Mẹ của 'chú lính chì' Thiện Nhân tiết lộ chuyện nuôi con không áp lực

06/07/2018 - 10:02
Nhà báo Trần Mai Anh - người được tạp chí Fober bình chọn là 1 trong số những phụ nữ có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam - hiện là mẹ của 3 cậu con trai đáng yêu, trong đó có cậu con nuôi Thiện Nhân. Hành trình nuôi 3 con của chị luôn đầy ắp tiếng cười và không áp lực.
Câu hỏi lớn: Con muốn trở thành người như thế nào?
Chị Mai Anh tâm sự, từ khi con còn nhỏ tới nay, chị chưa bao giờ kỳ vọng con phải đạt các giải học sinh giỏi thành phố, quốc gia hay đơn giản là con ở trong nhóm đứng đầu lớp. Không phải vì chị “coi thường” các danh hiệu này, mà chị muốn nhìn thấy những điều khác ở con mình hơn.
 
Thiên Minh (Minh lớn) từng học chuyên toán ở cấp 1, 2. Sau đó, Minh được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi. Một ngày, chị nhìn thấy con mướt mải ôn luyện tới sắp kiệt sức, chị chẳng thấy tự hào mà thương con nhiều hơn. Thế là, chị đã xin rút con khỏi đội tuyển, trong sự luyến tiếc của thầy cô giáo và ngỡ ngàng của nhiều cha mẹ học sinh. Chị tâm sự: “Đến bây giờ, tôi vẫn không hối tiếc vì mình đã làm như vậy”.
 
“Điều khác” mà chị muốn nhìn thấy ở các con, chính là các con được vui tươi, luôn tự chủ và được làm những gì con muốn. Chị nói với con: “Không phải con học xong phổ thông thì phải vào trường đại học nào mà là lớn lên con muốn trở thành người như thế nào thì điều đó mới quyết định hướng đi của con”.
 
Các con của chị Mai Anh muốn sau này có sự nghiệp, được nhiều người yêu mến và có thể giúp đỡ người khác. Chị phân tích, muốn vậy thì các con phải có kiến thức, có khả năng kiếm tiền để tự lo thân, không nhiều nhưng cũng không ít quá thì mới có thể giúp đỡ mọi người. Chị không ép con học nhưng vì mục tiêu đó mà các con chị luôn biết mình cần phải làm gì và không nên làm gì.
 
1_59491.jpg
Chị Mai Anh và các con 

 

Bà mẹ Mai Anh không ra một lộ trình cố định cho con rồi buộc mấy mẹ con phải đi theo. Vì thế, các con chị được tự chọn con đường vào đời của mình. Chị chỉ lắng nghe và chia sẻ cùng con. Năm Minh vào cấp 3, mẹ muốn Minh học tiếng Đức để sau này du học Đức.
 
Ấy thế nhưng Minh khi đã học khá tốt tiếng Đức rồi thì một ngày lại nói với mẹ rằng, muốn chuyển sang du học một nước khác với lý do Minh cảm thấy ở nước đó con người được tôn trọng. Và mẹ đã đồng ý dù Minh phải bắt tay lại từ đầu. Bởi với chị đó là mong muốn của con, cuộc sống của con chứ không phải của chị.
 
“Mình chỉ chần chừ trong hai trường hợp, một là quyết định đó có gây chết người không và ngược lại, quyết định của người khác có khiến mình chết không. Nếu không thì mình có thể thay đổi”, chị chia sẻ.
 
Dạy con sống lạc quan
Chị Mai Anh cũng không bao giờ đổ áp lực lên các con của mình. Chị tâm sự: Thực ra, trong mấy mẹ con, về lý, bé Thiện Nhân (cậu bé bị thú cắn mất một chân và bộ phận sinh dục sau khi bị mẹ đẻ bỏ rơi từ lúc mới chào đời) mới là người phải chịu áp lực chứ không phải chị. Thiện Nhân bị thiếu hụt một phần cơ thể, rồi lại ở với người không sinh ra mình, phải đối diện với kỳ thị và cả việc được nhiều người biết tới sau này.
 
Mai Anh nhớ lại: Một lần, hồi học mẫu giáo, Thiện Nhân về kể với tôi là có người nói con bị cụt chân. Thay vì truyền cho con suy nghĩ người đó thật ác khẩu, tôi lại tươi cười bảo: “Thì con đúng là cụt chân còn gì. Người ta nói con có hai chân mới lạ. Con thấy không, tuy có một chân nhưng con lại đi nhanh vun vút, trong khi có bạn mẹ vẫn bế vào tận lớp”. 
5_132926.jpg
Thiện Nhân (giữa) và các anh
 
Cùng một sự việc, chị luôn dạy các con nhìn nhận bằng ánh mắt lạc quan hoặc là chọn cách nào ít phải đau đớn hơn. Khuyết tật cơ thể khiến Thiện Nhân phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, trong đó có việc mổ kéo dài chân để nối xương giúp sau này con có thể đi chân giả. Tuy nhiên, nếu quyết định vậy thì con sẽ phải trải qua nhiều đau đớn. Cuối cùng, mấy mẹ con quyết định Thiện Nhân sẽ không phẫu thuật bởi đẹp hay xấu là do cách nhìn của mỗi người. Nếu với đôi chân hiện nay, Thiện Nhân cho là đẹp thì vẫn sẽ là đẹp.
 
“Tôi mừng là Thiện Nhân luôn hạnh phúc, yêu đời. Thiện Nhân biết mình được mẹ và các anh yêu rất nhiều. Nhưng con cũng tự tin nghĩ rằng, mẹ yêu mình như vậy, ắt hẳn mình cũng phải đáng yêu lắm”.
 
“Mình thường nói với các con hãy tiết kiệm cả đau khổ. Nước mắt chỉ nên rơi trong trường hợp thật cần thiết. Tại sao chúng ta cứ phải khóc vì những chuyện vặt vãnh vì rõ ràng khóc làm ảnh hưởng tới sức khỏe. thay vào đó, hãy cười lên, yêu người, yêu đời” , chị Mai Anh chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm