Mẹ quay như chong chóng nỗ lực hỗ trợ con học trực tuyến

Phạm Thương
17/09/2021 - 06:00
Mẹ quay như chong chóng nỗ lực hỗ trợ con học trực tuyến

Phụ huynh nỗ lực rất nhiều để song hành cùng con trong việc học online

Chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện chơi với con trong những ngày giãn cách xã hội cũng khiến nhiều bậc làm cha mẹ đau đầu. Giờ đây, phụ huynh TPHCM còn phải “vào vai” gia sư để kèm con học trực tuyến và tìm cách “gỡ rối” cho con trong suốt quá trình học.

"Siêu nhân" mẹ

Trong mỗi kỳ học trực tuyến của con, các bậc làm cha mẹ lại phải đảm nhận nhiều đầu việc như: Chuẩn bị máy tính bàn, máy tính bảng hoặc điện thoại, máy in, internet, làm kỹ sư công nghệ, làm gia sư, chuẩn bị tâm lý và tác phong học online cùng con…

Chị Phan Thị Tuyết (TP Thủ Đức, TPHCM), cho biết: "Từ khi con học trực tuyến đến nay, ngày nào mình cũng tất bật với rất nhiều việc không tên. Mình vừa làm online, vừa giám sát việc học của con, kiêm luôn vai trò "kỹ sư công nghệ" để gỡ rối cho con. Chưa kể, mở mắt ra là suy nghĩ hôm nay nấu món gì? Vợ chồng chia nhau lau dọn nhà cửa, phơi quần áo. Việc nhà phải làm thật nhanh để dành thời gian giám sát việc học của con. Học trực tuyến đủ chuyện để nói.  Rớt mạng, máy đơ, mở lớp học Zoom hay Google Meet không được cũng gọi mẹ. Phần bài tập Azota rất phức tạp, trẻ con không thao tác được, nhất là tiểu học. Chấm điểm Azota cũng kỳ cục, có bé làm đúng nhưng khác phần mềm lại chấm sai. Con đi học mà phụ huynh toàn học công nghệ. Nhà mình có 2 con, 2 máy tính nên ba mẹ làm việc phải tranh thủ".

Mẹ quay như chong chóng nỗ lực hỗ trợ con học trực tuyến  - Ảnh 1.

Học sinh học trực tuyến

Cũng bận rộn không kém chị Tuyết, chị Tạ Thị Hồng Hải (Đường Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh, TPHCM) cũng phải sắp xếp thời gian hợp lý để cùng con học online. Lúc thì chị hóa thân thành "giáo viên" lớp 4 cho con gái, lúc thì  "giáo viên" lớp 7 cho con trai. Không những vậy, chị còn sửa mạng, chỉnh máy tính để xử lý những trục trặc trong lúc con học bài. Tranh thủ lúc con làm bài, chị lại quay ra chuẩn bị cơm nước hoặc xử lý việc cơ quan. Cứ thế, chị quay như chong chóng cả buổi.

"Việc học của con, vợ chồng tôi chia lịch giám sát. Học online với học sinh cấp 2 tôi thấy hiệu quả. Còn với tiểu học thì hơi vất vả. Cha mẹ phải theo dõi, hỗ trợ cho con. Buổi tối còn phải ngồi dò bài học và bài tập cô giáo. Con tôi học giống như học trực tiếp ở trường, 7h30 vào lớp và tan lúc 11h. Trong quá trình học có nhiều điều khôi hài. Nhiều khi máy bị đơ, cô giáo chuyển sang bài giảng mới nhưng màn hình vẫn chưa chuyển. Trong quá trình học, con phải mặc đồng phục, đeo khăn quàng đỏ giống như đi học. Từ khi con học trực tuyến, vợ chồng đều mặc quần áo chỉnh tề, nếu vô tình đi ngang qua màn hình của con đỡ phải ngại", chị Hải bộc bạch.

Mong "Ngày giải phóng phụ huynh"

Trải qua nhiều đợt cùng con học trực tuyến, các phụ huynh ví von ngày con trở lại trường học là "Ngày giải phóng phụ huynh". Ngày đó, sẽ là ngày Sài Gòn khống chế được dịch Covid-19, ngày phụ huynh có thể thực hiện các kế hoạch công việc, gặp gỡ cho mình sau những ngày "trói chân trói tay".

Mẹ quay như chong chóng nỗ lực hỗ trợ con học trực tuyến  - Ảnh 2.

Học sinh TPHCM bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Ảnh Mình Tuấn

Chị Phan Thị Thanh Hằng (Khu phố 2, Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TPHCM), tâm sự: "Mỗi lần ngồi canh con học là muốn giận. Hôm nào cũng phải theo sát con. Con tôi học lớp 3, có hôm con cứ ôm cuốn truyện Doremon bên cạnh, tôi giành cuốn truyện cất đi là khóc, không chịu học. Con còn nhỏ quá nên chưa tự giác, vậy nên tôi mong hết dịch bệnh càng sớm càng tốt để con tới trường trở lại, học tập vô khuôn khổ, nề nếp hơn".

Phụ huynh Phan Thị Thương (Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TPHCM) cũng bám sát việc học của con. Chị đọc vanh vách thời gian phát sóng chương trình dạy học trên truyền hình đến thời gian phát lại. "Vì con còn nhỏ, bỡ ngỡ vào tiểu học nên tôi dành sự quan tâm đặc biệt trong việc học của con. Các đài HTV4, VTV7 ngày nào cũng có khung giờ học cho bé lớp 1 và lớp 2. Các chương trình còn phát lại hằng ngày nữa. Các con nếu theo không kịp thì tôi lên Youtube tải về. Chương trình tiếng Anh khối lớp 2 vào 15 giờ hằng ngày, khối lớp 1 là 14 giờ. Trong tình cảnh dịch bệnh này, tôi phải thành giáo viên của con. Tôi mong rằng, dịch bệnh sẽ mau chóng đẩy lùi, để con được đến trường gặp thầy cô, bạn bè. Bản thân tôi cũng đỡ vất vả hơn tí", chị Tuyên kể.

Mẹ quay như chong chóng nỗ lực hỗ trợ con học trực tuyến  - Ảnh 3.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy

Trước khi "Ngày giải phóng phụ huynh" tới, phụ huynh cần tìm cách thích nghi và xác định đây là xu hướng tất yếu không chỉ năm học này mà có thể cho nhiều năm học tiếp theo. Phụ huynh cần tìm hướng "gỡ rối" để đồng hành cùng con một cách hiệu quả.

"Bên cạnh việc khắc phục những khó khăn về thiết bị công nghệ, đường truyền thì cha mẹ cần theo sát kênh giao tiếp với giáo viên và nhà trường, thông qua nhóm zalo hoặc facebook. Cha mẹ phải nắm hướng dẫn từ nhà trường, từ giáo viên từng môn học để kịp thời hỗ trợ con. Phụ huynh còn phải nhắc con đi ngủ sớm, gọi con dậy sớm, cho con ăn sáng, nhắc con nghỉ ngơi thư giãn giữa các tiết học. Tạo cơ hội cho trẻ tập thể dục giúp con cân bằng giữa chơi và học", Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy cho hay.

Phụ huynh muốn chăm con tốt thì bản thân phụ huynh cũng phải khỏe. Các bà mẹ có con học tiểu học, thậm chí là cấp 2 cũng khá vất vã khi con học trực tuyến. Cha mẹ nên cùng con ngủ sớm. Nếu con ngủ sớm nhưng mẹ thức khuya thì ngày hôm sau thiếu ngủ, cũng khó kiên nhẫn. Người mẹ mà mất ngủ, căng thẳng rất dễ cáu giận con. Cân bằng tâm lý rất quan trọng và ảnh hưởng đến hành vi của mẹ. Mùa dịch này thì nhiều người rất bận, vừa làm online, lo con cái, người mẹ nếu không sắp xếp hợp lý thì công việc sẽ trộn vào nhau. Cha và mẹ hãy cùng chia sẻ việc nhà và cùng con học trực tuyến. Như vậy, các áp lực sẽ giảm xuống rất nhiều.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy

Trong kỳ học đặc biệt này, phía bên kia màn hình trực tuyến là sự nỗ lực của thầy cô, còn bên đây là sự kiên trì và yêu thương đong đầy của cha mẹ. Vì con, họ tạm gác công việc để mò mẫm công nghệ. Họ trở thành những giáo viên "bất đắc dĩ", là chuyên gia đặc biệt cho trẻ, cùng con vượt qua kỳ học nhiều khó khăn, cùng chờ ngày các con được quay lại trường học thân yêu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm