Máy cắt cỏ 'chém' rời chân trái

30/05/2016 - 16:50
Trong lúc cắt cỏ vườn, không may lưỡi thép của máy cắt cỏ bị gãy đôi văng vào chân khiến cẳng chân trái anh Nguyễn Văn Kh. 54 tuổi trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đứt rời.
Ca tai nạn trên được BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh, cấp cứu vào ngày 29/5. Anh Kh. thuê đất tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, để trồng cây, trong lúc dọn cỏ, đã xảy ra tai nạn. Anh Kh. vào BV cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, cẳng chân trái đứt rời. Sau khi được sơ cứu tại BV Đa khoa thị xã Đông Triều, anh Kh. được chuyển viện tới BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Một ca nối chân bị đứt lìa
Tại đây, sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ kết luận anh Kh. bị vết thương đứt gần rời cẳng chân trái, gãy hở 1/3 xương cẳng chân trái, đứt gân cơ và dây thần kinh, mạch máu. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử trí vết thương.

BS Nguyễn Đức Hoành, Trưởng khoa Phẫu thuật Can thiệp Tim - Mạch và Lồng ngực , BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho hay, kíp phẫu thuật đã tiến hành nối cẳng chân cho bệnh nhân. Sau hơn 4 giờ thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện sức khỏe anh Kh. ổn định, cẳng chân trái sau khi được nối liền hồng hào, máu lưu thông tốt, miệng vết thương khô, khung xương cố định tốt. Tuy nhiên, anh Kh. vẫn tiếp tục được theo dõi để sức khỏe ổn định, vết thương phục hồi tốt hơn.

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, đối với dương vật hay bộ phận cơ thể như tay, chân, bị đứt rời, thời gian phẫu thuật nối lại tốt nhất, phải trước 6 giờ kể từ thời điểm bị đứt rời, tránh tình trạng bộ phận đó bị hoại tử do không được cung cấp máu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dù muộn, các bác sĩ vẫn cân nhắc để ghép nối. Việc phục hồi chức năng của bộ phận đứt lìa phụ thuộc nhiều yếu tố như mức độ tổn thương và chức năng của các bộ phận đó.

Các bước sơ cứu và bảo quản chi đứt lìa

* Đối với bệnh nhân:
  • Rửa vết thương bằng nước chín nguội hoặc dung dịch sinh lý mặn.
  • Băng vết thương bằng vải sạch hay gạc vô trùng.
  • Cho bệnh nhân nằm nghỉ trong khi chờ chuyển viện.
  • Đối với bàn tay, ngón tay, chỉ cần băng ép lên vết thương là đủ, nếu đứt lìa tay chân thì cần làm thêm garô để tránh chảy máu. Cần làm đúng kỹ thuật: Dùng băng hay dây vải quấn vài vòng phía trên mỏm cụt khoảng 10 cm, đút một cây gỗ và xoắn vài vòng cho đến khi máu ngưng chảy, không siết quá chặt. Ghi nhận giờ (thời điểm) làm garô và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu đi xa, cần xả garô 5 phút cho mỗi 90 phút.
 * Đối với phần chi đứt lìa:
  • Cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng nước chín nguội. Không được rửa bằng xà phòng hay hóa chất.
  • Quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào một túi nhựa mỏng, cột miệng túi lại.
  • Đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh. Chuyển tất cả theo nạn nhân. Mục đích của quấn băng vải quanh phần chi đứt lìa là không để chi tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh.

Lưu ý: Thời gian vàng để cứu sống được phần chi bị đứt lìa là 6 tiếng, nếu để lâu hơn các mô bắt đầu chết, khi đó việc nối liền khó thành công.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm