MC Minh Trang vượt qua khủng hoảng khi dạy các con bằng quy tắc 5 giây

San San
25/06/2022 - 18:38
MC Minh Trang vượt qua khủng hoảng khi dạy các con bằng quy tắc 5 giây

Gia đình MC Minh Trang

Dạy con là cả một quá trình cần bố mẹ phải hết sức kiên nhẫn, đặc biệt là vào thời kỳ khủng hoảng của con.

MC Minh Trang - bà mẹ 4 con luôn nhận được sự quan tâm và yêu mến của các bậc phụ huynh vì sự khéo léo trong việc dạy dỗ các con của mình. Các bé nhà nữ MC đều ngoan ngoãn, dễ thương, nghe lời bố mẹ nhưng vẫn luôn được tự do thể hiện cá tính, sở thích của bản thân. Cách mà bà mẹ 4 con xử lý khủng hoảng của các con cũng được nhiều bố mẹ đánh giá cao.

Mới đây, Minh Trang khẳng định đang cố gắng đối diện với sự khác biệt của con trai út. Bình thường, cậu bé rất ngoan ngoãn, đáng yêu nhưng dạo gần đây có sự thay đổi trong tính cách. Bé thích làm mọi việc theo ý mình, trái ý với tất cả mọi người khiến cả gia đình nữ MC đều phải ''bó tay''.

''Bình thường mình đều hạn chế kêu than nhưng hôm nay thì xin phép được ngoại lệ 1 chút. Vì gia đình hiện đang hết sức bó tay với em Ruốc. Dạo trước thì hỏi gì cũng CÓ rất to, khuyến mại thêm combo mắt cười, miệng cười toe toét. Nhưng mấy ngày hôm nay đúng kiểu hờn dỗi thế giới, không vừa ý với tất cả mọi thứ.

Ví dụ: ăn hết suất cơm, mẹ ra chúc mừng và giơ tay lên rủ ''highfive?'', em ý cau mặt lại bảo ''không highfive!''.

Tối đi ngủ, ôm cái gối rõ to của bố mẹ sang nằm, còn cái gối nhỏ của mình thì vứt xuống đất. Chị Bánh Mì bảo ''no way!'' thì em ý bảo ''có way!''.

Sáng ra, bình thường ăn ngũ cốc rót sữa tươi vào, hôm nay cũng rót sữa tươi vào y chang thì em ý khóc toáng lên. Mẹ vớt ra không vừa ý, đòi để riêng ngũ cốc, riêng sữa. Thôi cũng được, nhưng để riêng rồi mang ra thì lúc chuẩn bị ăn em ý cũng lại trộn hết vào nhau rồi mới ăn.

Nữ MC 4 con lần đầu kêu than bó tay trong việc dạy bé, vượt qua thời gian khủng hoảng bằng quy tắc 5 giây mà bố mẹ nào cũng nên học - Ảnh 1.

Cậu bé út nhà MC Minh Trang khiến mẹ ''bó tay'' đầy đáng yêu.

Đến lúc đi học, mọi khi thích đôi dép nhựa hình quả bơ mà chị Bơ tặng lắm, xong tự nhiên hôm nay giành giật bằng được đôi giày búp bê của bà chị, làm sáng ra đã khủng hoảng khóc lóc 30 phút đồng hồ từ trên nhà. Mẹ hỏi vì sao thì bảo ''Con thích'', xong chị Bơ mếu máo bảo ''nhưng con trai không ai lại đi giày này'' thì em ý chu mỏ cau mặt bảo ''con trai CÓ ai đi giày này!''.

Đến lớp, các cô cười tủm tỉm thì em ý chắp tay sau lưng kêu: ''Các cô không được cười''.

Và đây, xin giới thiệu toàn cảnh ông em khó ở của gia đình chúng tôi trong bộ outfit hot trend mùa hè năm 2022. Còn tôi thì đã được rèn luyện nên không khó để vượt qua được 5 giây bực bội đầu tiên, và bình tĩnh ''enjoy-cái-mô-mừn này'', đồng tìm thấy sự dễ thương đáng yêu khủng khiếp trong cái dáng dỗi dằn, mặt xị ra và hai tay vắt sau lưng đây...'', Minh Trang thật thà chia sẻ.

Quả thật, không chỉ nữ MC mà bất kể ông bố, bà mẹ nào cũng từng phải trải qua giai đoạn khủng hoảng của con mình. Đang là một đứa trẻ ''gọi dạ bảo vâng'', bỗng một ngày con không thích thế, phải làm trái ý bố mẹ, thể hiện cái tôi và sở thích của mình. Nhưng khoan hãy mắng con vì đó là một trong những cách giúp con hình thành cảm xúc và phát triển tính cách của bản thân.

Chia sẻ thêm về cơn khủng hoảng của con, MC Minh Trang nói với mọi người: ''Quy tắc 3 giây chính là hít thở 3 nhịp, sau đó cũng cứ bơ thôi, càng xoắn con lại càng làm mình làm mẩy''.

Bố mẹ nên nhất quán và kiên quyết trong hành động và lời nói

Heather Steiger, một giáo viên tiểu học và là bà mẹ 3 con tại Mỹ đã từng chia sẻ: ''Dù rất tức giận và khó chịu nhưng bằng thái độ và lời nói kiên quyết nhất quán của mình, bố mẹ sẽ giúp cho con dần nhận ra con phải biết kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình''.

Tác giả trên cho biết: Tôi luôn cảm thấy tồi tệ khi các bậc cha mẹ rất dễ dàng nhượng bộ trước những lời than vãn và van xin của con cái. Họ nghĩ rằng mình đã giải quyết vấn đề phiền phức trước mắt nhưng lại không nhận thấy được họ sẽ phải đối mặt cả đời với những cơn tức giận và hành vi thao túng cảm xúc bởi những đứa trẻ ngọt ngào đáng yêu của mình.

Mới tuần trước tôi đi siêu thị và gặp phải trường hợp thế này. Một cô bé khoảng 4-5 tuổi muốn mua một chai nước trái cây vị anh đào nên đã liên tục nài nỉ mẹ tha thiết. Sau khi người mẹ từ chối, giải thích rằng ở nhà cô bé đã có rất nhiều đồ ăn vặt rồi, cô bé ngay lập tức thay đổi chiến thuật.

Nữ MC 4 con lần đầu kêu than bó tay trong việc dạy bé, vượt qua thời gian khủng hoảng bằng quy tắc 5 giây mà bố mẹ nào cũng nên học - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Đứa nhỏ bắt đầu gào khóc đến đỏ rực cả mặt mũi, lăn lộn và tuôn ra những lời nói về việc mẹ bất công thế nào, mẹ dữ dằn keo kiệt ra sao. Thật không nằm ngoài dự đoán. Người mẹ sau đó đành buông xuôi, buộc phải đồng ý cho con gái mua thứ mình muốn. Những giọt nước mắt và cơn giận của cô gái nhỏ đã biến thành nụ cười trong vòng chưa đầy một phút, xoay chuyển hoàn toàn tình thế.

Tôi cũng từng trải qua những màn trình diễn đầy kịch tính như vậy, cũng từng có lúc muốn nhượng bộ chỉ để "cho êm chuyện". Thế nhưng sau đó tôi đã phát hiện ra rằng, có những câu nói rất hiệu quả để đối phó với sự mè nheo của bọn trẻ mà tôi đã áp dụng thành công trong nhiều năm nay.

Lần tới nếu con bạn mè nheo và nài nỉ, bạn cũng nên thử sử dụng nhưng câu này. Nhưng nhớ rằng, một khi bạn nói "KHÔNG" thì phải có nghĩa là "KHÔNG" và cần có được sự nhất quán trong xuyên suốt quá trình.

Làm sao để trẻ ngừng ăn vạ khóc lóc chỉ với 5 câu đơn giản?

Dưới đây là gợi ý cho các bậc phụ huynh trong việc trả lời những thắc mắc trong giai đoạn khủng hoảng của trẻ.

1. "Câu hỏi đã được trả lời rồi"

Đây là câu mà tôi sử dụng nhiều hơn gấp 10 lần so với 4 câu còn lại. Thật sự nó có hiệu quả tuyệt vời như một phép màu.

Con: Mẹ ơi, con mua cái này được không?

Mẹ: Không, con yêu ạ.

Con: Nhưng mà con chưa có cái này ở nhà mà mẹ.

Mẹ: Câu hỏi đã được trả lời rồi.

Con: Mẹ không bao giờ mua gì cho con hết vậy?

Mẹ: Câu hỏi đã được trả lời.

Nếu con tiếp tục kiên trì hỏi, bạn vẫn tiếp tục cứng rắn cùng câu trả lời của mình như vậy thôi.

2. "Mẹ đã thảo luận xong vấn đề này"

Con: Mẹ ơi tối nay bạn Chip ngủ lại nhà mình có được không?

Mẹ: Không con ạ, bạn ấy đã ngủ lại đây vào cuối tuần trước rồi.

Con: Đi mà mẹ!

Mẹ: Mẹ đã thảo luận xong vấn đề này rồi, không nói lại nữa.

Và lúc này, bạn chỉ cần nghiêng đầu cười một cách nhẹ nhàng, rồi khoan thai rời khỏi đó, tiếp tục làm việc của mình.

Nữ MC 4 con lần đầu kêu than bó tay trong việc dạy bé, vượt qua thời gian khủng hoảng bằng quy tắc 5 giây mà bố mẹ nào cũng nên học - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

3. "Cuộc nói chuyện dừng ở đây"

Con: Con đạp xe ra ngoài chơi nhé?

Mẹ: Không được, trời đang mưa mà.

Con: Nhưng con mặc áo mưa, với lại mưa nhỏ xíu à.

Mẹ: Cuộc nói chuyện dừng ở đây.

Con: Đi mà mẹ, được không?

Mẹ: Câu hỏi đã được trả lời.

Hãy nhớ rằng, bạn điềm tĩnh và cứng rắn như đá. Con sẽ không thể dùng nước mắt để thao túng bắt bạn phải nhượng bộ được.

4. "Đừng nói lại chuyện này lần nữa"

Con: Con muốn đôi giày này cơ.

Mẹ: Nó đắt lắm, không cần thiết con ạ.

Con: Nhưng con không thích đôi giày kia.

Mẹ: Đó là đôi giày con sẽ mua. Đừng nói lại chuyện này nữa.

Con: Con cần đôi kia cơ.

Mẹ: Con tiếp tục nói nữa, bữa quà vặt tối nay của con sẽ mất luôn!

Đúng vậy, con có thể sẽ khóc lóc thảm thiết với câu trả lời này. Nhưng hãy nhớ rằng, để con có thể hiểu được vấn đề là một cuộc chạy đường dài, lý lẽ và sự nhận thức phải được thấm từ từ.

5. "Quyết định xong rồi. Nếu con còn tiếp tục hỏi nữa sẽ có hậu quả không hay đâu"

Con: Con muốn xem iPad.

Mẹ: Không, giờ ăn không được xem đâu.

Con: Nhưng con sẽ ăn hết phần và không làm dây bẩn ra máy đâu.

Mẹ: Quyết định xong rồi. Nếu con còn hỏi nữa sẽ có hậu quả không hay đâu.

Con: Con hứa mà. Đi mà mẹ!

Mẹ: Mẹ đã nói là không hỏi chuyện này nữa mà. Từ giờ đến sáng mai, con không được dùng iPad nữa nhé!

Hãy bình tĩnh đối mặt với những cơn giận dữ của trẻ, cho đến khi chúng nhận ra rằng, tức tối hay mè nheo ăn vạ cũng chẳng đi đến đâu. Đây là một phần của sự trưởng thành của trẻ. Con cuối cùng sẽ nhận ra rằng không gì có thể thay đổi suy nghĩ của bạn.

Và đây cũng là cách để giành được sự tôn trọng từ con, để con biết rằng có những thứ không thể vượt quá giới hạn, không thể đòi hỏi vô lý chỉ bằng nước mắt và thái độ xấu từ đó con có thể học cách kiềm chế ham muốn, cảm xúc và hành động của mình.

(Nguồn: Your Tango)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm