pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ khủng hoảng vì con như "biến thành người khác" khi đến tuổi dậy thì
Ảnh minh họa
Con có nhiều phản ứng chống đối cha mẹ khiến chị rất sốc. Chị không tin nổi chị làm mọi thứ cho con mà con lại cãi mẹ. Nhiều lần, con còn "sửng cồ" lên khi bị mẹ cấm làm chuyện nọ, chuyện kia. Điều chị buồn nhất là con không gần gũi với bố mẹ mà ngày càng xa cách. Có chuyện gì ở trường lớp, con không chia sẻ với mẹ. Con nổi loạn và làm mọi việc theo ý mình.
Giống như chị Huyền Anh, nhiều cha mẹ cũng trải qua giai đoạn khủng hoảng khi con bước vào tuổi dậy thì. Phải nói đây là giai đoạn mà phụ huynh phải "vật lộn" khi con luôn đối đầu chứ không chịu đối thoại. Và khi cha mẹ càng ngăn cấm thì con càng làm. Hầu hết cha mẹ cảm thấy bất lực, mất kiên nhẫn với con trong giai đoạn này.
Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, cha mẹ thời nay khủng hoảng hơn vì trẻ thời nay không giống như trước kia. Chúng đòi hỏi quyền trẻ em nhiều hơn, chúng có kiến thức nhiều hơn (để tranh luận), chúng có nhiều nguy cơ hơn (mạng xã hội, điện thoại thông minh, những hội nhóm kín…). Để cha mẹ vượt qua khủng hoảng khi con bước vào tuổi dậy thì, theo nhà báo Hoàng Anh Tú, cha mẹ cần phải sửa mình trước. "Vấn đề nằm ở chính các bậc cha mẹ, đó là thứ mà nhiều cha mẹ quên mất khi chỉ chăm chăm tìm cách trị con mà quên cách sửa mình. Là bởi cha mẹ đôi khi để yêu thương choán hết tâm trí. Cha mẹ lo lắng khi con cái không chịu đối thoại với mình, cảm giác bị chúng gạt ra ngoài. Cha mẹ sợ đủ thứ và tự vẽ ra đủ thứ sợ hãi. Dù có khi các con còn chưa nghĩ đến. Như khi con hỏi: Con phải trả lời khi được hỏi về sex thế nào nhỉ? Cha mẹ bắt đầu nghĩ đến thuốc tránh thai, nghĩ đến bao cao su, nghĩ đến lừa đảo qua mạng, nghĩ đến tình yêu vượt quá giới hạn, nghĩ đến đủ thứ kinh dị. Trong khi thứ con hỏi chỉ là giới tính Nam hay Nữ trong bản khai. Đôi khi, sự lo lắng đã dẫn cha mẹ vào mê cung của chính mình đặt ra…".
Để sửa mình, theo nhà báo Hoàng Anh Tú, cha mẹ cần đặt lòng tin vào con. Đừng chỉ nói cha mẹ tin con nhưng con nói gì cha mẹ cũng hoảng hốt, lo lắng, sợ con sai đường khi con nói vậy. Cha mẹ cần tôn trọng con bằng việc tôn trọng cả những suy nghĩ khác biệt trong con, trân trọng những câu hỏi hay suy nghĩ của con và cùng con thảo luận chúng thay vì nghĩ bố mẹ từng này tuổi phải khôn hơn con. Cha mẹ tập làm quen với việc chỉ nhìn thấy lưng con, bởi chúng cần đi trước bố mẹ chứ không phải luôn đi sau bố mẹ. Chúng cần có một thế giới riêng để có chân trời riêng. Miễn sao cha mẹ luôn nhìn thấy lưng chúng chứ không phải mất hút chúng. Cha mẹ hãy tập buông tay để con lớn. Cha mẹ cần xây dựng nguyên tắc - kỷ luật dựa trên nguyên tắc đã được thống nhất chứ đừng kỷ luật theo cảm xúc. Là cái gì không cấm thì được làm chứ đừng làm gì cũng cấm hoặc mỗi ngày thêm một điều cấm.
Cha mẹ học cách thừa nhận hoặc chấp nhận. Thích ứng an toàn thay vì chiến lược Không - Được - Sai. Quản lý rủi ro chứ đừng chỉ chăm chăm ngăn chặn rủi ro. Cha mẹ định hướng tương lai chứ đừng vẽ hay sắp đặt tương lai. Con nghĩ gì về tương lai chính là những gì con đang nghĩ trong hiện tại. Cha mẹ có thể căn chỉnh hiện tại với những tương lai mà con đang nghĩ, giống như việc xây dựng mục tiêu.