Mẹ trầm cảm với con gái bước qua tuổi dậy thì

Thanh Tâm
18/03/2022 - 13:37
Mẹ trầm cảm với con gái bước qua tuổi dậy thì

Em bất lực trước thái độ hỗn xược, lười biếng của nó. Nhiều lúc như rơi vào trầm cảm. Ảnh minh họa

Em đang rất băn khoăn, không biết nên thay đổi và bắt đầu lại từ đâu trong việc dạy dỗ con gái mình. Em bất lực trước thái độ hỗn xược, lười biếng của nó. Nhiều lúc như rơi vào trầm cảm.
Thanh Tâm thân mến!

Em đang rất băn khoăn, không biết nên thay đổi và bắt đầu lại từ đâu trong việc dạy dỗ con gái mình. Em bất lực trước thái độ hỗn xược, lười biếng của nó. Nhiều lúc như rơi vào trầm cảm. Năm nay là năm cuối cấp và chỉ vài tháng ngắn ngủi nữa con sẽ thi đại học, vậy mà con em chẳng học hành gì, chỉ suốt ngày cày game, ngủ nướng…

Thanh Tâm biết không, học online cả năm qua, các điểm thi đều là điểm ảo, con học đối phó và được các cô tạo điều kiện nâng điểm. Cuối kì vừa qua, con thông báo được học sinh giỏi, mà em thấy tức giận. Em đâu chăm sóc các cô để con được nâng điểm và chủ quan vào khả năng của chính mình. Bài vở luôn không chủ động làm và chuẩn bị. Buổi sáng trước khi vào lớp, con chỉ dậy trước 5 phút rồi vội mở cái máy tính ra để điểm danh. Sau đó thì tắt camera, hoặc quay camera vào 1 chỗ nào đó để trùm chăn nằm tiếp. Em nhắc nhở thì con thái độ, tỏ ra khó chịu, sau đó đóng sập cửa phòng. Nó còn treo lủng lẳng trước cửa phòng cái biển "Không phận sự miễn vào". Em tức sôi máu, lại phải gào lên, mắng cho mấy câu, mặc dù biết rằng nó chẳng nghe, chẳng quan tâm mẹ đang nói gì.

Hiện tại em đang nhờ 3 gia sư kèm cặp nó 3 môn thi chính. Nhưng mỗi một môn, gia sư cũng đã phải đổi tới dăm 3 người, chỉ vì nó lười học quá, không chịu làm bài tập về nhà trước khi vào buổi học mới và có thái độ không tôn trọng người ta. Gia sư quan tâm bài vở, gọi điện thì không nghe, nhắn tin không trả lời, đến buổi học mới hí hoáy làm bài để chữa. Hơn thế nữa, bài tập chỉ biết chép, không chịu động não tư duy với các dạng bài tương tự. Mỗi buổi học 400 nghìn đồng, bố mẹ vất vả đi làm, nó lại coi chẳng ra gì. Ấy thế mà trên lớp vẫn được ghi nhận là học sinh giỏi, em lo lắng quá.

Chồng em là một người nóng tính và vô tâm. Nếu em không nói thì không biết trong nhà đang có chuyện gì. Nhưng nếu biết thì chỉ biết lao vào chửi con và cầm đồ quăng quật trước mặt nó. Điều ấy khiến cho không khí trong gia đình luôn căng thẳng và khoảng cách giữa con và bố mẹ ngày một lớn. Đợt vừa rồi, con em bị nhiễm Covid, dù không triệu chứng gì, nó cũng lấy lí do này để nghỉ học và ở trong phòng cách ly suốt 10 ngày không giao tiếp với ai. Mẹ hỏi thăm bên ngoài cửa thì gắt gỏng: "Đã bảo không sao rồi cứ hỏi suốt". Nó hỗn hào như vậy, làm sao em có thể bình tĩnh được đây?

Kỳ thi đại học sắp đến, lòng em nóng ran như lửa. Lo lắng cho con bao nhiêu, thì con lại luôn nghĩ mình là "phù thuỷ". Mỗi lần mắng nó, nó lại quát lên: "Sao mẹ cứ giày vò con như vậy. Không thích con thì mẹ giết con luôn đi!"… Chưa khi nào em nghĩ, đứa con mình dứt ruột sinh ra, chịu bao nhiêu đau đớn, tủi hờn lại trở thành một người xa lạ với mình đến thế. Con nhà người ta, dù là con trai mà cũng chịu khó, chăm chỉ, ăn ở sạch sẽ. Đằng này, con gái học lớp 12 rồi mà vẫn phải hàng ngày giục đi tắm, giục đi thu quần áo bẩn để giặt. Mỗi lần vào phòng nó là em chỉ muốn ngất đi vì có quá nhiều mùi.

Sáng nào mẹ cũng đi chợ từ sớm, chuẩn bị sẵn đồ ăn, trưa chỉ việc cắm cơm, nấu chín đồ. Vậy mà trưa nào mẹ đi làm về cũng là người tất bật nấu, ăn nhanh rồi lại phải đi làm. Nó thấy mẹ vất vả, nhưng không thấy thương, không có bất kì hành động nào của lòng biết ơn. Thanh Tâm ơi, em biết phải làm gì với con gái em đây? Ngoài việc ham chơi game, săn đơn 0 đồng, son son phấn phấn… con gái em lười biếng, bẩn thỉu, hỗn láo. Đôi khi, em chỉ mong mình có thể nhìn ra được 1 ưu điểm gì của nó để có thể cố gắng dừng so sánh con mình với con của các bạn bè thân bên cạnh. Nhưng… Có cách nào giúp em thay đổi được con không?

                                                                                           Minh Giang (Hà Nội)

Chào em!

Tâm lý tuổi dậy thì có rất nhiều thay đổi, đôi khi cách giao tiếp không phù hợp có thể khiến cho khoảng cách của 2 mẹ con xa nhau hơn. Tuổi dậy thì trải qua nhiều giai đoạn và con của em đang ở giai đoạn cuối của tuổi dậy thì để bước sang giai đoạn thành niên nên tâm lý chưa ổn định. Thay vì cứ lo lắng và mắng chửi, em có thể đồng hành và làm bạn cùng con.

Lắng nghe luôn là chìa khoá tốt nhất cho mọi cuộc nói chuyện. Nhưng nghe cũng phải có nghệ thuật. Em hãy đặt mình vào hoàn cảnh của con, đừng ép buộc con và đặc biệt đừng áp đặt và mắng chửi.

Em hãy thay đổi những suy nghĩ và hành động tiêu cực bằng cách dành thời gian cùng con làm một việc gì đó theo sở thích của nó. Thanh Tâm tin rằng cả 2 sẽ hiểu nhau hơn, từ đó con mới lắng nghe trong các cuộc nói chuyện và các lời khuyên của em mới có hiệu quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm