Mẹ không đọc sách, con cũng khó có tình yêu với sách

Minh Anh
27/05/2020 - 18:52
Mẹ không đọc sách, con cũng khó có tình yêu với sách
“Để thúc đẩy văn hóa đọc, cái nôi gia đình rất quan trọng. Nếu người mẹ không đọc sách, con cũng khó có tình yêu với sách” – bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện chia sẻ.

Ngày 27/5, Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTT&DL (Vụ Thư viện) với NXB Phụ nữ Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời trong phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng đã diễn ra tại Hà Nội. 

Tại sự kiện, bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện đã chia sẻ câu chuyện về văn hóa đọc khiến những người có mặt xúc động.

Bà Thúy Ngà cho biết, đầu năm nay, trong chương trình Hội chợ Tết 0 đồng dành cho người nghèo tổ chức tại Công viên Thống nhất (Hà Nội), mỗi người thụ hưởng được phát thẻ để tự chọn quà. Bà gửi đến 200 quyển sách để làm quà tặng tại Hội chợ, thế nhưng chỉ đến khoảng 10h thì sách đã được chọn hết. Bà đi về cơ quan lấy ra thêm 60 cuốn, nhưng chưa được tiếng đồng hồ cũng hết sạch, khiến bà lại tiếp tục "tiếp tế" thêm sách.

Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng - Ảnh 1.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện

Bà Thúy Ngà nói, bà cảm thấy rất vui khi giữa các món quà vật chất thiết thực, sách vẫn được lựa chọn. "Trong 1 buổi sáng, gần 400 cuốn sách đã được trao tặng cho những người thực sự có nhu cầu. Khi được nhận cuốn Đắc nhân tâm, một cậu bé bị liệt đã reo lên rằng cuốn sách này là niềm ao ước bấy lâu nay của em. Điều đó làm tôi thực sự xúc động. Hôm đó, nếu có nhiều sách hơn nữa để tặng thì cũng sẽ hết".

Theo bà Thúy Ngà, vấn đề là chúng ta gieo vào đâu để lòng hiếu đọc, khao khát đọc sách nảy mầm, phát triển. Để thúc đẩy văn hóa đọc, cái nôi gia đình rất quan trọng và không thể không bắt đầu từ người phụ nữ - người vun tổ ấm. Nếu người mẹ không đọc sách, con cũng khó có tình yêu với sách.

Tuy nhiên, theo bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam, có một thực tế là mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách, nhưng trên 300 triệu là sách giáo khoa. Như vậy, chia trung bình thì mỗi người dân chưa được 1 quyển sách mỗi năm. Có một thực tế là việc đọc sách hầu như chỉ phát triển ở các thành phố lớn, còn rất nhiều khoảng trống cần phải được lấp đầy ở các các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng - Ảnh 2.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTT&DL (Vụ Thư viện) với NXB Phụ nữ Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời trong phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng

Chính vì thế, Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTT&DL (Vụ Thư viện) với NXB Phụ nữ Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời trong phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng là một hoạt động thực sự thiết thực, ý nghĩa. Đặc biệt, hoạt động này hết sức có ý nghĩa sau khi Luật Thư viện đã được Quốc hội phê duyệt vào ngày 21/11/2019 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây.

Kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, với tinh thần khuyến khích mọi người chọn sách làm quà tặng, NXB Phụ nữ Việt Nam có chương trình khuyến mại tới 40% cho các đầu sách, đặc biệt giảm giá tới 50% cho 8 bộ sách thiếu nhi dành cho trẻ mẫu giáo và tiểu học.

Sách thiếu nhi dành cho mẫu giáo và tiểu học được giảm giá 50% nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi

Ngoài ra, NXB còn tổ chức một chuyến đi Khuyến đọc với tên gọi Ngày hội Gia đình tại Hải Phòng vào chiều 31/5/2020. Tại đây, nhà nghiên cứu giáo dục, diễn giả Nguyễn Quốc Vương sẽ nói chuyện với phụ huynh quanh chủ Đọc để học thế nào trong thời đại dịch Covid 19; Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng tủ sách gia đình. Cũng trong thời gian này, các học sinh sẽ được tham gia các trò chơi tương tác với sách cùng biên tập viên của NXB và người khởi xướng, điều hành Điểm Đọc Việt Nam Sao Mai Cao Thi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm