Mẹ tôi - người nông dân chân lấm tay bùn

Lan Hương
20/10/2022 - 18:53
Mẹ tôi - người nông dân chân lấm tay bùn

Mẹ tôi - người nông dân chân lấm tay bùn

“Tại sao mẹ không tài giỏi, mẹ không giàu có, không mang cho con cuộc sống sung sướng như các bạn khác”, “Tại sao mẹ chỉ là người nông dân mà không phải bác sĩ hay cô giáo”. Những câu trách móc như vậy đã từng xuất hiện rất nhiều lần trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ, nhưng chưa bao giờ nhìn lại phía bản thân rằng mình đã làm được những gì cho mẹ, mình đã là niềm tự hào mỗi khi mẹ nhắc đến hay chưa…

Cuộc gặp gỡ định mệnh ngày hôm ấy của anh chàng bán rượu với cô thiếu nữ thôn quê đã trở thành mối lương duyên để ba và mẹ tôi cùng trở về xây dựng hạnh phúc dưới một mái nhà. Người phụ nữ ấy đã trải qua biết bao bươn trải với những công việc khác nhau: buôn bán, công nhân hay đan lát…nhưng mỗi khi nhắc đến nghề nghiệp của mẹ thì hình ảnh một người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lại hiện lên trong tâm trí tôi sâu sắc nhất vì Mẹ tôi là người nông dân chân lấm tay bùn.

Từ thuở còn là một cô bé 15, 16 tuổi mẹ đã cùng bà ngoại đi cấy hái thuê cho những gia đình khá giả để đổi lấy gạo về thổi cơm cho cả gia đình 7 miệng ăn. Rồi khi về nhà chồng, người phụ nữ ấy vẫn chăm chỉ làm lụng, người bé nhỏ nhưng bà con ai cũng bảo mẹ nhanh nhẹn, hoạt bát, làm việc rất chịu khó. Đến nay cũng ngót nghét mấy chục năm bám đồng, bám ruộng cái hơi thở của đồng quê đã tạo nên con người hiền hậu, giản đơn mà thân thương; bàn tay, đôi chân của người thấm đầy mùi bùn hòa cùng mùi đất.

Tôi đã lớn lên từ đó, từ mồ hôi, nước mắt và thóc gạo của mẹ. Mỗi khi mẹ đơm cơm là bát của tôi luôn đầy ắp nhất nhà, rồi miếng ngon mẹ lại sẻ cho ú ụ vào bát tôi luôn. Ấy là khi ở nhà, còn mỗi bận về quê chuẩn bị khăn gói ra Hà Nội đi học xa, mẹ lại lo chuẩn bị cho bao nhiêu là gạo- là lương thực, là hồn quê, là tấm lòng người mẹ. Xách bao gạo ục ịch nhiều khi tôi phát cáu nhưng mẹ khi nào cũng bắt  mang theo. Ra chợ, mẹ có thể bớt 500 đồng, một nghìn bạc khi mua mớ rau, con cá nhưng khi nào cũng dặn dò con ra đến nơi thì gọi xe ôm vào nhà trọ để không phải xách mệt. Mẹ lúc nào cũng sợ con gái xa nhà không chịu cơm nước rồi sức khỏe lại ốm yếu.

Người nông dân thì quanh năm đồng áng, hết mùa này lại lo cho vụ tới. Vụ đông xuân năm ấy, do lịch nghỉ kéo dài mình lại có thêm trải nghiệm mới bên đồng ruộng, bên người phụ nữ nông dân của mình và cũng kèm theo bao cảm xúc. Có lội ruộng gieo lúa mới thấu hiểu “Người ta đi cấy lấy công/ Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề” vì vậy mà nhiều gia đình cũng không còn mặn mà với đồng ruộng như trước. Nhưng mẹ mình thì vẫn nhủ rằng “Có hạt lúa trong nhà cho nó ấm cúng” vậy nên dù thóc lúa chẳng được là bao nhưng mẹ luôn gắng làm thêm một chút. Tay mẹ nhanh thoăn thoát đưa lúa vào hàng thẳng tắp như một cái máy, ôi mẹ siêu quá đi. 

Chỉ một hôm đi “thử việc” mà chân tay tôi đã nặng trĩu không lê bước nổi, cái lưng cong cong và đau đau như bà cụ, toàn thân ê ẩm. Vậy mà suốt mấy chục năm qua mẹ vẫn đồng áng mà chẳng than vãn gì. Có làm mới hiểu thêm sự cơ cực mà mẹ gánh bao mùa mưa nắng, lại thấy có lỗi với những bát cơm mình đã lãng phí bỏ đi để cùng bạn bè ngồi lê quán xá đó đây.

Mẹ tôi là nông dân đấy, chẳng cao sang gì đâu nhưng tôi thật tự hào khi nói về điều đó. Tôi được lớn lên nhờ cơm gạo của mẹ, tâm hồn tôi lại yên bình và tươi mát như cánh đồng lúa tươi tốt mà mẹ chăm bẫm. 

Có mẹ, có đồng quê, có những thứ đơn sơ bình dị là điều tôi mang theo trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Nghề nghiệp của mẹ cao sang hay bình dị có quan trọng gì đâu, quan trọng là nó được tạo nên từ công sức của người làm ra và mang đến những điều tốt nhất cho con, cho gia đình, cho xã hội. Mẹ không hứa làm những điều tốt nhất, nhưng mẹ đã làm những điều tốt nhất mà mẹ có thể làm cho con. 

Cảm ơn mẹ, cảm ơn vì cuộc đời này mẹ đã dành cho con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm