pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ chồng ở bẩn, ngồi lê đôi mách, làm cách nào từ chối khéo khi bà đòi chăm cháu mới sinh?
Nhiều người vẫn thường "cảnh báo" những chị em sắp sửa bước vào cuộc sống hôn nhân cần phải học cách đối diện với "cửa ải mẹ chồng". Dù có dễ tính đến mấy thì khi ở chung sẽ có rất nhiều mâu thuẫn xảy ra, khó mà lường trước được.
Những câu chuyện về mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đã được nói đến rất nhiều nhưng sức nóng của nó thì chưa bao giờ giảm. Giống như câu chuyện của một bà mẹ tên P.N (sống tại TPHCM) dưới đây khi cô rất khó chịu với cách sống của mẹ chồng và không muốn bà sang chăm cháu mới sinh. Thế nhưng, người mẹ này lại chưa biết làm cách nào để từ chối.
"Làm cách nào để từ chối khéo mẹ chồng đòi sang nhà chăm cháu mới sinh vậy ạ?
Mình và chồng ở riêng, cũng không xa nhà ông bà nội lắm. Mình sinh bé đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, thuê người hỗ trợ (giúp việc theo giờ, điều dưỡng chăm bé).
Mình không ác cảm gì với mẹ chồng nhưng có quá nhiều khác biệt về lối sống. Ví dụ:
- Bà không bao giờ rửa tay dù từ ngoài vào nhà, cầm tiền..., thức ăn sống chín để lẫn lộn. Đồ đi siêu thị về không phân loại mà nhét luôn bao nilon, dính cả bill tính tiền vào tủ lạnh. Quần áo giặt cũng không phân loại gì mà chỉ ném hết vào máy, đôi lúc thấy bà giặt đồ lót chung giày thể thao mà muốn xỉu ngang.
- Lối nuôi dạy kiểu chiều chuộng vô lý, em gái chồng mình dù 20 tuổi rồi vẫn bám mẹ, không làm được những việc cơ bản nhất như gấp quần áo, vệ sinh nhà cửa... Em qua nhà mình mà tự tiện lục thức ăn, ngồi ăn tỉnh bơ không có tí phép tắc gì mà bà cho là đáng yêu. Mình lo lối giáo dục của bà ảnh hưởng đến con mình, chồng mình có nói thẳng với bà là má dạy hư em gái rồi thì đừng làm tương tự với cháu nữa. Mà bà cho là đó là nói đùa.
- Mình phải quay lại công việc sớm, nhưng được làm online tại nhà, cần thời gian riêng để tập trung, mà mẹ chồng mình nói khá nhiều, muốn có người ngồi nghe, kiểu ngồi lê đôi mách. Mình lịch sự cắt ngang nhiều lần nhưng được một lúc là bà lại gõ cửa vào phòng riêng kiếm chuyện để nói.
Xin nói thêm là mình độc lập tài chính với nhà chồng, tháng nào cũng gửi thêm tiền cho ông bà tiêu, cốt cũng chỉ muốn yên thân.
Biết là bà thương con cháu nhưng nhiều thứ chỉ nên dừng lại ở mức độ quan tâm thôi không nên can thiệp sâu.
Nói thẳng quá thì sợ mích lòng, hóng ý kiến từ các ba mẹ kinh nghiệm", người mẹ chia sẻ.
Dưới phần bình luận, có 2 ý kiến trái chiều xảy ra. Trong khi một số người cho rằng nhân vật trong câu chuyện có phần quá khắt khe thì một số người khác cho biết đã khác biệt về quan điểm sống thì đúng là khó mà sống chung được. Ngoài ra, có người khuyên cách tốt nhất để nói chuyện với bà nên nhẹ nhàng, không làm phật ý như: "Mẹ có tuổi rồi ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Sang đây em bé mới sinh giờ giấc lung tung, đêm bà không ngủ được lại ốm ra đấy. Con còn khỏe con lo được".
Ưu điểm/nhược điểm của đứa trẻ ở với ông bà từ nhỏ
- Lợi ích của việc trẻ ở với ông bà:
+ Trẻ có cảm giác được chở che nhiều hơn (do ông bà chiều hơn bố mẹ).
+ Trẻ học được thói quen, tính cách tốt từ ông bà (nếu ông bà mẫu mực, có nhiều thói quen tốt).
- Nhược điểm của đứa trẻ ở với ông bà từ nhỏ:
+ Trẻ bối rối vì không biết theo ai. Bố mẹ dạy một đằng, ông bà dạy một kiểu.
+ Ông bà thường có xu hướng chiều chuộng cháu quá mức. Điều này khiến trẻ nảy sinh những tính cách và thói quen xấu.
Những điều cha mẹ nên làm?
- Không phó mặc con cái hoàn toàn vào ông bà
Ông bà chỉ đóng vai trò phụ giúp, chăm lo ăn uống, giúp đỡ phần nào trong việc chăm sóc trẻ. Bố mẹ vẫn là người có trách nhiệm hàng đầu đối với con. Trẻ luôn là tờ giấy trắng "hấp thụ" những tác động tiêu cực lẫn tích cực từ lời nói, hành vi, năng lượng của người chăm sóc hàng ngày.
Đến 10 tuổi, hầu như tính cách và những thói quen cơ bản của trẻ đã hình thành. Nếu bố mẹ phó mặc việc chăm sóc lẫn dạy dỗ trẻ cho ông bà, về lâu dài sẽ có khả năng trẻ không xem bố mẹ là tấm gương cũng không nghe lời bố mẹ nữa. Từ việc mất kết nối với bố mẹ, trẻ bắt đầu tỏ ra ương bướng, có hành vi sai trái hoặc thói quen xấu rất khó để sửa.
Ngoài ra, việc đẩy trách nhiệm cho ông bà hoàn toàn còn vô tình gieo vào tâm trí trẻ suy nghĩ vô trách nhiệm. Trẻ sẽ nghĩ bố mẹ là người sinh ra mình nhưng không quan tâm chăm sóc mình, sau này mình cũng sẽ như thế. Vậy là một cái vòng lặp lại tiếp tục diễn ra!
- Trò chuyện với ông bà về quan điểm nuôi dạy con và kiên định giữ vững lập trường
Tốt nhất là nên có một cuộc họp gia đình để bố mẹ chia sẻ quan điểm nuôi dạy con của ông bà. Nếu không, bạn có thể tìm cách để trò chuyện với ông hoặc bà, với người nào có tâm thế cởi mở hơn trong nuôi dạy trẻ.
Bố mẹ cũng nên nói rõ về những vấn đề liên quan đến chăm sóc con với ông bà. Ví dụ như không xem tivi trong lúc ăn cơm, không ăn bánh kẹo, bim bim trước bữa chính... Khi trẻ làm sai thì phải hướng dẫn chứ không quát mắng hay đòn roi, càng không bao che, dung túng để trẻ tiếp tục làm sai. Trò chuyện cởi mở trước về tất cả vấn đề sẽ giúp hạn chế xung đột (nếu có).
Thay vì chê trách ông bà không làm tốt việc chăm sóc cháu, bố/ mẹ có thể sử dụng chiêu "lạt mềm buộc chặt" như mua quà cho ông bà dù không phải dịp lễ Tết, nói lời cảm ơn ông bà đã vất vả chăm cháu. Hoặc cuối tuần đưa trẻ ra ngoài chơi để ông bà có thời gian nghỉ ngơi, nuôi dưỡng sở thích cá nhân của mình.
- Tạo dựng lòng tin
+ Có thu nhập tốt và đảm bảo điều kiện chăm sóc trẻ cơ bản nhất.
+ Đọc sách, học các khóa nuôi dạy trẻ và cho ông bà biết bản thân có đầu tư thời gian, công sức để làm cha mẹ tốt. Hoặc nếu được có thể cho ông/bà tham gia cùng các lớp học này.
+ Đặt ra ranh giới và giữ vững ranh giới về việc nuôi dạy trẻ. Ví dụ như là chỉ nhờ ông bà cho ăn lúc bố mẹ bận hoặc trông trẻ trong khi bố mẹ đi làm. Khi bố mẹ ở nhà thì ông bà nghỉ ngơi hoặc làm việc của mình. Việc dạy trẻ là nhiệm vụ của bố mẹ, đề nghị ông bà không can thiệp vào.
+ Nhiều thế hệ ông bà có quan điểm rất cởi mở, tiếp thu cái mới và tôn trọng lối sống cũng như quan điểm dạy cháu của con. Nếu ông bà thuộc tuýp như vậy, nhiệm vụ của bố mẹ là nhẹ nhàng bày tỏ ranh giới, các quy định chăm sóc và dạy trẻ trong gia đình và đề nghị ông bà tuân thủ là được.