pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ dám nghĩ, dám làm trên đất đảo Thanh Lân
Chị Loan giới thiệu hải sản cho khách
Buôn bán hải sản OCOP
Năm 2003 chị Loan đã mạnh dạn thử nuôi trồng thủy sản. Từ ý định muốn nuôi ốc, chị báo cáo với lãnh đạo huyện. Sau 1 năm nuôi thí điểm, chị đã thành công với mô hình này và là người đầu tiên nuôi ốc trên đất đảo Thanh Lân - Cô Tô. Chị Loan cho biết nuôi ốc sẽ ít có rủi ro, không sợ thời tiết thất thường, chỉ cần đầu tư thả con giống và người trông coi nên khả năng thành công rất cao. Đến nay,chị Loan được huyện cấp cho 20.000 m2 để nuôi ốc.
Chị Loan từng là Ủy viên ban chấp hành MTTQ huyện Cô Tô, nội dung các cuộc họp, hội nghị chị đều nắm bắt được, tư vấn lại cho gia đình và mọi người để phát triển kinh tế.
Năm 2018, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai nhằm phát huy thế mạnh, đặc thù ở mỗi địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, đồng thời khắc phục những hạn chế của Chương trình nông thôn mới.
Với mong muốn đưa những sản phẩm của địa phương ra thị trường lớn, chị Loan đã mạnh dạn đầu tư vốn, nhập hàng để kinh doanh sản phẩm OCOP. Chị là người đầu tiên tham gia chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm". Các mặt hàng của chị như cá ngựa, hải sâm, cơ chai, tôm, cua, cá, mực… Chị là đầu mối, phân phối, cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng ở Hà Nội, Hạ Long. Các mặt hàng luôn được đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn của ủy ban nông thôn mới, của tỉnh. Mặt hàng qua kiểm nghiệm, có chứng nhận mới được đưa ra thị trường.
Kinh doanh các mặt hàng chất lượng, các sản phẩm của chị được người tiêu dùng ủng hộ. Người này giới thiệu người kia, không cần thông qua hội chợ, nhiều người tiêu dùng cũng biết đến sản phẩm của chị và đặt hàng. Chị chia sẻ: "Sản phẩm sạch, có chất lượng nên ở đâu cũng được mọi người tin tưởng, được mọi người đặt hàng". Chị Loan đã phát huy và nâng tầm giá trị hải sản Cô Tô đưa về các gian hàng hội chợ trong tỉnh cũng như khắp các tỉnh/thành để mọi người biết đến.
Phát triển du lịch trên đảo Thanh Lân
Vùng đất mỏ Quảng Ninh - nơi ẩn chứa biết bao vẻ đẹp kỳ vĩ đến từ Vịnh Hạ Long, Móng Cái, Trà Cổ, khu du lịch Yên Tử linh thiêng... Tuy nhiên, ít ai biết nơi huyện đảo Cô Tô có một hòn đảo mang tên Thanh Lân đẹp đến nao lòng. Bên cạnh đảo chính Cô Tô náo nhiệt, đầy đủ dịch vụ và đông đúc du khách, thì Thanh Lân - một xã đảo nhỏ thuộc Cô Tô lại tươi đẹp, thanh bình.
Nhận thấy tiềm năng của đảo, với những nét đẹp hoang sơ nhưng lại chưa được nhiều người biết đến, năm 2014, gia đình chị là hộ gia đình đầu tiên bắt đầu với hoạt động kinh doanh nhà nghỉ trên đảo. Khó khăn ban đầu đó là bất cập với phương tiện đưa đón khách, chị chia sẻ: "Những năm đầu hoạt động gặp nhiều khó khăn. Không có tàu đưa khách, khi tàu đi chỉ ra đến Cô Tô, đặc biệt những ngày sóng gió to khách nhìn thấy thời tiết xấu họ không ra Thanh Lân nữa, có nhiều người đặt cọc rồi cũng bỏ cọc."
Từ trung tâm thị trấn Cô Tô phải đi khoảng 2 km nữa để ra cảng sang đảo Thanh Lân. Lúc bấy giờ, đảo Thanh Lân mới có nhà nghỉ Hải Nam của gia đình chị Loan, các dịch vụ chưa có, mọi thứ còn hoang sơ nên chưa thu hút được du khách.
Những năm đầu bất cập nhưng chị Loan vẫn cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh này. Tuy nhiên qua 2 năm "sống chung" với Covid-19, ngành du lịch ngày càng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Chị Loan đã bàn với con trai cần phải thay đổi, cần có những bước ngoặt mới nếu không sẽ dẫn đến thất bại. Chị gọi con trai ở Hà Nội về đồng hành cùng mẹ. Hai mẹ con đã vạch ra những phương hướng mới trong kế hoạch kinh doanh nhà hàng, khách sạn.
Thay đổi từ những khó khăn, từ bất cập trong việc đưa đón khách ra đảo, đến nay cơ sở kinh doanh của chị có phương tiện riêng để đưa đón khách ra đảo. Chị Loan xây dựng nhà bè đỗ ở trên bãi đẹp, có nước trong xanh, đón khách tới đảo là cung đường vòng tuyệt đẹp ôm lấy bãi biển.
Nắm bắt được tâm lý du khách cần những dịch vụ trải nghiệm nhiều hơn, chị Loan đã cho triển khai nhiêu hoạt động thực tế hấp dẫn du khách như cho khách đi bơi, trải nghiệm ngắm san hô, câu mực câu cá, bắt còng gió, chèo thuyền sup… Các hoạt động này thực sự đem lại hiệu quả, thu hút khách đến với nhà nghỉ của chị trên đảo.
Bên cạnh những hoạt động thú vị, thái độ phục vụ tận tình, tận tâm; chất lượng nhà nghỉ của gia đình chị cũng rất được chú trọng phát triển. Chính những điều đó đã tạo thiện cảm với du khách khi tới với Nhà nghỉ Hải Nam của chị nói riêng và tới với du lịch đảo Thanh Lân nói riêng.
Khách biết đến Thanh Lân nhiều hơn, từ đảo về đất liền ai cũng mang trong mình những vui vẻ và hào hứng. Tính riêng thu nhập về mảng khách sạn 3 tháng hè năm nay, chị Loan đã thu về hơn 2 tỷ đồng, nhà nghỉ của chị luôn trong tình trạng đông khách, quá tải.
Từ vùng đảo hoang sơ ít người biết đến, người phụ nữ ấy đã tiên phong du lịch trên đảo Thanh Lân, dám nghĩ dám làm. Hiện nay, trên đảo đã phát triển thêm các cơ sở lưu trú. Khách đến với Thanh Lân có chỗ chơi, du lịch Thanh Lân ngày càng khởi sắc.
Tạo sinh kế cho người dân
Mỗi hoạt động kinh doanh của chị Loan luôn cần những nhân công hỗ trợ. Mỗi người sẽ đảm nhận một công việc. Với công việc nuôi ốc, chị thuê 2 nhân công để trông coi. Dịch vụ nhà nghỉ và kinh doanh sản phẩm OCOP chị có 12 nhân viên chính thức, mỗi người sẽ đảm nhận một công đoạn, người bốc vác, phân loại, người sơ chế, đóng gói, gắn tem nhãn mác.
Công việc của người dân trên đất đảo không mấy dồi dào như những nơi khác. Nếu không phải vụ mùa sứa chính thì người dân chủ yếu đi bắt ốc. Công việc chỉ để sống qua ngày với thu nhập ít ỏi chỉ mấy chục ngàn đồng/ngày, chưa kể thời tiết nắng mưa.
Với nhiều hoạt động kinh doanh của mình, chị Loan còn tạo việc làm cho nhiều người dân ở đây. Hiện tại chị có 14 nhân công chính thức, tạo công ăn việc làm cho họ với mức lương từ 6 -15 triệu đồng/người/tháng. Mùa du lịch cao điểm, chị còn thuê thêm nhân công thời vụ làm công việc bưng bê cơm nước, dọn dẹp khách sạn… với thu nhập 500.000đ/ngày.
Chị Loan được các cấp Hội phụ nữ đánh giá cao. Chị Nguyễn Thị Hằng - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Cô Tô - nhận xét: "Chị Loan là hội viên có nhiều đóng góp trong việc phát triển kinh tế của đảo, tích cực trong công tác Hội. Chị biết vận dụng thời cơ phát triển của huyện để phát triển kinh tế gia đình, với những cách làm sáng tạo, mô hình của gia đình chị ngày càng phát huy hiệu quả cao. Chị Loan là tấm gương để nhiều chị em trong huyện học hỏi và phát triển".