Không sống cùng bố mẹ, những vấn đề về tâm lý của con càng trở nên nặng nề. Ảnh minh họa |
Những năm con học mẫu giáo, chị Bình đã thấy cậu con trai không hòa đồng với các bạn như những đứa trẻ khác. Đi học, con thường xuyên bị “tố” là đánh, cắn và cào xước má bạn. Lúc đó, chị đơn giản nghĩ, con trai tính hung hăng nên dễ có phản ứng mạnh với các bạn mà con không thích.
Ngày con học mẫu giáo, dù chị bận việc nhưng vẫn có thể gửi con muộn được. Con lên lớp 1, việc đón muộn thường xuyên là không thể. Công việc của hai vợ chồng đều bận, ai cũng mải mê lo sự nghiệp nên quyết định gửi con về quê nhờ ông bà ngoại nuôi, nhờ dì là giáo viên tiểu học kèm con học. Họ nghĩ, đó là phương án tốt nhất cho con và cho cả bố mẹ.
Sau 1 năm gửi con về quê, người dì trả lại con cho vợ chồng chị. Bởi, những vấn đề về tâm lý của con ngày càng biểu hiện nặng nề. Cậu bé thường xuyên đánh bạn và hầu như chỉ lủi thủi chơi một mình. Với người lớn, nếu ai “nói xấu” gì cậu, cậu dễ dàng dùng vật gì đó đánh lại.
Điều đáng lo là cậu không dễ quên mà thù rất lâu những người đã làm cậu phật ý. Cứ lúc nào có thời cơ, cậu lập tức đánh người đó dù sự việc xảy ra đã rất lâu. Cậu cô độc, không gần gũi, tình cảm với ai, kể cả ông bà khiến người dì rất lo.
Con sống cô độc trong thế giới của riêng mình. Ảnh minh họa |
Đón con về, vợ chồng chị cảm thấy hoang mang thật sự. Giờ chị cảm thấy ân hận vì sự phó mặc việc nuôi dạy con cho người khác. Chỉ vì muốn dành thời gian kiếm tiền, chỉ vì muốn không bận bịu, không phải quát tháo khi dạy con học nên giờ chị lãnh đủ... hậu quả từ việc "bỏ bê" con.
Chị không biết, ông bà sẽ yêu thương con theo cách của những người ông, người bà. Họ chăm sóc cháu bằng tất cả tình thương nhưng xét về trách nhiệm nuôi dạy con thì chỉ có cha mẹ mới là người quan trọng nhất quyết định việc này. Chỉ có cha mẹ mới là người mà đứa trẻ cần nhất và cũng chỉ cha mẹ mới đủ nhạy cảm biết rõ con mình đang gặp vấn đề gì về tâm lý. Vợ chồng chị không biết rằng, vì thiếu tình thương yêu của cha mẹ, rất nhiều đứa trẻ trở nên trầm cảm, tự kỷ.