Mẹ chăm sóc và nuôi dạy 2 con cực nhàn nhờ 5 bí kíp đơn giản

Thảo Hương
12/01/2023 - 09:32
Mẹ chăm sóc và nuôi dạy 2 con cực nhàn nhờ 5 bí kíp đơn giản
Các mẹ thử áp dụng những bí quyết này xem có hiệu quả không nhé.

Hành trình chăm sóc và nuôi dạy con vô cùng thiêng liêng, hạnh phúc nhưng cũng chứa đựng không ít vất vả, khó khăn. Từ khi sinh con, xung quanh người mẹ luôn rình rập nhiều nỗi lo sợ: con ốm, con còi, con biếng ăn, con khóc, con mè nheo... Chị Nhung (sống tại Hà Nội) tâm sự để vượt qua những điều ấy, bà mẹ trẻ đã tìm hiểu và định hướng cách dạy con, từ chăm sóc bé, ăn, ngủ, nuôi con không kháng sinh... Dưới đây là những bí kíp của bà mẹ trẻ, hy vọng sẽ giúp ích cho các mẹ:

1. ĐỌC SÁCH, BỔ SUNG KIẾN THỨC TRƯỚC KHI LÀM MẸ

Sách nuôi dạy con, sách thai giáo rất nhiều. Chỉ cần chọn cho mình 3 quyển sách gối đầu nếu bạn không có thời gian đọc nhiều. Hoặc các mẹ có thể chắt lọc thông tin từ các mẹ khác. Có nhiều cách để nạp kiến thức, điều quan trọng là hãy tranh thủ trang bị kiến thức mang bầu, nuôi con (như ăn dặm, vận động, các bệnh trẻ sơ sinh thường gặp và cách giải quyết). Chỉ khi bạn hiểu cơ bản vấn đề thì dù việc gì đến mình cũng bình tĩnh trải qua.

2. LÀ MỘT NGƯỜI MẸ LƯỜI

Mẹ lười là mấu chốt để nuôi con nhàn, thay vì mặc đồ cho con, đút ăn, tắm cho con, đi dép, đi giày, rửa bát... tất cả những việc chăm sóc bản thân hãy dạy cho con cách tự làm. 6 tháng đầu, em bé nhà mình tự ăn theo BLW, 10 tháng bắt đầu tập cầm thìa tự xúc, 15 tháng học tự đi dép, tự mặc quần áo, tự uống nước, ăn cơm, đi vứt rác, bỏ quần áo bẩn vào giỏ...

Mẹ lười nên con phải tự làm hết. Tất nhiên đôi khi mình chấp nhận phải dọn dẹp "bãi chiến trường" nhưng quan trọng là sau mỗi lần, chắc chắn trẻ học được nhiều kỹ năng. Mình đã bắt gặp bé 12 tuổi chỉ ngồi chờ mẹ đi dép, 4-5 tuổi vẫn phải ngồi chờ đút cơm... văn hóa "làm hộ" của ông bà bố mẹ, chỉ nuôi dưỡng nhưng em bé ỷ lại, thiếu trách nhiệm chăm sóc bản thân, sau đó bố mẹ lại bảo con "lười, không biết làm gì...". Hệ quả của việc chăm sóc thái quá của ông bà bố mẹ khiến bé bỏ qua hết các giai đoạn phát triển một cách lãng phí.

3. LÀ MỘT MẸ ĐOẢNG

Đó là một người mẹ không lo con đói khi bé không chịu ăn cơm, chăm cho con ra ngoài tiếp xúc không khí trong lành, cho con chơi với đất cát, tiếp xúc với trò mạo hiểm. Mẹ đoảng hay bày trò cho con trải nghiệm, làm tuổi thơ của con thêm nhiều kỷ niệm. Nhu cầu các bé cao, thỏa mãn đúng giai đoạn thì đảm bảo khủng hoảng lên 2, hay lên 3 đều không thành vấn đề. Chỉ cần "đoảng" và tin vào con, vậy là đủ rồi.

4. TIN, TRAO QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CHO CON

Tiềm năng của trẻ là vô hạn, hãy luôn tin tưởng con, vì mỗi 1 hành động đều có lý do của trẻ, chỉ là con đang học, đang thử nghiệm để tìm ra quy luật. Dù trẻ khóc, mè nheo, hay phản đối, chống đối thì cũng là chuyện bình thường. Đây cũng là cách nuôi dưỡng em bé mạnh mẽ quyết đoán, tự tin và kiên định. Vậy nên đừng vội lo lắng khi con đến thời kỳ biếng ăn hay khủng hoảng khóc ầm ĩ. Việc của bố mẹ là tìm hiểu và giúp con trải qua các giai đoạn 1 cách nhẹ nhàng, không ảnh hưởng đến tâm lý con.

5. LỊCH SỰ KHI GIAO TIẾP VỚI CON

Đây cũng là 1 mấu chốt để nuôi con nhàn, vì bạn không thể tạo nên những đứa trẻ biết thương lượng, nói năng nhẹ nhàng, nói lý lẽ trong khi bố mẹ luôn quát mắng, áp đặt và không tôn trọng con. Không ít bố mẹ than phiền con bướng, hỗn láo, cãi lại, cáu gắt.

Việc đầu tiên hãy nhìn lại bản thân mình trước, vì bạn là tấm gương con nhìn vào. Tính cách con cái cũng phản ánh phần nhiều tính cách của bố mẹ và những người sống cùng trẻ. Biết nhận sai, biết xin lỗi và biết cảm ơn với trẻ là điều người lớn nên làm. Trẻ là người lớn thu nhỏ, vậy nên tôn trọng, lịch sự với trẻ sẽ hình thành nên những đứa trẻ lý lẽ, giao tiếp tuyệt vời và có ý thức rất tốt.

"Mẹ đừng lo hay sợ hãi, thời gian ngồi lo lắng thì hãy chủ động tìm hiểu các vấn đề con gặp phải và tìm cách giải quyết trong yêu thương. Mẹ tâm an tự khắc nuôi con nhàn", chị Nhung nhắn nhủ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm