Mất nhà vì nhờ mẹ vợ mua và đứng tên

22/04/2019 - 14:58
Ở đời, nhiều khi mất và còn lại có ý nghĩa ngược lại, khiến mình tổn thương và tổn thất nhiều hơn.

Kính gửi chị Thanh Tâm!

Vợ chồng tôi sống và định cư ở nước ngoài, có mua 1 mảnh đất ở quê xây nhà để mỗi năm về thăm quê 1 vài tuần có chỗ ở ấm áp. Vì ngại không đủ thời gian trong mỗi lần về để làm các thủ tục nên chúng tôi nhờ mẹ vợ mua và đứng tên giúp.

Mọi chuyện sẽ không có gì rắc rối nếu mẹ vợ tôi không mắc bệnh hiểm nghèo. Chúng tôi về nhà khi bà đã hôn mê và không qua khỏi sau đó gần 1 tháng.

Lo việc cho mẹ xong, chúng tôi không nghĩ gì đến chuyện nhà đất. Đến giỗ đầu mẹ, về nhà thì thấy vợ chồng của em gái vợ đã dọn sang nhà chúng tôi ở. Hỏi sao làm vậy thì hai em ấy trả lời tỉnh bơ: “Đây là nhà của mẹ. Anh chị đã định cư ở nước ngoài rồi thì có về mấy đâu, cho bọn em là đúng rồi. Bọn em vẫn dành 1 phòng cho anh chị”. Vợ tôi nhất định không đồng ý thì hai đứa em bảo: “Vậy thì cứ để ra tòa, chia đôi vậy!”. Kinh khủng hơn là dì chú ấy đã bán hẳn nhà của mẹ và của mình để chuyển về nhà chúng tôi ở.

mat-nha-2.jpg
Cô ấy rất giận em gái... 

Thực sự, từ trước đến nay, vợ chồng tôi chưa bao giờ không bao bọc các em. Khi mẹ mất, chúng tôi cũng không nghĩ đến của nả của mẹ. Vậy mà các em nỡ lòng nào cư xử với chúng tôi như vậy. Buồn và đau lòng lắm chị ạ. Vợ tôi vừa xấu hổ vừa xót của nên cứ đòi ra tòa. Tôi đã khuyên nhủ cô ấy nhiều: “Lọt sàng thì xuống nia. Các em nó tham thì tặng chúng nó. Nếu nghĩ thế không thông thì coi như bác cho các cháu”. Nhưng cô ấy đã quyết: “Xin thì cho nhưng cướp của người nhà như thế không được, phải làm cho ra nhẽ đến cùng!”. Mong chị giúp tôi khuyên nhủ cô ấy với.

Tôi xin được giấu tên

Chào anh!

Thực sự là đau lòng khi lòng tham nặng hơn tình thâm. Nhưng anh là một người chồng tốt, luôn mong điều êm đềm đến với vợ, là một người anh rể nhân hậu, hào hiệp, sẵn sàng chịu thiệt về mình để giữ tình cảm gia đình. Chỉ sợ rằng, lòng tốt của anh càng làm cho các em hư hơn, không nhận ra lẽ phải làm người ở đời.

Về phía vợ, anh động viên, an ủi để cô ấy bớt vì sĩ diện mà làm mọi thứ. Anh có thể dùng thêm vài lý lẽ để thuyết phục cô ấy không làm lớn chuyện lên. Thứ nhất, hành trình hầu tòa cần nhiều thời gian, phải sắp xếp thời gian và tiền bạc để về nước lo các thủ tục đó. Thứ hai, đã ra tòa thì sau này chị em khó nhìn nhau lắm. Mà xử thế nào thì các cháu mình cũng bị khổ một thời gian. Thứ ba, có thể các em đã chuẩn bị tinh thần cho bước này, kết quả ra tòa không như ý sẽ càng làm cho vợ uất ức. Thứ tư, còn mẹ còn năng về, mẹ đã ra đi vài ba năm mới về một lần, mình cũng không dùng nhà nhiều, hãy coi như em thay mình coi sóc nhà cửa. Coi như mình đánh mất một khoản tiền nhưng mình giữ được tình thân.

Về phía em vợ, anh có thể hẹn gặp riêng, nói các em đừng khiến chị quá đau lòng vì cùng một lúc vừa mất tiền, vừa mất hết tình chị em như thế. Anh chị không tiếc tiền, nhưng không thể vì tiền mà mất hết tình cảm ruột thịt. Các em hãy gặp chị, xin chị. Tiền bán nhà của mẹ và các em, các em nên gửi chị 1 nửa. Anh tin chị sẽ không nhận, nếu chị nhận anh sẽ cho dì chú thêm chút nữa. Tôi nghĩ, với những người nặng về tiền sẽ làm mọi điều nếu họ cảm thấy không bị thiệt thòi, mất mát tiền của. Và cách xử sự của người anh như vậy sẽ tác động đến các em mạnh mẽ, khiến các em ấy phải suy nghĩ , nhận ra lẽ phải và lựa chọn cách ứng xử phải đạo.

Ở đời, nhiều khi mất và còn lại có ý nghĩa ngược lại, khiến mình tổn thương và tổn thất nhiều hơn. Mong là chị em của vợ anh giữ được tình cảm để em vợ anh dần điều chỉnh cách ứng xử của mình đúng đắn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm