Chị Thanh Tâm yêu quý!
Ngồi viết những dòng này cho chị, em cảm thấy nhẹ lòng hơn vì đã có thể trút được những ấm ức, khổ sở bấy lâu.
Em nuôi con gái từ năm cháu lên 3. Không nói thì chị cũng hiểu những lo toan vất vả của một người mẹ phải nuôi con một mình.
Thật may vì con gái em ngoan ngoãn, học hành tấn tới. Cháu có học bổng du học Úc và ở lại đó làm việc, xây dựng gia đình. Khi cháu sinh con trai đầu, em chấp nhận đón cháu ngoại về chăm sóc vì con gái và con rể mới đi làm, thu nhập chưa đủ nuôi con.
Mặc dù đã có hành trình nuôi con một mình, nhưng nuôi cháu lại là câu chuyện khác. Không chỉ vất vả mà còn vô cùng căng thẳng. Việc ăn uống của bé còn phải thực hiện theo “chỉ đạo” của các con từ xa. Thằng bé bụ bẫm, hiếu động nên cần người ở bên từ sáng sớm đến tận lúc lên giường ngủ. Sức khỏe của em cũng giảm sút rất nhiều. Em không nói với con gái nhưng thực sự là mòn mỏi chờ mong các con về đón cháu đi. 1 năm, 2 năm, thời gian trôi qua chậm chạp đến stress luôn chị ạ.
Rồi cũng đến ngày các con báo về đón cháu. Lúc đó, thằng bé được 26 tháng. Mừng rỡ, chờ mong đón con nhưng trong em cũng đầy cảm xúc thiếu vắng, nhớ thương đứa cháu ngoại đã quá gắn bó với mình 2 năm qua. Vậy mà em cảm thấy trời đất quay cuồng khi con gái yêu của mình ào ra ôm mình với cái bụng bầu tròn vo hơn 5 tháng. Em không ngờ, ngày mẹ con đoàn tụ lại là nụ cười méo xệch trên môi.
Em phải thu xếp theo con sang Úc để giúp cháu lớn quen việc đi học và chuẩn bị đón cháu thứ hai. Chị có hiểu tâm trạng em lúc này không? Em sợ việc đó lắm bởi khi cháu lớn đi học về, từ 3h chiều đến đêm, em vẫn phải trông cháu. Chưa kể, còn biết bao thứ phải lo: Chăm sóc con gái sau sinh, chăm cháu gái nhỏ vừa rời bụng mẹ, bệnh tật ốm đau, đồ ăn thức uống lạ, cách ứng xử với con rể những lúc không ưng ý...
Em thực sự sợ lắm, chị ơi.
Em xin giấu tên
Chào chị!
Thanh Tâm rất chia sẻ với tâm trạng người mẹ yêu con, muốn giúp con thật nhiều mà lực bất tòng tâm của chị. Nhưng chị ơi, những nỗi sợ của chị sẽ không được giải quyết nếu chị không tìm cách đối mặt và tìm giải pháp cụ thể.
Chị có nghĩ đến việc để con gái về Việt Nam sinh con và nghỉ dưỡng mấy tháng đầu không? Khi ở nhà mình, chị sẽ tự tin, chủ động hơn trong việc chăm sóc con, cháu. Trong trường hợp cần phải có thêm người giúp việc thì tiền công cũng rẻ hơn.
Nếu đưa chị sang bế cháu hay mang con về nhờ chị trông, các con chị đều phải chi một khoản tiền nhất định. Vì thế, Thanh Tâm nghĩ, nếu các con chị chủ động được cuộc sống, số tiền đó có thể giúp các con thuê người giúp việc theo giờ ở bên đó.
Đó là một vài giải pháp, tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, Thanh Tâm mong chị suy nghĩ thoáng hơn. Không phải cứ để con tự lo cuộc sống là bố mẹ không thương con đâu chị. Các con phải độc lập, tự chịu trách nhiệm và tìm cách giải quyết mọi vấn đề của mình chứ không bắt mẹ phải chấp nhận như việc đã rồi như thế.
Chúc chị và các con tìm được cách giải quyết để tinh thần thoải mái, dễ chịu. Nhưng Thanh Tâm cũng lưu ý với chị rằng được như chị với con gái là mong mỏi của nhiều người lắm đấy.