pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Mẹ đỡ đầu” của 22 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn
Bà Nguyễn Thị Đông (thứ 4 từ phải sang) trao tặng kinh phí đỡ đầu trẻ em mồ côi thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ (Hưng Yên).
Tôi may mắn khi được đồng hành cùng bà Nguyễn Thị Đông - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoa Lan (xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, Hưng Yên), đến thăm, trao quà, nhận đỡ đầu 22 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Tôi tận mắt chứng kiến những giọt nước mắt xúc động, nghẹn ngào của những người mẹ, người bà, trẻ mồ côi khi nhận được sự sẻ chia từ tấm lòng hảo tâm ấy.
Bước sang tuổi 76 nhưng trông bà Đông trẻ hơn tuổi rất nhiều. Khuôn mặt phúc hậu và tấm lòng nhân ái, đôi chân khỏe mạnh, bà Đông vẫn có mặt tại nhiều thôn xóm, đến với những mảnh đời thiếu may mắn.
Chúng tôi đến gia đình cháu Đào Thị Mai Lan, ở thôn Phán Thủy, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Trong căn nhà lụp xụp, không có gì đáng giá, bà nội cháu đang vật vã trong cơn đau của căn bệnh ung thư, mẹ cháu mất mấy năm nay, bố cháu vừa câm vừa điếc, không có việc làm ổn định, ba bố con ở cùng với bà nội, gia đình thuộc hộ nghèo. Không cầm lòng trước hoàn cảnh éo le của gia đình cháu Lan, bà Đông vừa tặng quà, trao bảo trợ cho cháu, vừa tặng tiền cho bà nội cháu mua thuốc, vừa đề nghị gia đình đưa bố cháu lên làm việc tại công ty của bà để có thu nhập ổn định nuôi gia đình…
Theo chân các chị ở Hội LHPN huyện Phù Cừ (Hưng Yên), chúng tôi cùng bà Nguyễn Thị Đông đến thăm gia đình cháu Nguyễn Hải Đường, sinh năm 2014, học lớp 2, ở thôn Đình Cao, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ. Năm 2016, bố cháu Đường mất vì bệnh ung thư, hai mẹ con chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Cháu bị sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh, đã mổ một lần năm 2019 nay cần phải mổ lại lần 2 nhưng chưa có kinh phí thực hiện.
Còn cháu Đặng Thùy Dương, thôn Cầu, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang sinh năm 2011, năm cháu lên 3 tuổi thì mẹ mất do tai nạn giao thông. Hiện cháu đang học lớp 5 trường Tiểu học Vĩnh Khúc, sống cùng bố và anh trai nhờ đồng lương công nhân ít ỏi của bố, cuộc sống rất khó khăn.
Đó là hoàn cảnh của 3 trong số 22 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được bà Nguyễn Thị Đông - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoa Lan nhận đỡ đầu với số tiền hỗ trợ 500.000 đồng/1 cháu/1 tháng.
Bà Đông đã đến từng nhà, thăm, tặng quà, động viên các cháu và gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống và bà cam kết sẽ luôn ở bên, đồng hành, hỗ trợ các cháu và gia đình không chỉ là số tiền hỗ trợ hàng tháng mà cả những lúc ốm đau nằm viện, hỗ trợ các cháu đồ dùng, quần áo, sách vở bút… để đến trường.
"Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Mẹ tôi là một phụ nữ rất nhân hậu, có ít tiền dành dụm được, mẹ tôi thường đong thóc về cất trữ. Đến mùa giáp hạt, dân đói kém, mẹ tôi lại đem thóc ra xát thành gạo, chia cho người nghèo. Tôi học từ mẹ những việc làm nhân văn đó, nên tôi thường dành tiền làm nhiều việc thiện. Từ năm 2012 đến nay, hàng năm tôi bảo trợ gần 200 phụ nữ trẻ em mỗi tháng 1 yến gạo trị giá 200.000 đồng/người/tháng. Khi Hội LHPN tỉnh Hưng Yên phát động Chương trình Mẹ đỡ đầu các trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, tôi hưởng ứng ngay. Tôi còn vận động thêm bạn bè là những chủ doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện chương trình", bà Nguyễn Thị Đông chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình cách mạng ở huyện Ân Thi (Hưng Yên), thuở nhỏ bà đã chứng kiến và nếm trải những khó khăn, vất vả của người nông dân vùng quê chiêm trũng. Lớn lên, bà theo bố mẹ lên Hà Nội học tập và may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ. Những hình ảnh, những lời dạy bảo ân cần của Bác đã thôi thúc bà suốt thời gian đi học. Những năm tháng chiến tranh gian khổ phải đi sơ tán, biết bao khó khăn, thiếu thốn, bà vẫn miệt mài đèn sách, chăm chỉ học tập với ước mơ trở thành nhà khoa học. Bà đã tốt nghiệp hai trường đại học với hai tấm bằng: kỹ sư hóa học và cử nhân ngoại ngữ.
Tốt nghiệp đại học, bà về công tác tại Tổng Cục đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ. Bà tích cực học hỏi đồng nghiệp, say sưa nghiên cứu khoa học, quản lý, hướng dẫn nhiều công trình nghiên cứu, đề tài tiêu chuẩn hóa của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Y tế. Bà đã tích lũy được rất nhiều kiến thức, những bài thuốc, dược liệu quý, kinh nghiệm trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm với sức khỏe của con người. Bà đã nghiên cứu thành công một số đề tài có giá trị ứng dụng cao.
Sau khi nghỉ hưu, năm 2003, từ ý tưởng sản xuất hóa chất chiết xuất từ thảo dược thân thiện với môi trường, bà đã được lãnh đạo tỉnh Hưng Yên mời về đầu tư phát triển cho tỉnh, đây cũng là ý nguyện của bà được trở về quê để đóng góp một phần nhỏ bé xây dựng quê hương.
Bà đã thành lập Công ty Cổ phần Hoa Lan đóng trên địa bàn xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang do bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc. Với những kiến thức tích lũy được trong suốt 34 năm công tác, bà tiếp tục quá trình nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, tác động tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bà đã tuyển một số công nhân là con em gia đình khó khăn, gia đình có đất chuyển đổi sang công nghiệp, kể cả một số lao động khuyết tật đến làm việc ở công ty. Bà đã quan tâm xây dựng hàng nghìn m2 nhà tập thể có phòng ở khép kín cho cán bộ, công nhân viên ở xa đến làm việc, trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết. Người lao động luôn yêu mến bà, gắn bó với công ty như mái ấm thứ hai của mình.
Say mê nghiên cứu khoa học, tham gia các hội thi sáng tạo trong nước và quốc tế và đạt nhiều giải cao, có những giải thưởng lên tới hàng chục ngàn đô la, bà Đông đều dành những giải thưởng đó cho công tác từ thiện, chăm lo cho người nghèo. Bản thân bà cũng vận động chồng con luôn thực hành tiết kiệm, chi tiêu, sinh hoạt vừa đủ để dành tiền làm từ thiện vì "vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ, bất hạnh, kém may mắn…".
Bà đã vận động các cổ đông của Công ty trích một phần lợi nhuận để làm từ thiện như trợ cấp hàng tháng cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, tặng sổ tiết kiệm, bảo hiểm y tế, tặng quà cho các trường mầm non, tặng học bổng cho trẻ em nghèo, tặng bê sinh sản cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Hoạt động của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh Hưng Yên đều được bà tích cực tham gia ủng hộ cả vật chất và tinh thần. Nhìn những nụ cười, những giọt nước mắt xúc động của trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, những người phụ nữ kém may mắn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của bà Nguyễn Thị Đông, ai cũng thấy ấm lòng, trân trọng và biết ơn bà.
Tôi thầm ước trên dải đất hình chữ S và ngay trên quê hương đất nhãn sẽ có thêm nhiều doanh nhân, nhà khoa học, người thành đạt có tấm lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với cộng đồng như bà Nguyễn Thị Đông để chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp.