn đường ruột khác.

Hiện nay, y học chưa xác định được nguyên nhân của bệnh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nghĩ nhiều đến cơ chế ứng phó với stress; liên quan với tình trạng thiếu serotonin và bất thường cấu trúc bộ não; do có các gen nhạy cảm; do các yếu tố tâm lý,…

Khi phát hiện, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa điều trị sớm bởi điều trị chứng nhổ tóc chủ yếu là can thiệp hành vi. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được dùng một số thuốc tâm thần đặc trị. Trong quá trình trị liệu, bệnh nhân cũng được khuyến khích tập thể dục và tham gia một số hoạt động để giảm stress.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm