pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ bầu Long An tăng 31kg trong thai kỳ, không cho con ti mẹ vì tăng huyết áp
Đó chính là câu chuyện mang thai đầy chật vật của chị Nguyễn Mỹ Hạnh, 30 tuổi. Chị sinh ra và lớn lên ở Bố Trạch, Quảng Bình nhưng hiện đang sống tại Cần Giuộc, Long An.
Theo bà mẹ 30 tuổi này chia sẻ, chị là một phụ nữ trải qua 2 lần đò. Ở cuộc hôn nhân đầu, dù chung sống với chồng cũ suốt 7 năm nhưng cả hai đều không thể có với nhau một mụn con. Nguyên nhân do chị có kinh nguyệt không đều và cơ thể quá mập, nặng 86kg. Thêm nữa, chồng chị Hạnh còn ngoại tình nên chị quyết ly hôn.
“Sau khi chồng cũ lấy vợ mới thì mình cũng lấy chồng. Chồng mới chính là người yêu cũ, hai đứa học với nhau từ thời phổ thông. Sau ly hôn, cả mình và gia đình chồng cũ đều có tin bầu bí”, chị Hạnh cho biết.
Chị Nguyễn Mỹ Hạnh, 30 tuổi ở Cần Giuộc, Long An (Ảnh: NVCC)
Người vợ này cũng chia sẻ, sau 1 năm lấy chồng thì chị bất ngờ đón nhận tin vui mang thai. Ngày biết tin có bầu, vợ chồng trẻ đều vỡ òa hạnh phúc vì từ trước đến nay chị không bao giờ nghĩ mình có thể có con được.
“Mình mua 3 que thử vẫn cho 1 kết quả như nhau mà vẫn không tin nên phải đưa nhau đi viện khám. Do đi khám sớm nên phải đợi bệnh viện đến giờ mở cửa mới có thể vào siêu âm được. Lúc ấy, thai nhi trong bụng đã được 4 tuần tuổi. Biết có bầu, mình mừng quá nên khóc thút thít”, chị Hạnh nhớ lại.
Người phụ nữ Long An này cũng tiết lộ, lý do chị may mắn có bầu là do giảm cân. Lúc trước chị 86kg thì sau khi cưới lần 2, chị quyết định giảm cân xuống còn 72 kg và dính bầu luôn. Tuy nhiên suốt cả thai kỳ, chị Mỹ Hạnh lại tăng lên thêm 31kg.
Lúc chưa giảm cân chị Hạnh nặng 86kg.
Lúc giảm xuống 72kg thì chị Hạnh mới đột nhiên cấn bầu (Ảnh: NVCC)
“Tính đến 36 tuần mang thai thì mình tăng từ 72kg lên 103kg. Do tăng 31kg, người đã mập sẵn từ trước nữa nên đi lại rất nặng nề. Đã vậy dù mẹ tăng hơn 30kg mà con sinh ra cũng chỉ được 3,7kg”, bà mẹ trẻ thú nhận.
Đặc biệt, suốt cả thai kỳ Hạnh còn bị đái tháo đường và huyết áp cao nữa. Điều này khiến mẹ bầu 30 tuổi được bác sĩ quản lý thai kỳ rất nghiêm ngặt. Trung bình cứ 2 tuần chị Hạnh phải đi khám thai kỳ 1 lần.
“36 tuần mình phải mổ bắt con ra. Hôm ấy đầu giờ chiều nhập viện và 16h30 chiều bác sĩ đã cho lên mổ đẻ. 10h sáng hôm sau mình mới được về phòng gặp con mới sinh. Thời gian ở viện 6 ngày chủ yếu do một tay ông xã chăm vợ và con sơ sinh”, Hạnh kể.
Khác với những bà mẹ mới sinh được ôm ấp con thoải mái trong vòng tay thì trường hợp của Hạnh lại khác hẳn. Do bị huyết áp cao nên bác sĩ không dám cho Hạnh được trông con vì lo sợ bé khóc, mẹ lại lo lắng khiến huyết áp lên cao và tái phát.
Người phụ nữ này hy vọng, 3 tháng sau sinh thì tình trạng huyết áp và đái tháo đường của chị sẽ được kiểm soát (Ảnh: NVCC)
Sau khi xuất viện ở cữ, do không có sữa cho con bú nên con Hạnh ti bình và không chịu ti mẹ dù mẹ tích cực vắt sữa. Hơn nữa do sản phụ này còn uống thuốc huyết áp với tiêm trị đái tháo đường nên không cho con ti mẹ được. Bởi thế Hạnh nuôi sữa công thức hoàn toàn. Cũng may 1 tháng bé vẫn tăng được khoảng hơn 1kg.
“Mình còn có bà ngoại phụ nên mẹ con thường xuyên thay nhau bế cháu trên tay. Người nhà cũng hạn chế cho mình trông con hay cho con ăn vì sợ bé khóc nhiều mình bị nhức đầu và huyết áp lại tăng. Sau sinh, mình vẫn phải đi khám tái thường xuyên để kiểm soát bệnh tật”, chị Hạnh nói.
Chồng chị Hạnh hỗ trợ rất nhiều trong việc chăm sóc con ở viện và ở cữ sau sinh (Ảnh: NVCC)
Người phụ nữ này hy vọng, sau 3 tháng thì tình trạng huyết áp và đái tháo đường của chị sẽ được kiểm soát. Sau sinh, Hạnh cũng cố gắng ăn uống bình thường để giảm cân.
Tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ là hợp lý?
Câu trả lời là tùy mỗi người. Mức gia tăng cân nặng tùy thuộc vào cân nặng trước khi bạn có thai. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bạn có thể sụt cân do nghén. Vì vậy, người ta chỉ khuyến cáo cân nặng gia tăng trong 6 tháng sau.
Chỉ số BMI chia thành 4 nhóm: nhóm cân nặng lý tưởng (BMI 18.5 – 24.9); thiếu cân (BMI <18.5); nhóm dư cân (BMI>25) và nhóm béo phì (BMI >30). Mỗi nhóm cân nặng có mức tăng cân khuyến cáo khác nhau.
- Nhóm thiếu cân: cần tăng khoảng 13-18 kg trong thai kỳ. Mỗi tuần trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối tăng 0,45-0,6 kg - tức trung bình 500g/tuần.
- Nhóm cân nặng bình thường: cần tăng 11-16 kg trong thai kỳ. Mỗi tuần trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối tăng 0,36 - 0,45 kg - tức trung bình 400g/tuần
- Nhóm dư cân: cần tăng 7 - 11 kg trong thai kỳ. Mỗi tuần trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối tăng 0,23 - 0,32 - tức trung bình 300g/tuần
- Nhóm béo phì: cần tăng 5 - 10 kg trong thai kỳ. Mỗi tuần trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối tăng 0,18 - 0,27kg - tức trung bình 200g/tuần