Mẹ 70 tuổi nhọc nhằn nuôi con và em chồng bị tâm thần trong ngôi nhà xập xệ

28/12/2018 - 11:15
Suốt 20 năm qua, người đàn bà nghèo đã nuôi em chồng và 2 đứa con mắc bệnh thiểu năng, tâm thần chỉ luôn đau đáu một câu hỏi vừa nghe đã thấy quá xót xa: “Lỡ tôi chết đi, ai sẽ là người chăm sóc. Chỉ cần O Lan và các con có cơm ăn, áo mặc mỗi ngày thôi!”.
Đến xóm 8, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, hỏi thăm về gia đình bà Nguyễn Thị Thu, ai nấy đều tường tận gia cảnh vô cùng đáng thương của họ. Nghe kể đã thấy tội nghiệp nhưng đến lúc gặp, mọi chuyện còn khiến chúng tôi ngỡ ngàng hơn.

 

Bước vào căn nhà tồi tàn tưởng như gió thổi cũng đủ khiến nó đổ sập bất cứ lúc nào, chúng tôi không khỏi thở dài. Gọi vọng vào, bà Thu bước ra với dáng người gầy còm, khuôn mặt khắc khổ. Ánh mắt nhìn xa xăm, bà Thu kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện thật buồn của đời mình.
 
Chồng qua đời đã 20 năm, để lại cho bà Thu gánh nặng với người em chồng khờ dại cùng hai đứa con bị bệnh thiểu năng và tâm thần trong căn nhà đổ nát. Mặc dù năm nay đã gần 70 tuổi nhưng hàng ngày bà Thu vẫn phải một mình gồng gánh chạy ăn từng bữa cho cả gia đình.
 
Người đàn bà 20 năm một mình nuôi em chồng và người con tâm thần: "Ước ao ngày nào cũng được đủ ăn, đủ mặc"
Đặt tên con là Nguyễn Quốc Đồng với mong muốn con luôn ngoan ngoãn, lớn lên có thể chia sẻ cùng bà những gánh nặng, vậy mà khi con chào đời, mọi hi vọng của bà dường như đều bị dập tắt. Căn bệnh tâm thần khiến anh Đồng nhận thức kém về mọi mặt.
 
Đã 30 tuổi, nhưng anh Đồng chỉ biết chơi những trò của trẻ con. Anh là người không bình thường bởi di chứng của chất độc da cam từ người cha quá cố. 10 tuổi, anh Đồng mới bắt đầu biết đi, u ơ vài tiếng. Ngoài anh Đồng, bà Thu còn có một đứa con gái là Nguyễn Thị Thơm cũng ngẩn ngơ chẳng kém. Thơm cứ dặt dẹo đầu đường xó chợ, thích đi lúc nào thì đi, về lúc nào thì về, đến bà Thu cũng chẳng biết bây giờ Thơm đang ở chỗ nào. Thi thoảng thấy Thơm về, rồi chưa kịp nhìn mặt con gái, Thơm lại bỏ đi. Còn O Lan (em chồng bà Thu) đã gần 60 tuổi nhưng cũng chẳng khôn ngoan hơn cháu của mình là bao. Lắm lúc, tưởng chừng như gục ngã trước số phận, nhưng nghĩ đến em chồng không nơi nương tựa, nghĩ đến những đứa con thiệt phận, bà Thu lại không cho phép mình yếu đuối.
 
“Ngoài O Lan ra, cả hai con tôi đều chịu thiệt chịu khổ. Đáng lẽ ra nó được đi học như bao đứa trẻ khác, giờ tôi phải chịu khổ để nuôi nó, chứ mai này tôi chết đi, thì không biết nó sẽ ra sao”, bà Thu nói.
 
Hàng ngày bà Thu vẫn ngậm ngùi chăm sóc người con trai tâm thần và cô em chồng đã 60 tuổi ngây dại
Ai sinh con ra mà chẳng mong chúng mạnh khỏe, có cơm ăn, việc làm và sống một đời hạnh phúc. Những điều ước tưởng bình dị nhưng với bà Thu hình như lại xa lắc. Những lần mang nặng đẻ đau để rồi cả đời bà phải day dứt khi hai đứa con, không ai được như người bình thường. Có những lúc, bà vẫn tự hỏi: Nếu mình không sinh con, biết đâu chúng sẽ bớt phải chịu khổ.
 
Từ khi về làm dâu nhà này, một mình bà Thu hết chăm chồng, em chồng, rồi đến những đứa con tật nguyền. Không ai chia sẻ nhọc nhằn cùng bà cũng chẳng có ai để bà trò chuyện cho vơi bớt nỗi đau. Bữa ăn chỉ có rau suông với cơm nguội, vậy nhưng như thế là quá đủ với gia đình bà lúc này. Bà chỉ cầu mong sao mình không ốm đau.
 
Bà Thu bùi ngùi: “Đôi bữa ốm nằm một chỗ nhưng cũng phải gắng dậy để nấu cơm cho O Lan và thằng Đồng ăn. O Lan bị tàn tật lúc nhỏ đến giờ, suốt ngày O cứ đi hết chỗ này đến chỗ khác. Có lần O đi lang thang rồi rơi xuống dưới bến sông, được người dân vớt về, may O còn sống. Giờ chẳng dám cho O ra khỏi cửa vì sợ O đi rồi không may chết ngoài đường không tìm thấy”.
 
Cánh cửa luôn được khóa chặt mỗi khi bà đi ra ngoài mưu sinh
Hàng tháng, chỉ có mấy trăm nghìn trợ cấp theo chế độ chất độc da cam của con trai nên bà Thu làm thêm rau muống để bán. Ở nông thôn, gần như nhà nào cũng trồng được rau nên bà cũng chẳng biết bán cho ai. Thi thoảng bà chỉ kiếm thêm được mươi nghìn đồng.
 
Chị Phan Thị Huyền, xóm 8, xã Lĩnh Sơn cho biết: “Hoàn cảnh bà Thu cực vất vả. Tờ mờ sáng lo hái rau đi chợ kiếm tiền về nuôi con, tối thì chẳng đêm nào được ngủ yên giấc vì O Lan với con trai cứ la hét. Đi đâu ra khỏi nhà bà đều phải xích mỗi người một góc để lúc lên cơn khỏi đánh nhau. Cửa thì khi nào cũng phải khóa vì sơ hở cái là O Lan với Đồng lại đi mất. Nhiều khi đi mất không tìm thấy, lại phải mượn bà con hàng xóm đi tìm. Nhà cửa thì xuống cấp, mỗi lúc mưa gió về là cứ thấp thỏm vì không biết đổ sập lúc nào.
 
Căn nhà quá ọp ẹp, một bức tường đã đổ sập hoàn toàn, những vết nứt trên tường ngày một dài hơn, nhiều hơn. Biết vậy nhưng bà Thu cũng đành bất lực. Với sức vóc của một bà già gần 70 tuổi thì việc chăm bẵm cho 2 người bị bệnh tâm thần, việc lo đủ cái ăn hàng ngày đã quá chật vật rồi. Việc sửa sang lại cái nhà là điều không bao giờ dám nghĩ đến với một người đàn bà suốt một đời cơ cực này.
 
Bà Thu buồn bã bảo rằng, bây giờ, ngay cả việc có một mâm cơm tươm tất, đầy đủ thịt cá cũng là một ước mơ xa vời với bà. Những điều tưởng như rất bình dị chỉ là lo có cơm ăn, áo mặc, với bà Thu lại là niềm khát khao, hy vọng. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm