pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ ám ảnh vì con nổi mẩn khắp mặt, tự cào đến chảy máu vì bị dị ứng đạm sữa bò
Chăm sóc và nuôi con nhỏ là hành trình hạnh phúc nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách. Đặc biệt là với các mẹ có con nhỏ bị ốm, mắc bệnh lại càng vất vả hơn nhiều. Trải qua nhiều năm chăm sóc con bị dị ứng đạm sữa bò, chị Nguyễn Phương (sống tại Vũng Tàu) đã vượt qua hành trình gian nan ấy.
"Ôi cái khoảng thời gian nghĩ tới ám ảnh. Để được 1 em bé Ken khá trộm vía về mọi mắt từ nhận thức, tình cảm, hoạt ngôn, vận động tinh, vận động thô... mình cùng Ken đã cố gắng vượt qua rất nhiều thử thách.
Có thời điểm Ken đã dị ứng rất nặng. Lúc đó lần đầu làm mẹ, kĩ năng chưa có, rất nhiều điều bỡ ngỡ khiến mình lo lắng. Mình thật sự hoang mang, cảm xúc tưởng chừng rơi xuống vực thẳm khi thấy con mới đỏ hỏn mà nổi chàm, ngứa khắp cơ thể mình mẩy, da mặt da bụng, lưng. Con ngày đêm khóc vì ngứa, vì da chảy dịch, thậm chí con ngứa cào theo bản năng đến cháy máu.
Lúc đó mình ước chừng sẽ thay con chịu những khó chịu đó. Mình cũng như các bà mẹ khác, luôn mong con khoẻ mạnh, bình an. Thấy con đau, người làm mẹ chỉ biết quặn lòng khóc theo, cố gắng làm đủ cách để kích sữa cho con, mẹ cũng kiêng phải kiêng cữ sợ con ăn trúng đạm bò lại ngứa và nôn ói", chị Phương chia sẻ.
Trải qua hành trình dài, bà mẹ trẻ đã đúc rút rất nhiều kinh nghiệm khi chăm con bị dị ứng đạm sữa bò. Hy vọng sẽ phần nào giúp các mẹ có cùng hoàn cảnh tự tin hơn và mạnh mẽ hơn khi chăm sóc con.
Dị ứng đạm sữa bò là gì?
Dị ứng đạm sữa bò là phản ứng miễn dịch của cơ thể trẻ với thành phần đạm trong sữa bò và những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò. Dị ứng đạm sữa bò có tỷ lệ mắc phải cao nhất trong các loại dị ứng thức ăn mà trẻ nhỏ hay gặp phải.
Dị ứng đạm sữa bò thường xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi trẻ sử dụng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa và tình trạng này hầu hết sẽ chấm dứt trước khi trẻ lên 3 tuổi. Dù vậy, khi chứng kiến con bị đau, nổi mẩn thì mẹ nào cũng rất lo lắng. Và nếu không được chăm sóc cẩn thận thì con rất dễ bị nặng hơn, gây nguy hiểm cho bé.
Dấu hiệu dị ứng đạm bò
Mỗi bé sẽ có 1 phản ứng tuỳ mức độ khác nhau, riêng Ken uống sữa bò thì ngay lập tức phun như mưa, kiểu phản ứng sốc phản vệ, kèm phân xấu, nhầy, nổi mẩn da bong tróc và ngứa rỉ dịch. Cái này gọi là phản ứng nhanh. Có mấy bạn phản ứng chậm thì 48 tiếng hoặc vài tiếng sau mới biểu hiện tuỳ cơ địa từng bé. Có bạn sẽ đi tiêu chảy, hoặc biểu hiện từ từ qua phân nổi mẩn.
Mỗi em bé sẽ có mỗi thể trạng dị ứng khác nhau. Có những bé bị nặng tới nỗi mình nhìn là khóc luôn vì thương các con, còn bé xíu mà đã phải chịu đau đớn như vậy. Mình đã cùng Ken trải qua thời gian kinh hoàng đó. Giờ không dám nhớ lại, nghĩ vừa xót con vừa phục bản thân mình.
Các thực phẩm cần tránh khi con bị dị ứng đạm sữa bò
Thời điểm Ken dị ứng, mình đã ăn kiêng ròng rã, thịt heo và rau thịt heo cứ ăn mãi như thế. Ngoài ra không ăn được gì khác kể cả dầu ăn đậu nành cũng không được.
Mình liệt kê các đồ cần tránh khi em bé dị ứng, và mẹ chỉ cho bú sữa mẹ thì mẹ nên tránh các thực phẩm như:
- Thịt bò và các chế phẩm từ sữa bò: các loại bánh ăn vặt, sữa chua, sữa tươi, phô mai, bánh đọc thành phần có sữa đều tuyệt đối không ăn.
- Dầu ăn nên ăn dầu gạo, không ăn các dầu từ hạt đậu nành.
- Trái cây gây mủ loang như cam, quýt... không nên ăn.
- Không nên ăn các loại nước mắm, nước tương.
- Các loại hạt, đậu, có tính nóng ( hạt điều, đậu phộng, đậu hà lan, đậu nành,…) cũng không nên có trong thực đơn hàng ngày.
Nhận biết con dị ứng loại nào
Nói về dị ứng nhiều loại lắm. Nếu muốn biết chắc chắn con mình dị ứng thành phần nào thì thường là sẽ làm xét nghiệm 60 dị nguyên. Tuy nhiên bác sĩ thường khuyên là dưới 1 tuổi làm kết quả cũng không chuẩn xác lắm chỉ mang tính chất tham khảo.
Khi các con dị ứng, cách tốt nhất là bú sữa mẹ và mẹ ăn kiêng. Sữa thuỷ phân thực sự rất khó uống, nó không chỉ hôi còn đắng nữa.
Chăm sóc con bị dị ứng?
- Chìa khóa của dị ứng là hãy dưỡng ẩm thật kĩ và thường xuyên cho con. Nó giúp bảo vệ da con đỡ khô còn thuyên giảm ngứa.
- Không nên tắm nước lá các loại, cơ bản lá cũng không đỡ hơn mà rửa không sạch hoặc lá chứa thuốc trừ sâu còn nguy hại hơn.
- Nên mua các loại sữa tắm không có bọt, sữa tắm dành cho em bé dị ứng.
- Không bôi các loại thuốc quảng cáo trị bách bệnh trên mạng lan truyền. Nhiều loại thuốc còn gây hại cho con.
"Để biết rõ nhất bệnh tình của con, các mẹ nên thăm khám và theo dõi bác sĩ chuyên ngành dị ứng da và đạm sữa bò để chăm sóc cho con sớm nhé. Mong các con luôn khoẻ mạnh, phát triển tốt, lớn khôn", chị Phương gửi gắm.