3 tuổi nhưng bé Tom nói gì không ai hiểu. Chị Đoàn Minh Thu (mẹ bé Tom) vừa nghe con nói vừa đoán chữ, nhiều lúc không hiểu lại phải “cầu cứu” đến cậu con trai 6 tuổi. Còn người ngoài thì gần như không nghe được gì. Chính vì nói quá ngọng không ai hiểu nên cậu bé rất hay khóc lóc, ăn vạ. Bởi cậu muốn gì, cần gì, chẳng ai biết mà đáp ứng.
Lẽ ra, thấy con như vậy, chị Thu phải cho con đi khám để có phương pháp chữa bệnh nói ngọng cho con. Hay ít ra, hàng ngày, chị Thu phải dạy con tập nói để con bớt ngọng, nói chuẩn hơn. Thế nhưng, dạy con được đúng một ngày, chị đã cảm thấy nản. Con ngọng vẫn hoàn ngọng, con nói không ai hiểu cũng mặc kệ, chỉ cần mẹ đoán được con nói gì là được.
Nói tiếng Việt chưa tròn vành rõ chữ như vậy, thế nhưng, sợ con qua giai đoạn vàng để học tiếng Anh như nhiều trung tâm quảng cáo, chị Thu liền ép con học tiếng Anh.
Tối nào cũng vậy, chị mở các chương trình tiếng Anh cho trẻ em và yêu cầu con học từ 1-2 tiếng. Đó có thể là những bộ phim hoạt hình, bài hát tiếng Anh nên… không khó để cậu bé chăm chú, thích thú. Thỉnh thoảng, chị bắt con đọc theo những từ trong chương trình đó. Vì ngọng, nên tiếng Anh mà bé đọc theo cũng chẳng ai nghe được.
Cho con học tiếng Anh sớm đang là xu hướng của rất nhiều bà mẹ hiện nay. Thế nhưng, trẻ nói ngọng mà mẹ không dành thời gian chỉnh sửa cho con, ép con học tiếng Anh để theo kịp xu hướng như chị Thu thì thật “ngược đời”.
Chị Thu Hồng, giáo viên tiếng Anh tại Mỹ, khuyên các bà mẹ hãy chờ các bé thông thạo tiếng Việt thì hãy cho học thêm một ngoại ngữ. Bởi, tiếng Việt là ngôn ngữ nền tảng, là hệ quy chiếu khi các bé học tiếng Anh hay ngôn ngữ thứ hai. Những gì các bé học được ở tiếng Việt sẽ là kiến thức nền tuyệt vời khi học tiếng Anh cũng như ngôn ngữ khác.
Có rất nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định kiến thức ở tiếng Việt sẽ chuyển đổi và ảnh hưởng tích cực đến việc tiếp nhận và học tiếng Anh. Tức là học tiếng Việt và kiến thức bằng tiếng Việt giỏi thì việc học tiếng Anh và kiến thức bằng tiếng Anh cũng dễ dàng thuận lợi hơn rất nhiều.
Chưa kể, việc chị Thu để con 3 tuổi ngồi trước máy vi tính từ 1-2 tiếng mỗi tối sẽ rất có hại cho trẻ. Trẻ đi học cả ngày, buổi tối cần được chơi, chuyện trò với bố mẹ thì “thời gian vàng” này lại phải làm bạn với máy tính để “nhồi” ngôn ngữ mới. Cũng chỉ vì quá “sính” tiếng Anh mà chị Thu bỏ lỡ cơ hội cho con học ngôn ngữ mẹ đẻ chuẩn xác và thông thạo.