Chị Thanh Tâm kính mến!
Mẹ em mới mất cách đây 5 tháng. Ba mẹ sống với nhau tính đến nay đã hơn 30 năm. Không may, chung sống được hơn 10 năm, có 2 đứa con thì mẹ mắc bệnh nan y, ốm đau liên miên.
Ba em kinh doanh hàng xa xỉ phẩm có tiếng, nhiều người biết chuyện gia đình em đều muốn chen chân vào. Mẹ ốm yếu, không thể chăm sóc cho ba nên cảm thấy rất có lỗi. Mẹ tìm cho ba bà nhỏ. Cô ấy ở quê, ít học, vào nhà em làm "mẹ bé", cuộc sống nhiều đổi khác, không phải lo đến cơm ăn áo mặc, có người giúp việc chăm mọi sự.
"Mẹ bé", sau khi có một con trai với ba thì càng ngày càng làm quá, muốn thế chỗ mẹ em, làm vợ chính thức. Ba em đương nhiên không đồng ý, vì ba đã hứa chăm sóc mẹ cả đời. Ba luôn nhớ, thủa ba còn cơ hàn, mẹ đã ở bên hỗ trợ ba, chịu khổ vì ba ra sao để ba có ngày hôm nay. Ba không bỏ mẹ, ngược lại luôn bên mẹ cho đến ngày mẹ mất.
Ngoài việc thường xuyên lấn lướt mẹ em, "mẹ bé" do chỉ ở nhà ăn chơi nên nhàn cư vi bất thiện, sinh thói cờ bạc. Ba nhiều lần đã phải đi trả nợ cho mẹ mà mẹ vẫn chứng nào tật nấy. Tuy vậy, chúng em luôn giữ lễ phép và tôn trọng mẹ. Đối với chúng em, "mẹ bé" vẫn là mẹ, là người chung sống với ba em và cũng là người mà mẹ em đã tin tưởng lựa chọn.
Sự việc thực sự mệt mỏi chỉ xảy ra gần đây, khi mẹ em mất. Mẹ em vừa qua đời, đất còn chưa xanh cỏ, mẹ bé đã muốn tổ chức đám cưới với ba để danh chính ngôn thuận làm vợ chính thức.
Đến hôm vừa rồi, ba em họp gia đình, tuyên bố là muốn làm đám cưới. Ba em và 2 mẹ con "mẹ bé" khá vui vẻ, riêng 2 chị em em thì rất sốc. Mẹ em mới mất có 5 tháng, ba đã định làm hỉ sự. Hai đứa khuyên ba thì bị ba mắng. Ba nói khắp nơi còn ai không biết "mẹ bé" nữa. Làm thế chẳng qua là cho mẹ bé chút danh phận, bù đắp thiệt thòi bao năm.
Chúng em thực sự không biết phải khuyên ba như thế nào. Xin chị cho em lời khuyên.
Ngọc Anh (Q.1, TPHCM)
Ngọc Anh thân mến!
Nỗi đau mất người mẹ ruột chưa nguôi ngoai, ba em và mẹ bé đã muốn tổ chức hỉ sự, các em muốn ngăn cản cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nghe em chia sẻ, có thể thấy ba em thực sự rất trân trọng mẹ của các em. Việc ba em có quyết định như vậy, có lẽ, như ba nói, xuất phát từ mong muốn bù đắp thiệt thòi của mẹ bé bao năm. Và có thể, mong muốn ấy đã nhất thời làm ba em chưa suy nghĩ thấu đáo đến những ảnh hưởng của việc mình định làm. Điều đó có nghĩa cần một ai đó khơi gợi những khía cạnh ba em chưa thấy rõ ấy. Người đó không ai hợp hơn là người mà xưa nay ba em thường tôn trọng, lắng nghe ý kiến. Họ có thể truyền đạt những tâm tư của các em đến ba một cách thuyết phục hơn cả.
Người ta nói tang gia bối rối. Nhiều khi trong những lúc như thế, chúng ta lại dễ làm những việc bình thường chẳng bao giờ làm. Nhưng tin rằng, với sự tôn trọng mà từng người trong gia đình em đã có với nhau xưa nay, mọi người sẽ sớm tìm được tiếng nói chung để có thể đều được thoải mái và không ghi thêm trong lòng những tổn thương.