pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ Hà Nội 27 tuổi đi sinh thường, vừa khám xong bác sĩ lập tức cho vào phòng mổ
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành (Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất) cho biết, các bác sĩ tại viện vừa mổ cấp cứu thành công cho một sản phụ ở xã Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội), điều đặc biệt của ca mổ này đó là bé gái chào đời với dây rốn thắt nút.
Theo bác sĩ Thành, sản phụ tên Nguyễn Thị Liên (27 tuổi), đang mang thai tuần thứ 40 và đây là lần sinh con thứ 4 của chị Liên. 3 lần sinh trước, chị Liên đều sinh thường và rất thuận lợi.
Trong lần sinh con thứ 4 này, dù chưa có cơn chuyển dạ nhưng đã đến ngày dự sinh nên sản phụ đến BV Thạch Thất để đăng ký sinh thường. Tại đây, sau khi thăm khám, siêu âm, các bác sĩ nhận thấy có hình ảnh dây rau thắt nút.
Ngay lập tức bác sĩ Nguyễn Tiến Thành quyết định mổ cấp cứu cho sản phụ trong đêm. Với sự phối hợp liên khoa Sản, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức ca mổ đẻ đã diễn ra thành công, một bé gái nặng 3.3kg cất tiếng khóc chào đời với vòng dây rốn thắt nút.
Theo bác sĩ Thành, việc dây rốn thắt nút nếu không được phát hiện kịp thời sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: suy thai, ngạt sau sinh, thậm chí là lưu thai.
Hình ảnh dây rốn thắt nút vừa được các bác sĩ BV Đa khoa huyện Thạch Thất mổ cấp cứu thành công. Ảnh: BSCC.
Trước đó, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng tiếp nhận một sản phụ sinh thường và bé trai sau khi chào đời có dây rốn thắt nút. Cả sản phụ và bác sĩ cũng đều không hề biết trước tình trạng này, may mắn em bé chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2.9kg.
Bác sĩ Bùi Chí Dũng (Khoa Phụ A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, dây rốn thắt nút là tình trạng hiếm gặp và rất khó phát hiện trên siêu âm. Trường hợp bé trai vẫn chào đời an toàn là điều rất may mắn, bởi chỉ cần dây rốn siết chặt hơn một chút nữa thì khả năng thai lưu rất cao.
Theo bác sĩ Dũng, dây rốn thắt nút sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình mang thai và chuyển dạ do thai nhi không được cung cấp các dưỡng chất cần thiết. Mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt lỏng hoặc chặt của dây rốn. Nếu dây rốn thắt chặt thì tuần hoàn của thai nhi sẽ bị cản trở, em bé có thể tử vong ngay trong bụng mẹ.
Được biết, dây rốn thắt nút là do trong quá trình thai nhi cử động, vô tình di chuyển qua các vòng cung của dây rốn tạo thành nút thắt. Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ dây rốn thắt nút: Dây rốn quá dài; thai phụ đa ối; Kích thước thai nhi nhỏ; Thai nhi là bé trai (hiếu động); Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ; Thai phụ mang song thai 1 túi ối; Thai phụ có chọc dò ối thai kỳ; Thai phụ từng sinh nhiều; Thai phụ dùng các chất kích thích khi mang thai.
Bác sĩ Dũng cho rằng, khi phát hiện dây rốn thắt nút, không có cách nào để tháo nút thắt này, do vậy việc theo dõi cử động thai đóng vai trò quyết định trong công tác cấp cứu dây rốn thắt nút và đảm bảo an toàn cho em bé.
Vị bác sĩ này khuyến cáo, phụ nữ khi mang thai nên đi khám thai định kỳ để đánh giá sức khỏe thai. Đặc biệt, trong thai kỳ, thai phụ theo dõi cử động của thai nhi bằng monitor thường quy từ 36 tuần. Theo dõi sát tim thai trong chuyển dạ bằng máy monitor có thể phát hiện rất sớm trường hợp suy thai để đưa ra hướng xử trí kịp thời, giúp em bé sinh ra khỏe mạnh.
* Tên sản phụ trong bài đã được thay đổi